Bị lừa bán, có con - là yếu tố nước ngoài?
Chị Nguyễn Thị Vân may mắn hơn nhiều người phụ nữ bị lừa bán sang bên kia biên giới khác, khi chỉ sau đó một năm chị trốn được về Việt Nam. Gặp lại gia đình nhưng hiếm khi nào thấy nụ cười trên mặt chị Vân vì cái thai mà chị đã có với người “chồng” Trung Quốc đã bỏ tiền mua chị. Trước ánh mắt dòm ngó của làng xóm, chị Vân đã định bỏ thai, nhưng khi đến cơ sở y tế bác sĩ lại khuyên không nên vì cái thai đã quá to.
Thương con, bố mẹ chị động viên con gái để đẻ vì “dù máu mủ của ai thì nó cũng là con của con, do con sinh ra” – bố chị nói. Bé Sơn ra đời mang nhiều nét giống mẹ trong niềm vui của ông bà ngoại. Khi con được hơn một tháng tuổi, bố chị Vân giục chị ra chính quyền đăng ký khai sinh cho con. Sáng đó, khi ra khỏi nhà, chị Vân còn cười nói hớn hở, bế nựng con. Vậy mà, không hiểu đã gặp chuyện gì, một lúc sau chị Vân trở về nhà mắt sưng húp vì khóc.
Gia đình gặng hỏi thì được biết, khi nghe chị Vân trình bày nguyện vọng đăng ký khai sinh cho con, cán bộ tư pháp-hộ tịch đã yêu cầu chị phải có giấy đăng ký kết hôn thì mới giải quyết việc khai sinh cho cháu bé, hoặc nếu không thì phải có cha đứa trẻ đến nhận con thì mới có căn cứ để khai sinh cho cháu bé và xác định họ theo họ của cha.
Chị Vân trình bày đứa trẻ là kết quả của việc chị bị lừa bán sang Trung Quốc và buộc phải sinh sống với người “chồng” đã bỏ tiền mua chị cho đến khi trốn được về Việt Nam. Nghe vậy, cán bộ này lại chuyển hướng kết luận rằng việc khai sinh cho con của chị có yếu tố nước ngoài nên không thể đăng ký khai sinh tại xã, phường mà nhất thiết phải đến Sở Tư pháp tỉnh theo luật.
Mệt vì cán bộ làm sai luật
Thương con, bố chị Vân đã khăn áo ra thành phố tìm đến một trung tâm tư vấn pháp luật. Tại đây, khi nghe ông trình bày tình cảnh của con và cháu mình, các luật sư đã khẳng định ngay những yêu cầu của cán bộ tư pháp-hộ tịch địa phương là không phù hợp với quy định của pháp luật, thiếu ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ sinh ngoài giá thú, vi phạm quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, thậm chí chị Vân có quyền bảo vệ quyền lợi cho con mình bằng việc khởi kiện vụ việc này ra Tòa Hành chính.
Theo tư vấn của luật sư, nhằm thực hiện nguyên tắc “mọi trẻ em sinh ra đều phải được đăng ký khai sinh đúng hạn”, đồng thời xuất phát từ quan điểm đối xử bình đẳng về quyền đăng ký khai sinh không kể con sinh ra trong giá thú hay ngoài giá thú. Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định, trong trường hợp trẻ là con sinh ngoài giá thú thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ, chỉ cần có Giấy chứng sinh là có thể khai sinh cho trẻ theo diện con ngoài giá thú.
Khi đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, pháp luật không cho phép cán bộ tư pháp - hộ tịch được gặng hỏi, tìm hiểu về quan hệ hôn nhân của người mẹ. Đây là vấn đề thuộc về bí mật đời tư của cá nhân. Do đó, Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định, trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống và họ của trẻ đương nhiên sẽ được xác định theo họ của người mẹ.
Cũng theo luật sư, việc xác định quốc tịch quy định tại Luật Quốc tịch thì trẻ em khi sinh ra có mẹ là công dân Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Mặt khác, căn cứ quy định tại Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì việc đăng ký khai sinh cho cháu bé thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, phường nơi chị Vân đăng ký hộ khẩu thường trú. Và vấn đề chị Vân có con với người đàn ông Trung Quốc hoàn toàn không làm phát sinh yếu tố nước ngoài trong việc khai sinh cho con ngoài giá thú của chị Vân.