Sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, một số bạn trẻ đã làm quen với hình thức xét nghiệm, tư vấn miễn phí về HIV/AIDS tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu (viết tắt là TT). Điều khiến các bạn an tâm khi đến đây là việc được giữ bí mật hoàn toàn và được đối xử bình đẳng. Thế nhưng, không phải ai cũng vượt qua được chính mình để bước qua vạch cửa của phòng tư vấn…
Những ngày đầu…
|
|||
Tham gia lớp tập huấn Giảm hại và tiếp cận cộng đồng, ngoài những kiến thức cơ bản về HIV, học viên còn được hướng dẫn cách sử dụng dụng cụ kim tiêm hiệu quả, an toàn. |
Việc vượt qua chính mình để kiểm tra sức khỏe HIV/AIDS là điều không hề dễ dàng với nhiều người. Bởi, dù có lối sống, sinh hoạt lành mạnh nhưng không phải ai cũng có “gan” tự nguyện đi xét nghiệm.
N.V.N, công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh tâm sự, trong suốt thời gian 5 năm làm công nhân, anh đã nhiều lần qua đêm với nhiều phụ nữ, trong đó có cả gái nhà hàng. Vì thế, khi sức khỏe giảm sút, anh đã lo lắng rất nhiều. Từ hôm khai trương Phòng tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện, N. đã 2 lần hạ quyết tâm đi xét nghiệm, nhưng khi đến trước cổng TT, anh đã chần chừ rồi quay xe đi về lúc nào không hay. Cuối cùng, anh cũng chiến thắng nỗi sợ hãi của mình để một lần mạnh dạn bước chân vào Phòng tư vấn...
Phòng Tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện được đặt tại TT, sẽ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm tự nguyện trong phòng chống HIV/AISD cho thanh niên và cả những người có nhu cầu trong cộng đồng. Ông Phạm Phú Điềm, Phó Giám đốc TT cho biết việc xây dựng phòng tư vấn giúp người dân dễ tiếp cận với dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện. Công tác tư vấn trước và sau xét nghiệm hoàn toàn riêng tư và bí mật. Ngoài ra, TT luôn xem những người đến xét nghiệm là một khách hàng. Và chỉ có sự tôn trọng, gần gũi và cảm thông mới là liều thuốc đặc biệt hữu hiệu để giúp người đến xét nghiệm tự tin.
Tính từ ngày đi vào hoạt động vào trung tuần tháng 3 đến nay, TT đã đón khoảng 300 người đến xin liên hệ tư vấn, xét nghiệm. Kết quả có một ca dương tính với HIV. Theo đó, mỗi ca đến xin tư vấn sẽ được hỗ trợ 18.000 đồng. Những nhân viên tư vấn cộng đồng nếu giới thiệu đến TT những người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao (gái mại dâm, tiếp thị nhà hàng) sẽ được hỗ trợ 20.000 đồng/người. Đây là hình thức động viên, khuyến khích các tình nguyện viên trong khu dân cư nâng cao ý thức về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Ngoài những người tự nguyện đến xét nghiệm, phòng cũng đã cử cán bộ đến tư vấn miễn phí tại một số cơ sở như khách sạn Xanh, Phú Mỹ Xuân và một số công ty tại khu công nghiệp Hòa Khánh để tuyên truyền về HIV cho hơn 100 công nhân làm việc tại các cơ sở này.
Đào tạo tư vấn viên
Theo kế hoạch của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, năm 2010 sẽ mở hơn 40 lớp tập huấn giảm hại và tiếp cận cộng đồng (mỗi lớp khoảng 30 học viên) để giúp người dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ xét nghiệm HIV một cách thân thiện và chất lượng. Qua đó góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư. Mỗi lớp học diễn ra trong 5 ngày, học viên sẽ được hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày.
Ông Võ Văn Đông, Trưởng phòng Y tế quận Hải Châu cho biết, trong khóa tập huấn, học viên sẽ được truyền đạt những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS và cách phòng chống lây nhiễm cũng như văn hóa ứng xử với người có HIV. Ngoài ra, các học viên còn được hướng dẫn cách sử dụng kim tiêm đúng cách; hoặc cách thức tư vấn cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp về HIV. Cũng theo ông Phạm Phú Điềm, thành phần tham gia các lớp tập huấn này khá đa dạng như nhân viên bán café, chủ nhà hàng, khách sạn, nhân viên tiếp thị, giữ xe. Sau khóa tập huấn kết thúc, họ sẽ là những tình nguyện viên đắc lực để hỗ trợ TT trong việc giới thiệu khách hàng đến xét nghiệm.
Có mặt tại lớp tập huấn, ông Lữ Văn Đức, giữ xe tại một quán café trên đường Lê Lợi chia sẻ: “Là thành viên của Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Minh, tôi làm nghề trông giữ xe nên muốn tham gia lớp tập huấn để hiểu hơn về HIV/AIDS. Những kiến thức học được, tôi sẽ tuyên truyền lại cho nhiều người hiểu để có phương pháp phòng tránh, cũng như có cái nhìn cảm thông và chia sẻ với người có HIV”. Ông Mai Văn Viết, chủ nhà trọ Hưng Thịnh trên đường Nguyễn Lương Bằng cho rằng, đây là một chương trình rất bổ ích, “tôi sẽ tuyên truyền cho khách hàng khi đến nghỉ trọ tại Hưng Thịnh. Tôi học được ở lớp tập huấn cách thức tư vấn hiệu quả và không gây e ngại cho người được tư vấn, đó là điều quan trọng nhất”.
Đến nay, TT có khoảng 80 tư vấn viên tại cộng đồng, được tuyển chọn từ 500 thành viên của các lớp tập huấn. Tuy nhiên, lượng người đến xét nghiệm do tư vấn viên đưa đến TT vẫn hạn chế. Ông Nguyễn Hữu Châu, nhân viên xét nghiệm tại Phòng Tư vấn chia sẻ: “Điều khó nhất là không phải ai đến cũng làm xét nghiệm, tư vấn viên phải thuyết phục để họ hoàn toàn tự nguyện xét nghiệm. Có những trường hợp từng quan hệ với gái mại dâm, hoặc mắc các bệnh tình dục thì càng khó, mình phải nói việc xét nghiệm bí mật tuyệt đối thì họ mới đồng ý”.
Việc xét nghiệm là tự nguyện vì người đến xét nghiệm được chọn một trong hai trường hợp: phiếu đồng ý làm xét nghiệm có ghi tên hoặc phiếu đồng ý làm xét nghiệm không ghi tên. Thế nhưng, phần lớn người đến xin xét nghiệm đều giấu tên và địa chỉ, điều này bảo đảm bí mật cho người có HIV. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều tra và khám, chữa bệnh đối với trường hợp dương tính với HIV sau này.
Huỳnh Lê