Giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường: Hỗ trợ đổi xe máy cũ có khả thi?

(PLVN) - Việc lưu thông của những chiếc xe máy cũ nát trên đường phố là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường tại TP Hà Nội.
Xe máy cũ nát lưu hành trên đường phố.
Xe máy cũ nát lưu hành trên đường phố.

Khói, bụi từ những chiếc xe máy cũ nát đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều người tham gia giao thông. Nhằm xử lý triệt để tình trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội vừa đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận triển khai chương trình hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, tăng ô nhiễm môi trường

Hàng ngày, tại Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy cũ nát “làm xiếc” trên đường, vô tư chở hàng cồng kềnh, nhả khói đen kịt, kèm theo tiếng động cơ nổ đinh tai nhức óc. Gọi là xe máy cũ nát, bởi hầu như không còn dấu hiệu nhận biết đó là loại xe gì?

Có xe chỉ trơ lại bộ khung bằng sắt hoen gỉ, phần đầu trống hoác với mớ dây điện loằng ngoằng, không còi, không đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, không gương. Thậm chí, nhiều xe không có đăng ký xe, không có biển số, không có ống xả... nhưng vẫn lưu thông hằng ngày trên đường.

Những chiếc xe này do sử dụng công nghệ lạc hậu nên khả năng đốt cháy nhiên liệu không hết, thải ra ngoài môi trường gấp nhiều lần ô tô và phần lớn khí thải độc hại là hydrocarbon, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Thực tế, do có niên hạn sử dụng đã quá lâu nên những chiếc xe “đồng nát” này khi tham gia lưu thông không chỉ gây mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn mà còn phát tán lượng lớn khí thải làm gia tăng ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các tuyến phố trong nội thành Hà Nội.

Khí thải từ động cơ của những xe máy cũ nát có hàm lượng chất độc hại rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tham gia giao thông cũng như người dân sống hai bên đường. Đặc biệt là ở những khu vực đèn xanh, đèn đỏ, khi xe đỗ dừng ở chế độ chạy cầm chừng thì đào thải ra một lượng khí thải rất lớn.

Theo Bác sĩ CKI. Phan Hải Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, tiếng ồn do xe cộ, cộng với khói bụi do khí thải và sự tắc nghẽn, chật chội trên các tuyến đường ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tinh thần, thậm chí ảnh hưởng đến cả tâm sinh lý của con người.

Khi bị tiếng ồn “tra tấn”, phải đứng lâu trong môi trường dày đặc khói bụi, con người không chỉ mắc các bệnh về thực thể mà còn dễ làm cho người ta bị nhức đầu, khó chịu, bị hội chứng suy nhược thần kinh; làm tăng tác động lên thần kinh gây tăng tiết một số chất không có lợi cho cơ thể khiến người ta dễ bức bối, nổi nóng và khó tự chủ...

Theo các chuyên gia, trong quá trình hoạt động, các phương tiện "quá đát" thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp 2-4 lần các loại xe mới, được bảo dưỡng định kỳ. Do vậy, việc hạn chế hoặc ngăn chặn những chiếc xe có tuổi đời sử dụng quá cao, là một trong những việc làm cần thiết để bảo vệ sức khoẻ con người, môi trường trước những tác hại do các phương tiện này gây ra.

Để giải quyết tình trạng trên, Sở TN-MT Hà Nội vừa đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận phối hợp với Hiệp hội Xe máy Việt Nam triển khai chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP”.

Theo chương trình, Hà Nội sẽ lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm tại 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy để phục vụ cho việc đo khí thải nằm trên địa bàn 6 quận gồm Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân.

Cũng theo đề xuất, dự kiến sẽ lựa chọn 30 đại lý xe máy trên địa bàn thành phố để thí điểm chương trình đăng ký tham gia đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ (sản xuất trước năm 2002) với các cơ chế hỗ trợ khác nhau. Hiệp hội Xe máy Việt Nam là đơn vị chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt 8 trạm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe, cùng các cán bộ kỹ thuật để thực hiện hoạt động này.

Đặc biệt, theo Sở TN-MT Hà Nội, người dân khi đưa xe đến kiểm tra khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300 nghìn đồng. Còn người dân muốn đổi xe máy, dự kiến được hỗ trợ từ 2 - 4 triệu đồng. Kinh phí hỗ trợ người dân được trích từ nguồn ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, chương trình còn lên kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất để lưu trữ xe máy cũ và phối hợp với các công ty tái chế đảm bảo xe máy cũ được thu hồi và xử lý 100%, không tái sử dụng.

Thiếu quy định?

Theo thống kê tại Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000, chưa kể nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.

Do vậy, để thực hiện thu hồi một lượng lớn xe máy cũ nát tại Hà Nội nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung không chỉ tốn nhiều chi phí mà còn gặp nhiều khó khăn do nhiều lao động nghèo vẫn sử dụng phương tiện này như một “chiếc cần câu cơm”. Để những lao động nghèo có thể mua xe mới thì số tiền hỗ trợ từ 2 đến 4 triệu chưa đủ.

Anh Nguyễn Tuấn Anh quê ở Thanh Hoá cho biết: “Xe tôi chắc chắn thuộc diện thu hồi rồi. Nó quá cũ và nát. Nhưng mà nếu chỉ được hỗ trợ 4 triệu thì ít nhất tôi cũng phải bỏ thêm hơn chục triệu để mua xe máy mới. Đó là khoản tiền lớn đối với gia đình tôi lúc này. Trong khi đó, chiếc xe cũ vẫn chạy được, mua hẳn chiếc xe mới vì khí thải không đảm bảo tôi thấy không cần thiết với tôi”.

Trước dự kiến này của Hà Nội, trả lời báo chí, ông Nguyễn Trung Kiên, giảng viên chuyên ngành ô tô - xe máy, Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1 cho rằng không cần thiết phải thu hồi toàn bộ xe.

Ông Kiên phân tích: "Bộ phận chính tạo ra khí thải là động cơ. Do đó, với những xe cũ (không quá cũ nát) có thể thay động cơ. Mặc dù giá trị chiếc xe phần lớn nằm ở động cơ, nhưng thu hồi cả xe sẽ gây lãng phí. Tuy nhiên, nếu thay động cơ sẽ bắt buộc phải kèm theo thay đổi cả số khung, số máy.

Trong khi xe đã đăng ký sẽ có số liệu này trên giấy tờ, hồ sơ đăng ký. Nếu thay động cơ khác thì số khung và số máy phải thay đổi lại, như thế xe không như đăng ký ban đầu. Đây là điều mà pháp luật chưa có quy định. Vì thế, nếu áp dụng theo hướng này đòi hỏi phải có luật hoặc quy định cụ thể”.

Ông Kiên đưa ra hướng khác khả thi hơn: “Không cần thiết thay cả động cơ mà chỉ cần thay các linh kiện bên trong động cơ. Việc làm này vẫn đáp ứng được nhu cầu về tiêu chuẩn khí thải mà không nhất thiết phải thay toàn bộ động cơ xe".

Vị giảng viên chuyên ngành ô tô - xe máy phân tích, có xe chỉ cần thay một vài chi tiết như pit - tong, bộ chế hoà khí…, những bộ phận này là nguyên nhân phát thải ra môi trường. Việc thay đổi những linh kiện này sẽ không ảnh hưởng gì tới thủ tục pháp lý vì không thay đổi số khung, số máy; các dữ liệu lưu trữ trong hồ sơ đăng ký xe vẫn được giữ nguyên.

“Việc thay thế phụ tùng mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Việc thu hồi và thay bằng một xe mới phải tầm 10 triệu trở lên; nếu thay toàn bộ động cơ xe máy sẽ mất khoảng 3-5 triệu đồng, trong khi thay các linh kiện như đã nói ở trên thì chi phí giảm rất nhiều nữa”, ông Kiên nói.

Cũng theo ông Kiên, để làm được việc này cần phải có đơn vị đánh giá. Ở những đơn vị này phải có thiết bị đo chất lượng khí thải của chiếc xe xem còn đảm bảo theo tiêu chuẩn không. Nếu không sẽ xác định phụ tùng cần thay thế.

“Một vấn đề nữa cần lưu ý, trong trường hợp xe sử dụng thời gian quá lâu, khung xe gỉ sét không đủ an toàn thì nên thu hồi, không được phép lưu thông để tránh gây ra tai nạn hoặc phát thải quá nhiều khi lưu thông trên đường. Cần phải kiểm tra cả việc này chứ không phải chỉ kiểm tra động cơ về khí thải. Bên cạnh giá trị về kinh tế thì cũng cần phải tính đến độ an toàn cho người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông khác", ông Kiên nêu quan điểm.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy ban KHCN và Môi trường Quốc hội nêu ý kiến: "Tại sao không khuyến cáo người dân thay thế những phụ tùng gây ô nhiễm môi trường, trong khi nhiều nước cũng không bắt buộc đi thu hồi hết? Trên thế giới vẫn có những xe cổ tồn tại bao đời, có giá trị rất lớn khi mang đấu giá.

Vì họ biết đó là xe cổ, thay thế phụ tùng để không trở thành những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Nên chăng chỉ thay thế những bộ phận trong xe dễ gây ra ô nhiễm ra môi trường. Những xe vẫn tốt dù có thời hạn đăng ký trên 18 năm mà đi thu hồi để tái chế, liệu có doanh nghiệp nào đứng ra làm hay lại thành một đống rác thải?”.

Việc giảm thiểu phương tiện xe máy cũ nát lưu thông trên đường không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí mà còn bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên cần tính toán một cách hợp lý để đạt được hiệu quả cao.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đối với gia đình khó khăn chuyển đổi nghề nghiệp, mức hỗ trợ kinh phí đổi xe. Đặc biệt với người nghèo mưu sinh, những chiếc xe máy cũ này là miếng cơm, manh áo của cả gia đình họ.

Đọc thêm