Giảng viên Đại học Công nghiệp TP HCM lừa đảo hàng loạt sinh viên

(PLO) - Biết hàng loạt sinh viên bị rớt môn Tiếng Anh do mình đứng lớp, Huyền đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản bằng cách thu mỗi em từ 50 đến 100 USD rồi mở lớp dạy và thi. Tuy nhiên sau nhiều tháng chờ đợi, cả trăm em sinh viên không nhận được kết quả nên đã phản ánh lên nhà trường và bộ mặt thật của người thầy này lộ rõ.
Bị cáo Huyền tại phiên tòa

Hồ sơ vụ án thể hiện, Nguyễn Văn Huyền (sinh năm 1977, quê ở tỉnh Hải Dương) là giảng viên và là trưởng bộ môn Tiếng Anh của Khoa Quốc tế, Trường Đại học Công nghiệp TP HCM. Trong thời gian năm 2011, ông Huyền tham gia giảng dạy môn Tiếng Anh cho nhiều lớp của Trường này. Tuy nhiên, qua quá trình học vì nhiều lý do nên số lượng sinh viên trượt môn Tiếng Anh của ông Huyền rất nhiều khiến cho quá trình học tập của các em sinh viên thêm phần nặng nề, vất vả.

Thấy nhiều em sinh viên bị trượt hỏi về vấn đề học lại, thi lại như thế nào cho hiệu quả… nên giảng viên này nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản học trò của mình. 

Theo đó, trong khoảng từ tháng 11/2011 đến tháng 1/2012, ông Huyền đã tự ý thu của hàng chục em sinh viên số tiền mỗi em từ 50 đến 100 USD (tùy thuộc vào chương trình học) để Huyền dạy và tổ chức thi cho các em. Khi thu tiền, Huyền không xuất biên lai, mà chỉ ghi họ tên các em vào cuốn sổ và 1 tờ giấy rồi cho các em ký tên. Huyền nói dối các em sinh viên rằng, Huyền chỉ thu hộ rồi sẽ nộp lên cho trường… nên các em tin tưởng Huyền.

Sau đó Huyền tổ chức lớp dạy vào buổi tối ngay tại giảng đường của Đại học Công nghiệp trong khoảng 6 tuần và cho các em thi. Khi có kết quả, Huyền cho bộ phận giáo vụ của Trường nói rằng đã đối chiếu biên lai nộp tiền của các sinh viên rồi đề nghị phía giáo vụ nhập điểm cho các em. Tuy nhiên, do người phụ trách đang thời kỳ nghỉ thai sản nên không làm việc. 

Mặc dù đã được ông Huyền thông báo các em sinh viên tham gia khóa học đã có điểm và đậu hết nhưng khi vào hệ thống để kiểm tra và không thấy được nhà trường cấp bằng… nên các em sinh viên đi hỏi ông Huyền nhiều lần và được ông cho biết do nhà trường chưa nhập. Sau đó các em sinh viên tiếp tục tới trường để hỏi cho rõ và phản ánh nhiều lần thì sự việc mới vỡ lẽ.

Sau khi Khoa và Trường vào cuộc thì phát hiện vào thời điểm đó Khoa Quốc tế không hề tổ chức lớp học và thi lại môn Tiếng Anh. Qua đối chiếu các quy định của nhà trường cũng như Khoa Quốc tế đều cho thấy việc thu tiền, dạy thêm, tổ chức thi đều do ông Huyền tự ý thực hiện mà không thông qua Khoa hay Trường, tiền thu của các em ông Huyền cũng không nộp lại cho Trường…

Mặc dù phát hiện ra sai phạm của ông Huyền từ giữa năm 2013 (tức sau khi sự việc diễn ra một năm rưỡi), nhưng đến mãi giữa năm 2014, Trường này mới tiến hành kỷ luật buộc thôi việc với ông Huyền.

Theo báo cáo của nhà trường (qua tổng hợp từ các lớp) thì có 118 em sinh viên tham gia học và thi môn Tiếng Anh của ông Huyền, nhưng mới chỉ có 100 em đóng tiền với tổng số là 214 triệu đồng. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Huyền chỉ thừa nhận đã nhận của 40 em với tổng số tiền là 116 triệu đồng. Dù thừa nhận là vậy, nhưng bị cáo Huyền còn cấn cá và thanh minh rằng, do tờ giấy ghi đã mất nên không nhớ lắm, nhưng số tiền bị cáo nhận được là khoảng 40 triệu… 

Thấy nhiều số liệu khác nhau nên HĐXX hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần để xác định rất kỹ, thậm chí có lúc phải lớn tiếng hỏi bị cáo cũng như đại diện Trường Đại học Công nghiệp. Cuối cùng bị cáo thừa nhận theo con số mà cáo trạng truy tố là 116 triệu đồng.

Bị hại là các em sinh viên cũng tham gia phiên tòa. Nhiều em tỏ ra bức xúc, đòi ông thầy phải trả lại tiền, dù nó không đáng bao nhiêu, nhưng cũng có em thông cảm, tha thứ cho bị cáo từng là người thầy của mình một thời. Với bị cáo tỏ ra ăn năn hối hận về hành vi của mình.

“Bị cáo là người rất yêu nghề, cống hiến hết sức cho nghề và được Bộ Công Thương (cơ quan chủ quản của ĐH Công nghiệp) tặng Bằng khen. Từ xưa bị cáo chưa vi phạm điều gì. Bị cáo là lao động chính trong gia đình. Bị cáo thấy mình đã có lỗi với các em sinh viên, với nhà trường. Bị cáo đã nhận thức được và sẽ không làm hại gì cho xã hội. Bị cáo chỉ mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng án treo để bị cáo tiếp tục với nghề và nuôi dạy con cái…”- bị cáo Huyền cúi đầu bày tỏ mong muốn với HĐXX.

Với hành vi đó, bị cáo bị đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án từ 18 đến 24 tháng tù. Xét thấy vụ án cần có thời gian để nghị án một cách thấu đáo, toàn diện, khách quan… nên HĐXX quyết định sẽ tuyên án sau. 

Qua vụ án này cho thấy trách nhiệm quản lý của Trường ĐH Công nghiệp hết sức lỏng lẻo, bởi theo đại diện của Trường này thì trường có phần mềm quản lý lịch của giảng viên rất chuẩn, biết ai dạy giờ nào, mỗi tuần bao nhiều tiết… Thế nhưng trớ trêu thay là việc mở lớp dạy của ông Huyền trong suốt 6 tuần liền ngay tại giảng đường của Trường, nhưng Trường lại không hề biết? Chưa hết, sau khi biết thì phải mãi tới hơn 2 năm mới tiến hành kỷ luật giảng viên này… 

Đọc thêm