Tình tiết pháp lý thú vị trong vụ án hình sự “trốn thuế” ở Bình Dương: Một bị cáo được phiên tòa hành chính tuyên trả lại tiền thuế thu sai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm nay (30/9), sau hai lần hoãn, dự kiến TAND huyện Phú Giáo (Bình Dương) mở lại phiên xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thành Tài (SN 1997, con bà Huệ, cùng ngụ xã Vĩnh Hòa) và ông Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) về tội “Trốn thuế” khi khai giá thấp hơn giá mua bán thực tế trong quá trình chuyển nhượng đất. Tình tiết pháp lý thú vị xảy ra, là trước phiên tòa hình sự, TAND huyện Phú Giáo mở phiên xử hành chính, tuyên trả lại cho ông Tài 146 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vì đã bị thu sai.
Ông Tài vừa được TAND huyện Phú Giáo tuyên trả lại 146 triệu đồng thuế TNCN. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)

Ông Tài vừa được TAND huyện Phú Giáo tuyên trả lại 146 triệu đồng thuế TNCN. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)

Theo hồ sơ, ngày 18/6/2019, ông Tài được bà Vương Thị Dung và ông Nguyễn Hữu Công ủy quyền chuyển nhượng thửa đất 101, tờ bản đồ số 9, xã Tân Long (thửa đất này liên quan vụ án “Trốn thuế” - NV) với thù lao 500 ngàn đồng.

Ngày 19/6/2019, ông Tài dùng giấy ủy quyền này để chuyển nhượng thửa đất 101 cho mẹ là bà Huệ với giá 5 tỷ đồng. Bà Huệ đi cập nhật biến động sổ đỏ thì được xác định bà Dung và ông Tài mỗi người phải nộp 146 triệu đồng tiền thuế TNCN. Ông Tài đã nộp số tiền này.

Sau đó, ông Tài mới biết khi ủy quyền có thù lao 500 ngàn đồng thì không phải chịu thuế TNCN vì bản thân không phát sinh thu nhập từ việc bán đất. Ông Tài chỉ đứng ủy quyền giúp. Hơn nữa, ông Tài và bà Huệ là mẹ con, theo Điều 4 Luật Thuế TNCN thì được miễn thuế khi chuyển nhượng đất.

Ông Tài nộp đơn gửi Chi cục Thuế khu vực Tân Uyên, đề nghị trả lại tiền thuế TNCN đã thu sai; nhưng cơ quan này trả lời “thu có cơ sở, đúng quy định” nên ông Tài khởi kiện hành chính.

Theo phiên xử hành chính, ủy quyền của ông Tài nhằm để hoàn thành thủ tục chuyển nhượng đất từ bà Dung sang mẹ của mình. Thực chất đây là giao dịch chuyển nhượng từ bà Dung sang bà Huệ (1 lần giao dịch). Ông Tài không nhận tiền từ mẹ, không phát sinh thu nhập, ngoài số tiền thù lao 500 ngàn đồng.

Ngoài ra, ông Tài và bà Huệ là mẹ con nên ông Tài có chuyển nhượng đất thì được miễn thuế TNCN.

Từ đó, TAND huyện Phú Giáo tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tài; hủy các văn bản liên quan đến việc nộp thuế TNCN với ông Tài mà Chi cục Thuế khu vực Tân Uyên đã ban hành; buộc Chi cục Thuế khu vực Tân Uyên hoàn trả ông Tài 146 triệu đồng.

LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) đánh giá, với phán quyết nêu trên, sẽ có ảnh hưởng đến vụ án “trốn thuế” TAND huyện Phú Giáo dự kiến xét xử hôm nay.

Bản án xác định ông Tài không phát sinh thuế TNCN khi chuyển nhượng thửa đất.

Bản án xác định ông Tài không phát sinh thuế TNCN khi chuyển nhượng thửa đất.

Theo hồ sơ, ngày 13/5/2019, bà Vương Thị Dung bán cho bà Huệ thửa đất 101. Hai bên lập hợp đồng đặt cọc 10 tỷ đồng và hẹn ngày 18/6/2019 công chứng. Ngày 18/6/2019, bà Dung có việc bận nên ủy quyền cho ông Tài thực hiện. Ngày 19/6/2019, ông Tài ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất cho mẹ nhưng chỉ ghi giá 5 tỷ đồng.

Chi cục Thuế xác định việc bà Dung ủy quyền cho ông Tài cũng là chuyển nhượng đất nên bà Dung, ông Tài mỗi người phải nộp thuế TNCN gần 146 triệu đồng, bà Huệ nộp lệ phí trước bạ 36,5 triệu đồng (số tiền 146 triệu ông Tài phải nộp, thì tòa đã tuyên bị tính thuế sai như đã nêu trên - NV).

Ngày 4/11/2019, bà Huệ chuyển nhượng thửa đất cho ông Quang, giá thực tế 18 tỷ đồng nhưng hợp đồng ghi 5 tỷ đồng. Chi cục Thuế xác định thuế TNCN của bà Huệ 146 triệu đồng; phí trước bạ với ông Quang l36,5 triệu đồng. Thuế TNCN và phí trước bạ do ông Quang nộp.

CQĐT cho rằng vụ thứ nhất, quá trình chuyển nhượng giữa bà Dung - bà Huệ, thì bà Huệ có vai trò đầu vụ, ông Tài là đồng phạm với số tiền trốn thuế, lệ phí 267,6 triệu đồng. Vụ thứ hai, quá trình chuyển nhượng giữa bà Huệ - ông Quang, thì ông Quang có vai trò đầu vụ, bà Huệ đồng phạm với số tiền trốn thuế, lệ phí là 267,6 triệu đồng.

“Do số tiền 146 triệu đồng ông Tài phải nộp, thì tòa đã tuyên bị tính thuế sai như đã nêu trên, nên cơ quan tố tụng cần thiết phải xác định lại số tiền “trốn thuế” với bị cáo Tài là bao nhiêu”, LS nói.

Trong vụ án trốn thuế, LS bào chữa cho bà Huệ đặt vấn đề, việc CQĐT xác định hành vi “trốn thuế” gồm cả lệ phí trước bạ là phù hợp hay không? “Tại khoản 1 và 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế thì khái niệm thuế và lệ phí khác nhau. Điều 200 BLHS xác định hành vi “trốn thuế” chứ không phải “trốn lệ phí”. Do đó, cần xác định lại số tiền “trốn thuế” với các bị cáo”.

Tại các thông báo thuế, giấy nộp tiền thuế đứng tên bà Dung, còn bà Huệ chỉ là người đóng thay. Bút lục 336 xác định, vào ngày 22/6/2019 bà Huệ có viết giấy nhận của một người phụ nữ tên là Trần Thị Hoài số tiền 300 triệu đồng với nội dung: “Tiền của bà Dung để đóng thuế đất Tân Long và phí công chứng bán đất cho tôi (Huệ - NV). Chi phí xong còn bao nhiêu trả lại bà Dung, nếu thiếu thì bà Dung trả thêm cho bà Huệ”.

“Mặc dù tại hợp đồng mua bán giữa bà Dung bà Huệ có ghi bà Huệ là người nộp thuế, lệ phí. Nhưng trên thực tế tiền nộp thuế là bà Dung đưa; và theo quy định pháp luật, bên chuyển nhượng đất mới là người nộp thuế. Thông báo thuế, giấy nộp tiền thuế đều đứng tên bà Dung. Nên cần xác định rõ trong lần chuyển nhượng này ai mới là người nộp thuế, tránh bỏ lọt tội phạm”, LS nêu quan điểm.

Đọc thêm