"Giải thoát" mẹ bằng nhát dao dành cho cha

Trong ngày cậu con trai được tự do, người mẹ gầy mõ, đứng ngóng con và nhớ lại quãng thời gian cay đắng đã qua của mình.

Trong ngày cậu con trai được tự do, người mẹ gầy mõ, đứng ngóng con và nhớ lại quãng thời gian cay đắng đã qua của mình.Thân cò ngóng con Thân hình gầy guộc, gương mặt sạm đen đầy nếp nhăn và chất chứa vô số những đau khổ cho cả quãng đời đắng cay hiện rõ trên nét mặt người đàn bà luống tuổi 60. Bà đứng như trời chồng dưới cơn mưa lất phất, mắt hướng vào phía trong trại giam. Bà hồi hộp mong cậu con trai của mình xuất hiện trong ngày đặc xá trở về. Sáng ngày 29/8, cùng chung với hơn 300 phạm nhân của trại giam Thanh Xuân, Hà Nội, phạm nhân Lưu Văn Sang (SN 1981, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) được hưởng đặc xá vì đã cải tạo tốt. Tới trưa hôm đó, Sang vẫn chưa xong phần thủ tục để ra ngoài. Vậy là người mẹ của Sang cứ đứng dầm mưa từ sáng sớm mà ngóng con.
Các phạm nhân được đặc xá tại trại giam Thanh Xuân
Các phạm nhân được đặc xá tại trại giam Thanh Xuân
Không dời mắt khỏi phía trại giam, người mẹ cho biết đang mừng đến run người khi mà chỉ ít phút nữa thôi là bà đã có thể tha hồ mà ôm cậu con trai tội lỗi vào lòng cho thỏa những ngày xa cách. Lần gặp này sẽ không tủi phận như những lần thăm nuôi trước, vì chỉ ít phút nữa thôi con bà đã lại có quyền công dân, có cơ hội để làm lại cuộc đời lầm lỡ của mình. Trong lúc chờ đợi, người phụ nữ tên Nguyễn Thị Tôn đó chậm rãi kể về quãng đời đầy nước mắt của mình. Trong suốt câu chuyện, bà vẫn không khỏi bồn chồn khắc khoải, khuôn mặt khắc khổ.. Bà Tôn lấy chồng và có được ba đứa con, Sang là đứa con trai đầu của bà. Không được may mắn như những người vợ khác, luôn được chồng chia sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền, bà Tôn phải cáng đáng mọi việc lớn nhỏ trong nhà, trong khi người chồng chỉ biết đến rượu và cờ bạc. Bà Tôn nói: "Một tuần thì ông ấy say khướt đến bảy ngày". Và kèm theo những cơn say rượu của người chồng là những trận đòn mà bà phải gánh chịu. Hết chửi đánh vợ con, chồng bà Tôn lại quay ra gây sự với bà con lối xóm. "Ở đâu ông ta cũng "quậy", từ hàng xóm láng giềng đến cả chốn đình chùa linh thiêng ông ấy cũng chẳng tha", lời bà Tôn. Chồng không giúp được gì, một nách bà Tôn nuôi ba đứa con nhỏ. Nhiều đêm, ba mẹ con đang say giấc, bỗng có người đập cửa thình thịch báo chồng bà đang say rượu mà nằm vật ra ở một xó nào đó. Vậy là bà Tôn lại phải trở dậy đi tìm hết bờ này, bụi kia để đưa chồng về nhà. "Giờ nhớ lại cái cảnh thân tôi thì gày gò nhỏ bé, chồng thì say khướt nằm ở vệ đường, vừa cố đưa chồng về nhà, vừa dỗ cho mấy đứa con nhỏ đáng bám lấy chân mẹ khỏi khóc mà tôi thấy cực quá...", bà Tôn nói. Là anh lớn trong nhà, Sang sớm theo nghề mộc để mong phụ giúp mẹ. Cả tuổi thơ của cậu đã lớn lên và chứng kiến những tháng năm tủi cực của mẹ bên người cha chỉ biết đến rượu chè và cờ bạc. Có lần mẹ chắt chiu mãi mới mua được cho anh em Sang chiếc xe đạp để đi học xa cho đỡ vất vả, thế mà vì nợ bạc mà người cha đã lén đem chiếc xe đạp đi bán. Lúc đó anh em Sang chỉ biết nhìn mẹ khóc mà không biết làm gì để người mẹ đó vơi bớt đi khổ đau.Ngày đen tối Vốn hiền lành ít nói, chỉ mải mê học nghề mộc, Sang cũng chưa kịp yêu đương tìm hiểu cô gái nào, nhưng cậu đã vội mắc vào vòng lao lý, khiến người mẹ đã quá cực lại càng thêm khổ đau.
Nụ cười trên gương mặt khắc khổ của bà Tôn ngày đón con trở về
Nụ cười trên gương mặt khắc khổ của bà Tôn ngày đón con trở về
Giọng nghẹn ngào, bà Tôn kể lại: Hôm đó bà đi làm đồng, thấy mọi người hớt hải chạy ra thông báo nhà bà có chuyện. Bà không ngờ rằng, lần này thì chuyện đã vượt quá cái ngưỡng cho phép. Cảnh tượng kinh hoàng khi bà vừa bước chân về nhà, cậu con trai lớn tên Sang thì ủ rũ, thất thần, còn người chồng nát rượu 53 tuổi của bà thì nằm trong vũng máu, người còn phả ra đầy mùi rượu. Vậy là những nén nhịn bấy lâu nay của cậu con trai mới lớn đã dồn hết cả vào nhát dao dành cho người cha đáng trách. Năm 2003, vụ án con sát hại cha đó gây xôn xao dư luận cả cái làng quê nhỏ bé. Sang bị bắt ngay sau đó và phải nhận mức án 15 năm tù giam. Bảy năm con ngồi tù là bảy năm bà Tôn phải vò võ mong nhớ con, chắt chiu từng đồng để có được số tiền ít ỏi đi thăm nuôi con trong trại giam. Dường như người mẹ không giận cậu con trai đã giết bố mà bà chỉ thương đứa con dại vì thiếu tự chủ đã đánh mất tương lai. "Bình thường nó là đứa hiền lành và biết thương mẹ lắm", bà Tôn nói. Và nhờ sự khoan hồng của Nhà nước, nhờ Sang cải tạo tốt, sau khi thụ án được 7 năm, Sang được trở về với người mẹ khổ đau của mình. Bà Tôn háo hức mong con sẽ học tiếp nghề mộc để làm lại cuộc đời.
Theo N.T
VietNamNet

Đọc thêm