Bộ Tài chính vừa quyết định miễn thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu để giảm áp lực tăng giá bán trong nước.
Theo đó, từ hôm nay (24/2) các mặt hàng xăng, dầu nhập khẩu đều áp dụng thuế suất 0%, thay cho mức 2-5% hiện hành. Đây là lần thứ 5 kể từ cuối năm 2010 đến nay, thuế nhập khẩu xăng dầu được điều chỉnh giảm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
|
Xăng A92 đang có giá 16.400 đồng một lít. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với giá xăng dầu thế giới nhập khẩu tăng cao như hiện nay, các doanh nghiệp đang chịu mức lỗ rất lớn. Do đó, việc giảm thuế nhập khẩu lần này nhằm chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời giảm áp lực tăng giá bán lẻ, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Các công cụ mà Chính phủ cho phép sử dụng để can thiệp khi thị trường xăng dầu có đột biến gồm có thuế, phí và trích quỹ bình ổn giá. Hiện quỹ bình ổn giá đã hết, công cụ duy nhất mà cơ quan chức năng có thể sử dụng là giảm thuế nhập khẩu, thay vì tăng giá bán.
Quyết định của Bộ Tài chính được ban hành sáng nay trong bối cảnh giá xăng thành phẩm giao dịch tại thị trường Singapore vọt trên ngưỡng 106,3 USD một thùng vào ngày đầu tuần. Giá các mặt hàng dầu cũng đang đứng ở ngưỡng rất cao, trên dưới 115-116 USD một thùng. Với giá nhập khẩu như vậy, mỗi lít xăng dầu doanh nghiệp đang lỗ khoảng 3.000 đồng, sau khi tính theo tỷ giá mới. Mức lỗ đối với mỗi lít dầu vào khoảng dưới 4.000 đồng.
Những ngày qua, thị trường xăng dầu trong nước được một phen xáo trộn khi hiện tượng đóng cửa găm hàng chờ đầu cơ xuất hiện, bất chấp việc cơ quan chức năng khẳng định đáp ứng đủ nguồn cung. Hiện tượng xuất lậu xăng dầu qua biên giới vẫn tái diễn.
Sáng nay, lãnh đạo Bộ Công Thương cùng các đơn vị chức năng đã kiểm tra việc cung ứng xăng dầu ở nhiều điểm bán tại Hà Nội.
Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết hiện nay có 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đầu mối đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng trên mọi địa bàn, gồm Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (Petec), Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) và công ty cổ phần dầu khí Mê kông (Petro Mê kông).