Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, chất lượng giáo dục ở một số địa bàn vùng sâu, vùng dân tộc chưa thật vững chắc; nhiều giáo viên (GV) THPT ở vùng sâu mới vào nghề, trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, còn lúng túng trước yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học. Tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ của địa phương ra lớp còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Cơ sở vật chất được tăng cường, nhưng chưa đồng bộ, một số điểm trường do thiếu phòng học nên không có điều kiện tổ chức lớp học 2 buổi/ngày đối với học sinh (HS) tiểu học; tỉ lệ trường tổ chức bán trú, HS được học tiếng Anh 4 tiết/tuần và Tin học so với yêu cầu chung còn thấp.
Số HS bỏ học, nghỉ học giảm so với năm trước, nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra; một số ít cán bộ quản lý giáo dục còn nặng về quản lý hành chính; nhiều GV giảng dạy tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú nhưng không biết tiếng dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết về tâm sinh lý HS người dân tộc; chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho HS…
Để khắc phục những hạn chế và hướng đến hiệu quả trong công tác dạy và học, năm học 2018-2019, Sở đã chỉ đạo toàn ngành làm tốt công tác huy động HS ra lớp, hạn chế tỉ lệ HS bỏ học, nghỉ học, đặc biệt đối với HS vùng đồng bào dân tộc thiểu số..., quan tâm thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phát huy vai trò chủ động, khai thác kinh nghiệm của người học, coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học, sử dụng phương tiện hiện đại và công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học trong giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, chuẩn bị các điều kiện triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực HS, tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ GV, giảng viên ngoại ngữ. Mặt khác, Lâm Đồng cũng sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để thu hút vốn đầu tư ngoài xã hội vào sự nghiệp GD&ĐT nhằm nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp và giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.
Đồng thời sẽ tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu GV ở từng môn học, lớp học, cấp học; chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ và phối hợp với các cơ sở đào tạo GV tổ chức đào tạo, bồi dưỡng GV để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch sử dụng GV giai đoạn 2019 - 2023 và các năm tiếp theo sát với dự kiến quy mô HS và tình hình sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm; có chính sách thu hút sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm vào làm việc tại các cơ sở giáo dục của địa phương đang có nhu cầu; khảo sát, thống kê số lượng GV theo cấp học, môn học cần sử dụng trong 4-5 năm tới để làm căn cứ xác định, giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm hàng năm, đảm bảo đào tạo đúng nhu cầu sử dụng, giảm thiểu tình trạng thừa thiếu GV cục bộ; chủ động giúp UBND tỉnh quản lý giáo dục đại học trên địa bàn theo phân công của Chính phủ.