Gian nan “thượng đế” theo kiện

(PLO) - Chỉ có 19 trong tổng số 190 người tiêu dùng bị ngộ độc do ăn bánh mỳ kẹp thịt ở Bến Tre đứng đơn kiện cơ sở kinh doanh và phải đến phiên phúc thẩm và phải mất đến 2 năm quyền lợi của “thượng đế” mới được bảo vệ…
Tư vấn, hướng dẫn người tiêu dùng lập hồ sơ khởi kiện chủ cơ sở Minh Tuyến
Tư vấn, hướng dẫn người tiêu dùng lập hồ sơ khởi kiện chủ cơ sở Minh Tuyến
Một vụ việc, 22 vụ xét xử
Tháng 5/2013 xảy ra vụ 190 người tiêu dùng (NTD) bị ngộ độc bánh mì kẹp thịt do cơ sở bánh mì Minh Tuyến tại phường Phú Khương, TP.Bến Tre cung cấp. Ngày 27/6/2013 có 34 NTD gửi đơn khiếu nại đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) tỉnh Bến Tre. Theo chức năng, Hội BVQLNTD tỉnh đã phản ánh đến UBND TP.Bến Tre và tổ chức các cuộc họp hòa giải nhưng chủ cơ sở bánh mỳ, bà Võ Thị Minh Tuyến không đến. 
Hội BVQLNTD tỉnh phối hợp với Luật gia Nguyễn Thị Biết - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh Tư vấn, hướng dẫn NTD khởi kiện tại TAND TP.Bến Tre; cử cán bộ liên hệ Sở Y tế, Chi cục ATVSTP, các bệnh viện, trạm y tế, Công an phường Phú Khương để thu thập các chứng cứ, tài liệu liên quan, bổ sung hồ sơ khởi kiện theo yêu cầu của TAND TP.Bến Tre. 
Luật gia Nguyễn Thị Biết cũng làm thủ tục, nhận ủy quyền của 22 nguyên đơn là NTD khởi kiện. TAND TP.Bến Tre đã thụ lý 22 đơn khởi kiện của NTD, đã tổ chức 22 cuộc hoà giải nhưng bà Tuyến vẫn vắng mặt. Toà đã tách 22 vụ kiện bị ngộ độc bánh mì Minh Tuyến thành 22 vụ xét xử, mặc dù đại diện nguyên đơn đề nghị nhập thành một vụ nhưng không được TAND TP.Bến Tre chấp nhận.
2 năm theo đuổi công lý
Trong thời gian thụ lý, có 3 nguyên đơn rút đơn khởi kiện với lý do thiếu các giấy tờ liên quan, còn lại 19 hồ sơ đủ điều kiện, TAND TP.Bến Tre mở 2 phiên toà xét xử sơ thẩm, còn 17 vụ gộp lại thành 1 vụ và tiến hành hoà giải. Kết quả xét xử sơ thẩm 2 vụ, NTD bị thua kiện. Nguyên nhân chủ yếu là do TAND TP.Bến Tre không căn cứ vào các tài liệu (chứng cứ) liên quan trực tiếp đến vụ bị ngộ độc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan chuyên môn đã ban hành mà các nguyên đơn đã cung cấp đầy đủ cho Toà. 
Trong đó, tại Biên bản số 12/BB-HĐHG bà Tuyến đã thừa nhận hành vi: “Cơ sở đồng ý nguyên nhân ngộ độc là do bánh mỳ” và “Tôi không chối bỏ việc bồi thường…" Do đó Toà đã bác đơn khởi kiện của 2 nguyên đơn. 2 nguyên đơn bị thua kiện đã làm đơn kháng cáo để xét xử phúc thẩm.
Tại phiên toà phúc thẩm ngày 12/8/2015 TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên sửa 2 bản án sơ thẩm, buộc bà Võ Thị Minh Tuyến phải có trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Văn Hoàng (nguyên đơn vụ 1) số tiền 8.477.000 đồng và phải có trách nhiệm bồi thường cho bà Nguyễn Thị Kim Thuyên (nguyên đơn vụ 2) số tiền 2.125.000 đồng. Tiếp đó, ngày 17/8/2015, TAND TP.Bến Tre đã mở phiên hoà giải giữa 17 nguyên đơn và bà Võ Thị Minh Tuyến. Kết quả, bà Tuyến có trách nhiệm bồi thường cho các nguyên đơn tổng số tiền là 22.014.038 đồng…
“Vạn sự khởi đầu nan…”
Vụ án NTD khởi kiện DN đã khép lại sau 2 năm theo đuổi. Tuy chỉ là một vụ việc diễn ra tại một địa phương với giá trị tranh chấp không lớn nhưng đây có thể xem là một vụ NTD kiện DN tiêu biểu. Theo đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, mặc dù Luật BVQLNTD đã trao cho NTD nhiều cách thức khác nhau để bảo vệ quyền lợi của mình, tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy phần lớn các vụ việc vi phạm quyền lợi NTD được giải quyết theo phương thức thương lượng và hòa giải. Đặc biệt, số vụ việc giải quyết tại tòa là rất ít do những yêu cầu phức tạp về quy trình, thủ tục hoặc sự hạn chế về chi phí, kiến thức pháp lý của NTD. 
“Vụ việc tại Bến Tre thêm một lần nữa cho thấy với sự quyết tâm và kiên trì, hoàn toàn có thể sử dụng các quy trình hiện tại để đạt được thắng lợi khi khởi kiện tại Tòa các vụ việc BVQLNTD. Tuy nhiên, ở góc độ ngược lại, NTD có quyền cho rằng nếu có quy trình thủ tục đơn giản hơn thì vụ việc đã không cần mất tới hơn 2 năm để được giải quyết…”- ông Đoàn Quang Đông, Phòng BVQLNTD, Cục Quản lý canh tranh, Bộ Công Thương phát biểu. 

Đọc thêm