Giám sát dự án đầu tư

Với hai năm liên tiếp giữ vững vị trí dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đà Nẵng đang và sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng chính từ hàng loạt các dự án đầu tư vào đây đang đẩy thành phố đứng trước những khó khăn và thách thức, đó là làm sao cho dự án đầu tư hiệu quả và phù hợp với sự vận động của thực tiễn cuộc sống.

Với hai năm liên tiếp giữ vững vị trí dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đà Nẵng đang và sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng chính từ hàng loạt các dự án đầu tư vào đây đang đẩy thành phố đứng trước những khó khăn và thách thức, đó là làm sao cho dự án đầu tư hiệu quả và phù hợp với sự vận động của thực tiễn cuộc sống.

Dự án càng nhiều, thách thức càng lớn

Tập huấn nhằm tăng cường sự giám sát đầu tư của cộng đồng.

Tập huấn nhằm tăng cường sự giám sát đầu tư của cộng đồng.

Sau 13 năm chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, thế và lực của Đà Nẵng đã ở tầm cao hơn và phát triển theo hướng bền vững, nhờ coi trọng an sinh xã hội và môi trường. Với ưu thế ở một số chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian và chính sách lao động, các nhà đầu tư tập trung vào Đà Nẵng với các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các tổ hợp bất động sản đồ sộ dọc theo bãi biển cũng như các dự án lớn khác tại khu công nghệ cao ở Hòa Vang. Đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận khoảng 164 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 2,62 tỷ USD, trong đó, vốn thực hiện đạt 1,29 tỷ USD. Tuy nhiên, trong số đó, Đà Nẵng cũng chứng kiến không ít kẻ đến, người đi và thậm chí “ra đi không kèn, không trống”. Không ít chủ đầu tư buộc phải bán lại dự án vì thiếu vốn.

Chỉ tính riêng trong đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ, Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh ven biển miền Trung đang gặp phải là 20% số dự án FDI triển khai cầm chừng, 90% số dự án trong nước triển khai chậm hoặc không được triển khai. Một số dự án khi quy hoạch thì họp dân công bố rất cụ thể chi tiết, nhưng khi không có khả năng triển khai nữa thì lại bặt tăm hơi. Chính điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong hoạt động sản xuất, an sinh xã hội và môi trường.

Cụ thể, cách đây 7 năm, khu đất rộng 12ha nằm cạnh danh thắng Ngũ Hành Sơn được cấp phép cho Tập đoàn Magnum Investment (Mỹ) nhằm xây dựng một khu nghỉ dưỡng có tên gọi Vegas Beach Club Resort. Chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành và khai trương khu nghỉ 3 năm sau khi cấp phép. Do thiếu vốn, chủ đầu tư buộc phải bán lại dự án cho Tập đoàn Kingom Hotels Investment, nhưng những gì mà tập đoàn này làm được chỉ là xây bức tường rào bao quanh dự án rồi án binh bất động. Dự án lại một lần nữa tiếp tục được trao tay đổi chủ cho Vingroup.

Bên cạnh một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài phải bán lại cho chủ đầu tư khác vì thiếu vốn thì một số dự án trong nước lại triển khai chậm. Điển hình như dự án xây dựng bờ kè và đường Nguyễn Tất Thành nối dài đã kéo dài 4 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ông Trương Văn Đô, Bí thư chi bộ 1, Nam Ô 2, cho biết, người dân ở Nam Ô rất mong dự án sớm hoàn thành để ổn định cuộc sống. Trong khi đó, dự án Khu kho tàng sản xuất Hòa Cầm đã 6 năm trôi qua, nhưng vẫn không triển khai và cũng không thông báo cho người dân biết.

Đồng hành cùng dự án

Dự án xây dựng bờ kè và đường Nguyễn Tất Thành nối dài vẫn đang tiếp tục sau 4 năm triển khai.

Dự án xây dựng bờ kè và đường Nguyễn Tất Thành nối dài vẫn đang tiếp tục sau 4 năm triển khai. 

Tại lớp tập huấn về “Giám sát đầu tư của cộng đồng” vào ngày 27-5, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nêu rõ, xu hướng phát triển của thành phố trong thời gian tới là theo hướng dịch vụ chất lượng cao, tập trung vào các ngành Thương mại, Du lịch, Tư vấn và tài chính, do đó sẽ có nhiều dự án đầu tư vào các khu công nghệ cao. Việc giám sát đầu tư cộng đồng sẽ giúp phát hiện các công trình không đúng quy định pháp lý, nhằm ngăn chặn kịp thời các việc làm sai, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, xâm hại lợi ích của cộng đồng.

Trong thời gian tới sẽ có rất nhiều dự án được đầu tư và triển khai tại khu công nghệ cao rộng hơn một nghìn ha đã được quy hoạch ở huyện Hòa Vang. Ông Ngô Hường, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Hòa Vang cũng nhận định, trước đây, Hòa Vang là một huyện thuần nông. Tuy nhiên, bây giờ khái niệm này không còn đúng nữa vì đến nay các xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Ninh... đều đã phủ kín các dự án.

Do đó, theo chúng tôi, để tránh gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, xâm hại lợi ích của cộng đồng, UBND các cấp, Ban Quản lý dự án và các doanh nghiệp liên quan đến dự án cần cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các dự án sắp triển khai cho người dân địa phương biết, để mọi người cùng đồng hành với dự án; bên cạnh đó tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với Ban Thanh tra nhân dân để thực hiện tốt công việc giám sát. Song song với việc giám sát, thành phố cũng kiên quyết rút giấy phép đầu tư của một số nhà đầu tư trong và ngoài nước bán quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích dự án và chuyển nhượng để kiếm lời bất chính.

Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

Đọc thêm