Gian nan đòi tiền tác quyền âm nhạc

Sau 2 - 3 năm liên tục yêu cầu các khách sạn, nhà hàng, phòng trà… trả tiền tác quyền âm nhạc nhưng không có kết quả, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phía Nam quyết định sẽ nhờ luật pháp can thiệp.

Sau 2 - 3 năm liên tục yêu cầu các khách sạn, nhà hàng, phòng trà… trả tiền tác quyền âm nhạc nhưng không có kết quả, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phía Nam quyết định sẽ nhờ luật pháp can thiệp. Ngày 25/5, Văn phòng luật sư Lê Quang Vy, đơn vị được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) ủy quyền về mặt pháp lý, gửi văn bản đến 11 đơn vị, yêu cầu họ “nghiêm túc thực hiện việc trả thù lao cũng như quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả đối với việc sử dụng tác phẩm âm nhạc để kinh doanh”. Đến hết ngày 25/6, nếu các đơn vị này không có thiện chí hợp tác, văn phòng sẽ tiến hành thủ tục pháp lý tiếp theo.Cơ sở nhỏ ngó lơ Theo ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC phía Nam, hiện 80% khách sạn 4 - 5 sao đảm bảo khá đầy đủ vấn đề thanh toán tác quyền âm nhạc, nhưng hầu hết khách sạn quy mô nhỏ hơn, nhà hàng, phòng trà, tụ điểm giải trí khác vẫn “xài chùa”. “Chúng tôi từng gởi cho họ nhiều văn bản nhắc nhở, bắt đầu cách đây 2 - 3 năm, nhưng hầu như không có hồi âm, buộc lòng chúng tôi phải nhờ đến luật sư để đảm bảo quyền lợi cho anh em nhạc sĩ”, ông Cẩn nói.
Mô tả ảnh.
Nhạc sĩ Thanh Sơn (phải) nhận tiền ứng từ VCPMC
Theo ông Cẩn, cách trả tiền hiện nay là các đơn vị tự liệt kê danh sách bài hát, album mà họ sử dụng trong năm, và VCPMC căn cứ vào đó để thu tiền. Danh sách đó sẽ được cập nhật nếu đơn vị sử dụng bổ sung bài hát, album. Nếu phát hiện đơn vị nào sử dụng bài hát ngoài danh sách đăng ký, VCPMC sẽ kiên quyết nhờ pháp luật giải quyết. Ông Cẩn cho rằng, cách thu hiện nay chỉ mang tính tương đối, chủ yếu dựa vào lòng tin, nhưng khả thi nhất. “Điều quan trọng nhất trong việc này là xây dựng ý thức. Sau khi chúng tôi gửi văn bản, đã có hơn 50% đơn vị tìm đến văn phòng tôi và VCPMC để bàn bạc, giải quyết. Số còn lại thì chưa thấy hồi âm. Nhưng nếu đến hết ngày 25/6 họ vẫn im lặng, chúng tôi sẽ tiến hành các bước tiếp theo để buộc họ lên tiếng”, luật sư Lê Quang Vy cho biết.Nhạc sĩ cũng cần hợp tác Bên cạnh việc nhiều cơ sở kinh doanh chưa chịu trả tiền tác quyền, ý thức tự bảo vệ của một số nhạc sĩ còn thấp cũng khiến việc đảm bảo tác quyền âm nhạc gặp trở ngại. Có trường hợp nhạc sĩ thỏa thuận với đối tác theo một chương trình hoặc một album, nhưng do không xem kỹ hợp đồng nên vĩnh viễn mất quyền lợi đối với đứa con tinh thần của mình. Trong trường hợp đó, dù nhạc sĩ có khẩn thiết nhờ, VCPMC cũng đành bó tay vì đối phương trưng ra được bằng chứng. Ngoài ra, một số nhạc sĩ tỏ ra thiếu tin tưởng vào VCPMC. “Không ít người hoài nghi, khi nhận được tiền thì thắc mắc không biết tiền này được trả thế nào, có đúng không… Nhưng đặt ví dụ rằng 5 năm nữa VCPMC mới ra đời thì trong 5 năm này anh em nhạc sĩ đâu nhận được quyền lợi gì”, nhạc sĩ Vũ Quốc Việt, người ủy quyền tác phẩm của mình cho VCPMC ngay từ đầu, nhận định. Sắp tới, VCPMC phía Nam sẽ gửi văn bản đến từng nhạc sĩ để họ hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình cũng như công việc bảo vệ tác giả âm nhạc của trung tâm. Mới đây, khi nhạc sĩ Thanh Sơn phải mổ tim, VCPMC ứng cho nhạc sĩ 20 triệu đồng. Trước đó, khi người thân nhạc sĩ Hồng Xương Long bị tai nạn, trung tâm tạm ứng 7 triệu đồng… Số tiền ứng trước sẽ được VCPMC trừ dần vào tiền tác quyền thu được (hiện được trả theo quý). “Trong tương lai, chúng tôi sẽ thành lập quỹ để hỗ trợ các nhạc sĩ có gia cảnh khó khăn”, ông Đinh Trung Cẩn cho biết.
Võ Hà
Theo Đất Việt

Đọc thêm