Giành chính quyền tại tư dinh Tỉnh trưởng Nam Định

Gần 18 giờ ngày 19-8-1945, trời vẫn còn sáng, đường phố chưa lên đèn. Tổ bảo vệ (2) của "cơ quan phòng thủ thụ động" của thành phố đặt trong trại Bảo an binh, dưới quyền chỉ huy của Giám binh Phạm Văn Cảm, gồm 4 người do tôi làm tổ trưởng, theo thường lệ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ nhà tỉnh trưởng, đã có mặt tại vị trí canh cổng chính của dinh Tỉnh trưởng.
Gần 18 giờ ngày 19-8-1945, trời vẫn còn sáng, đường phố chưa lên đèn. Tổ bảo vệ (2) của "cơ quan phòng thủ thụ động" của thành phố đặt trong trại Bảo an binh, dưới quyền chỉ huy của Giám binh Phạm Văn Cảm, gồm 4 người do tôi làm tổ trưởng, theo thường lệ làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ nhà tỉnh trưởng, đã có mặt tại vị trí canh cổng chính của dinh Tỉnh trưởng.
Đột nhiên, nghe tiếng reo hò ở hướng ngã tư đường, trước nhà "dây thép" (Bưu điện) của thành phố, rồi một xe ô tô con có cắm cờ đỏ sao vàng chạy tới, lướt qua trước cổng dinh Tỉnh trưởng, phóng nhanh về vườn hoa Paul-Bert (vườn hoa trung tâm của thành phố) và dừng lại. Dân chúng từ các nẻo đường đều chạy đổ xô về vườn hoa, tiếng reo vang "Việt Minh về rồi, Việt Minh về rồi..." làm cho quang cảnh của trung tâm công viên mỗi lúc càng trở nên náo động.
Tuy cũng có được dự báo trước, nhưng tình hình đến nhanh quá nên tất cả chúng tôi sững sờ, chưa kịp định thần để hiểu cho kịp với sự kiện. Nhưng rồi hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trước gió đã làm trào lên trong chúng tôi niềm phấn khởi, sung sướng chưa từng có.
Tổng khởi nghĩa đến rồi!  Anh Đỗ Nguyên Tân, người trực tiếp giữ liên lạc và hướng dẫn hành động của tôi bây giờ ở đâu? Mấy ngày nay mất liên lạc hay là đã bị bắt?... Nhưng trước làn sóng cuồn cuộn của cách mạng, tôi phải trở về ngay với thực tế tình hình và những công việc phải làm.
Tôi nói với anh em: "Việt Minh đã về. Tổng khởi nghĩa đấy. Đóng cửa lại, không ai được đi đâu cả. Canh gác nghiêm ngặt, không để cho Tỉnh trưởng Trần Văn Sương được đi ra ngoài và chú ý coi ngó kỹ khu vực vườn phía sau nhà, nơi có cổng đi về trường học nữ.
Vườn hoa Paul-Bert trở thành rừng người, náo động như làn sóng cuốn quanh lá cờ đỏ sao vàng và cán bộ Việt Minh đứng trên mui xe đang diễn thuyết. Liên tục từng đợt, từng đợt tiếng hô vang:
- Đả đảo thực dân Pháp - đả đảo phát xít Nhật, đả đảo chính phủ tay sai của Nhật.
- Ủng hộ Việt Minh - Việt Minh muôn năm.
- Việt Minh độc lập muôn năm.
Tôi cử anh Nhắng, tổ viên đi ra vườn hoa tìm cách gặp cho được cán bộ Việt Minh đang diễn thuyết và mời cho được ông ấy đến cổng gặp tôi.
Tôi quyết định phải giữ cho được Tỉnh trưởng Trần Văn Sương, không được để xảy ra việc chạy trốn và liên tục gặp để thuyết phục ông đầu hàng cách mạng.
Tôi vào phòng khách, thấy Trần Văn Sương đang đi đi lại lại, vẻ mặt rất lo lắng. Tôi nói về tình hình dân chúng ở ngoài đường và ở vườn hoa thành phố. Trần Văn Sương bảo tôi đi về và bảo anh em canh gác cẩn thận, không được cho bất kỳ ai vào trong nhà này. Khi thấy có Việt Minh và dân chúng đến thì nhanh chóng báo ngay cho tôi biết. Khoảng 22 giờ đêm, tôi cho anh em mở toang hai cánh cổng lớn và ra đứng trước cổng chờ Việt Minh đến. Đường phố vẫn đông người, tiếng hò reo vẫn vang vọng nhưng không thấy có dấu hiệu tiến dần đến dinh Tỉnh trưởng. Một chiếc xe con cắm cờ đỏ sao vàng, từ vườn hoa chạy đến đỗ xịch trước cổng. Tôi ra đón. Không có người xuống xe, chỉ nghe trên xe có tiếng người hỏi:
- Tình hình ở đây ổn chứ?
Tôi trả lời:
- Ở đây ổn, ông Tỉnh trưởng đang chờ gặp các anh, mời các anh vào phòng khách.
Trên xe có tiếng nói lại:
- Thế là rất tốt. Còn nhiều việc quá, phải đi thôi. Hẹn sáng mai gặp ông Tỉnh trưởng làm việc sớm.
Tôi báo cho ông Tỉnh trưởng biết. Ông như tỉnh lại và cả nhà đổi sắc mặt vui mừng. Anh em chúng tôi cũng rất sung sướng.
Đêm 19-8-1945, thành phố Nam Định đã đổi đời.
Gần 9 giờ sáng ngày 20-8-1945, anh Đỗ Nguyên Tân đưa anh Hà Kế Tấn vào trại Bảo an binh, gặp Giám binh Phạm Văn Cảm, công bố thông báo của Việt Minh và giới thiệu anh Đỗ Nguyên Tân làm cố vấn cho ông Giám binh. Anh Đỗ Nguyên Tân chỉ định tôi làm thư ký cho anh và giới thiệu tôi với ông Giám binh Phạm Văn Cảm.
Ông Phạm Văn Cảm sững sờ, nói:
- Thế ra thầy ký (tức là tôi) cũng đã làm Việt Minh rồi à? Chết thật, bây giờ tôi mới biết.
Ai về với việc của người ấy. Các anh Hà Kế Tấn và Đỗ Nguyên Tân đi làm việc với ông Tỉnh trưởng. Tôi đôn đốc anh em nhanh chóng may ngay lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn và chúng tôi chủ động kéo lá cờ Tổ quốc lên đỉnh cao cột cờ ở cổng. Tôi chuẩn bị để ông Giám binh đi dự cuộc mít tinh quần chúng đầu tiên sẽ tổ chức tại khu vực cạnh nhà Tầm Tầm (nhà cầm đồ) và dốc Lò Trâu. Nhà lao Nam Định đã mở toang cửa. Đồng chí Đặng Châu Tuệ đã được đón về và sau đó làm Chủ tịch Uỷ ban Cách mạng lâm thời tỉnh Nam Định./.
Khả Tuý Minh
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Phạm Văn Kha,
nguyên cán bộ Việt Minh hoạt động và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại TP Nam Định; nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu VI)

Đọc thêm