Giảm hình phạt tử hình với 7 tội danh: Sự điều chỉnh phù hợp!

(PLO) - Tử hình là chế tài nghiêm khắc nhất trong hệ thống các chế tài hình sự. Ở nước ta, sự tồn tại của hình phạt tử hình gắn liền với lịch sử đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ đất nước từ thời phong kiến và xuất phát từ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng – an ninh của đất nước qua các thời kỳ. 

Người bị kết án tử hình về tội tham ô, nhận hối lộ có thể thoát chết nếu nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Ảnh minh họa.
Người bị kết án tử hình về tội tham ô, nhận hối lộ có thể thoát chết nếu nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Ảnh minh họa.
Tử hình - hình phạt tước đi quyền cơ bản nhất của con người
Theo số liệu nghiên cứu của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 30/6/2014, có 162 quốc gia và vùng lãnh thổ bãi bỏ hình phạt tử hình trên luật hoặc trên thực tế, trong đó có 100 nước bãi bỏ hoàn toàn; 55 nước có quy định hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế; 07 nước bãi bỏ án tử hình đối với tội thông thường và duy trì án tử hình đối với tội ngoại lệ như một số tội theo luật quân sự trong những hoàn cảnh đặc biệt; 37 nước và lãnh thổ vẫn duy trì hình phạt tử hình đối với tội phạm thông thường. Trong 10 nước ASEAN, có 02 nước bãi bỏ hoàn toàn, 03 nước còn duy trì hình phạt tử hình nhưng không áp dụng. 
Ở nước ta, thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình trong nhiều thập kỷ qua cho thấy, hình phạt này đã đem lại những tác dụng nhất định trong việc trừng trị những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và giáo dục người khác tôn trọng pháp luật; việc áp dụng đúng đắn hình phạt tử hình được dư luận quần chúng đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, tử hình là hình phạt tước đi quyền sống – quyền cơ bản, quan trọng nhất của con người, tước bỏ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và phục thiện của người bị kết án. 
Theo nhận định của các chuyên gia tư pháp, không có một nền tư pháp nào trên thế giới có thể bảo đảm chính xác tuyệt đối, không có oan sai. Việc oan sai trong áp dụng hình phạt tù và các hình phạt không tước tự do thì có thể khắc phục được, còn oan sai trong việc áp dụng hình phạt tử hình (nhất là trường hợp đã thi hành) thì không còn khả năng khắc phục sai lầm. Do vậy, cùng với sự phát triển văn minh nhân loại, xu hướng chung của thế giới hiện nay là thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn loại hình phạt này và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. 
Một sự điều chỉnh phù hợp
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi yêu cầu bảo vệ quyền con người nói chung và quyền sống nói riêng ngày càng được đề cao trong Hiến pháp 2013, lần đầu tiên Hiến pháp quy định một điều riêng về bảo vệ quyền sống “mọi người có quyền sống” thì việc giảm quy định hình phạt tử hình trong BLHS (sửa đổi) và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình là yêu cầu tất yếu. Việc BLHS (sửa đổi) bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh nêu trên đã quán triệt tư tưởng cải cách tư pháp, bám sát các tiêu chí cũng như điều kiện áp dụng hình phạt tử hình. 
Chẳng hạn, đối với tội cướp tài sản (Điều 168), thực tế cho thấy cướp tài sản là một trong ba tội phạm nghiêm trọng nhất trong số các tội xâm phạm sở hữu. Bản chất của tội này là tước đoạt quyền sở hữu của người khác bằng vũ lực hoặc bằng các hành động khác tấn công nạn nhân làm cho họ không thể chống cự được. Vì vậy, trong khi thực hiện hành vi cướp tài sản, người phạm tội có thể gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. 
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng đây là tội xâm phạm quyền sở hữu của người khác, đối tượng chính bị xâm hại ở đây là tài sản. Mục đích của người phạm tội này là chiếm đoạt tài sản của người khác chứ không phải là xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Việc gây thương tích hoặc làm chết người khi thực hiện hành vi cướp không nằm trong ý định chủ quan của người phạm tội cướp. Hơn nữa, không phải mọi trường hợp phạm tội cướp tài sản đều gây chết người, do vậy việc áp dụng hình phạt tù chung thân đối với tội phạm này là đủ nghiêm khắc.  
Hay như đối với tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, đối tượng xâm hại của tội này là tài sản dưới dạng các công trình, phương tiện có tầm quan trọng về an ninh quốc gia, trước đây đều thuộc sở hữu nhà nước nên có chính sách xử lý nghiêm khắc hơn, nhưng nay thuộc nhiều sở hữu của các thành phần kinh tế khác nhau mà về nguyên tắc, phải được bảo vệ như nhau. Do vậy, hình phạt tù chung thân đối với tội phạm này là đủ nghiêm khắc. Ngoài ra, thực tiễn cũng cho thấy trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, các tòa án không áp dụng hình phạt tử hình đối với những người phạm tội này. 
Đối với tội chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch, các nhà làm luật cũng chỉ ra rằng, đây là các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng hậu quả mà hành vi phạm tội này gây ra sau đó có thể không nằm trong ý muốn chủ quan của người phạm tội. Thậm chí có trường hợp khi thực hiện các hành vi này, bản thân người phạm tội chưa hình dung được hết những hậu quả mà hành vi phạm tội của mình có thể gây ra. 
Mặt khác, xét về khía cạnh tâm lý, trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, cận kề giữa cái sống, cái chết, con người rất có thể có những giây phút hèn nhát, vì sợ chết mà chống mệnh lệnh được giao hoặc vì sợ chết mà đầu hàng địch. Do đó, nếu được mở thêm một con đường sống (không tử hình) thì bản thân người phạm tội có cơ hội để sám hối lỗi lầm của mình. 
Hơn nữa, tội chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch chủ yếu xảy ra trong thời chiến và khi đó hậu quả của nó sẽ cực kỳ nghiêm trọng, còn trong điều kiện thời bình như hiện nay thì hậu quả của hành vi phạm tội này cũng có mức độ, không giống như thời chiến. Do vậy, hình phạt tù chung thân đối với các tội phạm này là đủ nghiêm khắc mà không cần thiết phải tước đi sinh mạng của người phạm tội. 
Quy định có lợi cho dân sẽ áp dụng ngay
BLHS (sửa đổi) phải tới ngày 1/7/2016 mới có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, Điều 2 Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành BLHS (sửa đổi) quy định rõ: 
Kể từ ngày BLHS này được công bố:
a) Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS này đã bỏ hình phạt tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
b) Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người được nêu tại Điểm a Khoản này nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án TANDTC chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
c) Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS này thì không thi hành và Chánh án TANDTC chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

Đọc thêm