Thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về chương trình xây dựng Nghị quyết và giám sát năm 2010, ngày 10/11/2010, Ban VHXH HĐND tỉnh đã giám sát tại sở Giáo dục Đào tạo và Công an tỉnh về tình tình thực hiện một số Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh thuộc lĩnh vực văn hoá xã hội giai đoạn 2006-2010. Cùng làm việc với Ban VHXH có Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND và đại diện các sở: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính…
Chế độ hỗ trợ đối với giáo viên mầm non ngoài biên chế theo Nghị quyết số 24/2007/NQ-HĐND bao gồm một phần tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công đoàn phí. Giáo viên ở xã nông thôn miền núi được hỗ trợ 500.000đ/người/tháng; ở các xã nông thôn còn lại và các thị trấn: 400.000đ/người/tháng; ở các phường thuộc thành phố, thị xã được hỗ trợ 300.000đ/người/tháng. Từ năm 2008 đến năm 2010, toàn tỉnh đã có 1.399 giáo viên mầm non ngoài biên chế được hỗ trợ chế độ với tổng số tiền là 23.802.000.000đ. Nghị quyết được thực hiện tốt đã giúp cho giáo viên mầm non ngoài biên chế đỡ khó khăn và yên tâm phấn khởi công tác…
Nghị quyết 06/2010/NQ-HĐND chuyển đổi trường mầm non bán công thành trường mầm non công lập, dân lập, tư thục là chính sách đột phá của tỉnh, tháo gỡ khó khăn cho hơn hai ngàn giáo viên ngoài biên chế ở 137 trường mầm non từ nhiều năm nay. Theo kế hoạch, năm 2010 toàn tỉnh sẽ có 79 trường được chuyển đổi với 1.381 giáo viên mầm non được xét tuyển vào biên chế. Tuy nhiên đến thời điểm giám sát vẫn chưa có trường nào hoàn thành việc chuyển đổi. Nguyên nhân là do việc hướng dẫn xét tuyển giáo viên và hướng dẫn chuyển đổi cơ sở vật chất của trường bán công thành công lập triển khai chậm. Khó khăn vướng mắc hiện nay là sau khi nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND ban hành, phụ huynh học sinh không đóng góp kinh phí để trả lương cho giáo viên nữa nhưng các trường chưa được giao biến chế nên chưa được hưởng lương từ ngân sách. Đó cũng là vấn đề hiện nay các cơ quan chức năng phải tích cực phối hợp giải quyết.
Nghị quyết số 09/2008/NQ-HĐND thông qua kế hoạch thực hiện đề án kiên cố hoá trường, lớp học và công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội rất tốt để cải tạo, nâng cấp hệ thống trường, lớp trong toàn tỉnh nhưng kết quả thực hiện chưa cao. Tính đến 31/10/2010, toàn ngành đã xây dựng được 1.430 /2.519 phòng học, đạt 56,77% kế hoạch; 13.030m2/37.416m2 nhà công vụ cho giáo viên, đạt 34,82% kế hoạch; Tổng vốn đầu tư của đề án là 435,71 tỷ đồng; trong đó vốn trái phiếu chính phủ là 348,569 tỷ đ, ngân sách địa phương là 87,142 tỷ đ . Tổng vốn của các công trình được phê duyệt là 480,134 tỷ đồng; Tổng vốn đã được giao là 323,775 tỷ đồng; trong đó vốn trái phiếu chính phủ 256, 399 tỷ đ, ngân sách địa phương 51,781 tỷ đ, huy đọng khác 15.595 tỷ đ. Đã giải ngân được 310,072 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu chính phủ 251,245 tỷ đ, bằng 98%KH, ngân sách địa phương 47,727 tỷ đ, bằng 96,3% KH, vốn huy động khác 11.100 tỷ/15.595 tỷ, đạt 71,1% kế hoạch. Tổng số tiền còn thiếu của những công trình đã xây dựng là 156,359 tỷ đồng. Khó khăn của việc thực hiện Nghị quyết hiện nay là định mức đầu tư thấp hơn chi phí thực tế, trượt giá vật tư, tiền công và nợ các nhà đầu tư đã tạm ứng xây dựng công trình. Ngành giáo dục đào tạo đề nghị được bổ sung vốn đối ứng năm 2010 từ nguồn vượt thu của tỉnh để thanh toán cho những doanh nghiệp đã tạm ứng đầu tư...
Những chính sách của HĐND tỉnh ban hành về xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ chế độ, chuyển đổi mô hình nhà trường, bổ sung biên chế là những nguồn sinh lực mạnh mẽ, đã làm thay đổi bộ mặt và không khí của các nhà trường trong toàn tỉnh. Là điều kiện thuận lợi to lớn về vật chất và tinh thần để toàn ngành phấn khởi, tích cực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên việc thực hiện chuyển đổi trường mầm non bán công thành trường công lập, dân lập, tư thục chậm; việc kiên cố hoá trường học, lớp và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên mới đạt 50% kế hoạch…là những tồn tại đáng kể cần được tập trung khắc phục trong năm tới.
Nghị quyết thông qua Đề án tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy ở tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010 là chính sách quan trọng để khắc phục tình hình phức tạp về tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả đáng kể. Công an tỉnh, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mãi dâm của tỉnh đã tích cự tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 05 quyết định, 06 kế hoạch và 05 báo cáo về tình hình thực hiện qua từng giai đoạn. Những mục tiêu đã hoàn thành là công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy được duy trì thường xuyên và đẩy mạnh. Đã góp phần quan trọng ngăn chặn và đẩy lùi sự gia tăng về người nghiện mới, nhất là trong học sinh, sinh viên. Đầu năm 2006 toàn tỉnh có 6.465 nghiện, đến tháng 10/2010 giảm được 1.142 người, còn 5.323 người, trong đó có 177 người nghiện mới. Hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm ma túy ngày cang cao, 100% tụ điểm phức tạp về ma túy đã được triệt phá. Những tồn tại trong việc thực hiện đề án là: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 có từ 30 đến 50% xã, phường, thị trấn không có ma túy nhưng mới thực hiện được 34 xã, bằng 18,89% KH. Mục tiêu đến năm 2010 không tái nghiện từ 20 đến 30% so với năm 2005 nhưng mới được 264 người, bằng 4,5% trên tỏng số người đã cai nghiện. Mục tiêu tổ chức cai nghiện cho 100% người nghiện, trong đó có 80% cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện mới đạt được 76,3%. Nguyên nhân của tình tình trạng trên là cai nghiện ma túy là công việc khó khăn, phức tạp; mục tiêu đề ra cao nhưng ngân sách còn hạn hẹp, công suất của các cơ sở cai nghiện tập trung nhỏ hơn rất nhiều so với số người nghiện; cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt mà còn coi đó là trách nhiệm chính của các cơ quan chuyên môn và chưa có việc làm cho người sau cai... Đó cũng là những vấn đề cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới bằng những giải pháp mạnh mẽ hơn.
Phạm Hồng Thanh