Giám đốc công ty Bảo Việt Cần Thơ rút súng dọa công an?

Công an xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho rằng khi cảnh sát giao thông dừng xe vi phạm, ông Giám đốc Công ty Bảo Việt Cần Thơ đã bước đến rút súng đe dọa họ. Trong khi đó, ông giám đốc nói ông vẫn bỏ súng trong bao.

Công an xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho rằng khi cảnh sát giao thông dừng xe vi phạm, ông Giám đốc Công ty Bảo Việt Cần Thơ đã bước đến rút súng đe dọa họ. Trong khi đó, ông giám đốc nói ông vẫn bỏ súng trong bao. Giám đốc Công ty Bảo Việt Cần Thơ mang súng trong lúc nồng nặc mùi rượu “làm việc” với lực lượng cảnh sát giao lưu thông của huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đang làm nhiệm vụ. Theo lực lượng cảnh sát giao thông huyện Phụng Hiệp, sự việc xảy ra khoảng 21g10 ngày 20-5. Khi tuần tra trên tuyến quốc lộ 61 (Cần Thơ - Hậu Giang), đến đoạn thuộc xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, tổ tuần tra giao thông phát hiện ôtô bốn chỗ vi phạm luật giao thông khi sử dụng đèn chiếu xa sai quy định.
Súng công cụ hỗ trợ mà ông Lương Chí Hiếu mang theo khi gặp cảnh sát giao thông dừng xe do Công an TP Cần Thơ cấp - (Ảnh: Phương Nguyên)
Súng công cụ hỗ trợ mà ông Lương Chí Hiếu mang theo khi gặp cảnh sát giao thông dừng xe do Công an TP Cần Thơ cấp - (Ảnh: Phương Nguyên)
Lực lượng cảnh sát giao thông lập tức ra hiệu lệnh cho xe vi phạm dừng lại để kiểm tra, xử phạt. Kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế cho thấy người này có nồng độ cồn trong máu đạt 226mg/100ml máu, vượt gấp nhiều lần quy định hiện hành. Khi các chiến sĩ đang lập biên bản với tài xế Lê Quốc Đoàn thì từ ôtô vi phạm một người đàn ông bước tới, nồng nặc mùi rượu, miệng quát tháo, lời lẽ thiếu tôn trọng với lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Thượng tá Võ Thanh Tòng, phó Công an huyện Phụng Hiệp (Cần Thơ), cho biết người đó là ông Lương Chí Hiếu (giám đốc Công ty Bảo Việt Cần Thơ). Sau một lúc lớn tiếng, người đàn ông này đã móc súng cầm trên tay, đi tới đi lui ra vẻ thị uy và đe dọa lực lượng công an đang làm nhiệm vụ khiến lực lượng này và người dân địa phương đứng gần đó phải dạt ra xa. Ông Nguyễn Thanh Dư, phó Công an xã Tân Bình (huyện Phụng Hiệp), cho biết tại trụ sở công an xã sau khi làm việc, người đàn ông tên Lương Chí Hiếu vẫn không cho biết nơi đăng ký thường trú. Kèm theo đó, ông Hiếu đã trình ra giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ, được cấp cho Công ty Bảo Việt Cần Thơ có địa chỉ tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Loại công cụ hỗ trợ là súng bắn đạn cao su do Đức sản xuất. Giấy phép này được Công an Cần Thơ cấp năm 2009 và hạn sử dụng tới tháng 4-2012. Ông Dư cho biết thêm lúc kiểm tra súng thì phát hiện còn hai viên đạn, trong đó một viên đã lên nòng. Ông Hiếu không thừa nhận mình đã lên đạn trước đó. Chiều qua, đại tá Trần Thị Ngọc Đẹp, phó giám đốc Công an TP Cần Thơ, cho biết việc cấp súng công cụ hỗ trợ cho đơn vị nào là do phòng PC13 tham mưu cho lãnh đạo Công an thành phố chấp thuận. Lãnh đạo Công an TP sẽ chỉ đạo phòng chức năng cho kiểm tra ngay vụ việc này. Thượng tá Nguyễn Công Hảo, trưởng phòng PC13, nói sẽ cho kiểm tra lại quy trình cấp súng, sử dụng súng đối với Công ty Bảo Việt Cần Thơ, đồng thời nhận định việc ông Hiếu rút súng công cụ hỗ trợ trong trường hợp này là sai với quy định. Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi vào chiều tối 22-5, ông Lương Chí Hiếu thừa nhận chính mình là người cầm súng vào tối 20-5. Lúc đi công tác có uống rượu với một số người. Tuy nhiên ông Hiếu cho biết mình vẫn còn để súng trong bao, sau đó bỏ vào túi, lực lượng công an phát hiện nên lập biên bản.
Ai được dùng súng?

Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được ban hành kèm theo nghị định số 47/CP của Chính phủ từ cách đây 14 năm (12-8-1996).

Theo đó, các đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ gồm: lực lượng quân đội nhân dân; dân quân tự vệ; công an nhân dân; đội kiểm tra chống buôn lậu của hải quan, hải quan cửa khẩu; đội kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường; đội tuần tra kiểm soát của kiểm lâm; ban, đội bảo vệ chuyên trách của một số cơ quan, tổ chức nhà nước; ban bảo vệ dân phố hoặc tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở phường xã; trường, trung tâm huấn luyện võ thuật và thể thao của Nhà nước; an ninh hàng không và các đội thi hành án.

Quy chế quy định rõ điều kiện để được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ phải là đơn vị có quyết định thành lập tổ chức, đơn vị của cơ quan có thẩm quyền; có yêu cầu cần thiết trong công tác, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh - trật tự, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản của công dân; huấn luyện, thi đấu thể thao và tự vệ. Khi mang công cụ hỗ trợ theo người phải có giấy phép sử dụng.

Thông tư 05/TT-BNV (C13) của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn thực hiện một số vấn đề trong nghị định 47/CP cũng nêu rõ việc sử dụng công cụ hỗ trợ phải có giấy phép của cơ quan công an từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; chỉ được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi làm nhiệm vụ: tiến công vô hiệu hóa hoặc khống chế, bắt kẻ phạm tội, ngăn chặn hành vi phạm pháp gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm an ninh trật tự và trong các trường hợp phòng vệ chính đáng.

M.Q
Theo Phương Nguyên
Tuổi Trẻ

Đọc thêm