Qua nghiên cứu, tìm hiểu Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011); Dự thảo Báo cáo Chính trị và Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020), tôi đồng tình rất cao với các Dự thảo văn kiện trình Đại hội 11 của Đảng. Theo nhận thức của mình, tôi thấy các dự thảo văn kiện lần này được Trung ương chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, khách quan, có bố cục khá chặt chẽ. Vấn đề là làm thế nào để các dự thảo văn kiện đó, sau khi Đại hội Đảng 11 thông qua, được triển khai vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực?
Trong số nhiều giải pháp quan trọng, tôi vẫn thấy toát lên một nội dung rất cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là nhân tố con người. Chúng ta biết rằng, điều cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội-tức là sự nghiệp giải phóng xã hội, giải phóng con người. Trong đó, vấn đề con người là vấn đề lớn, được đặt lên hàng đầu và là vấn đề trung tâm, xuyên suốt trong toàn bộ nội dung tư tưởng của Người. Ở đây, con người được khái niệm vừa là mục tiêu của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, vừa là động lực của chính sự nghiệp đó.
Từ đó, tôi hiểu, để các dự thảo văn kiện, sau khi Đại hội 11 của Đảng thông qua, được triển khai vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực, không gì khác là phải dựa vào chính sức mạnh của yếu tố con người. Tuy nhiên, “con người” ở đây, cần phải hiểu là “con người” với đầy đủ hai mặt “đức” và “tài” như Bác Hồ thường căn dặn- đó là “con người đạo đức” và “con người tài năng”. Trong đó, “con người đạo đức” được coi trọng như cái gốc của “con người tài năng”. Để phát triển đất nước, để xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực con người. Nhưng muốn phát triển bền vững, nhất là muốn giữ gìn được bản sắc dân tộc, bên cạnh việc quan tâm phát triển toàn diện con người, từ sức khoẻ, thể chất đến trí tuệ, phải đặc biệt chú trọng quan tâm xây dựng, giáo dục đạo đức con người.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta càng nhận thấy bối cảnh quốc tế sẽ còn nhiều biến động. Bên cạnh những thuận lợi do toàn cầu hoá, do hội nhập quốc tế mang lại, chúng ta cũng đang đứng trước nguy cơ san bằng và đồng nhất hóa các hệ thống giá trị và tiêu chuẩn, đe dọa làm suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa. Nền kinh tế thị trường trong xu thế toàn cầu hóa có xu hướng biến di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) thành hàng hóa, kể cả bản thân con người.
Vì vậy, phải bằng mọi cách để giữ vững và phát triển những giá trị đạo đức của con người trong điều kiện đất nước, thành phố đang hội nhập sâu sắc và toàn diện vào quá trình phát triển của thế giới. Hội nhập quốc tế, hẳn sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế. Nhưng liệu có thật chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả về mặt đạo đức không? Đây là khó khăn, là thử thách rất lớn mà từ Trung ương đến các cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở phải tính đến. Rõ ràng là, trong quá trình hội nhập, phát triển, nếu chỉ đạt lợi ích về kinh tế chưa phải là thành công lớn. Phải bảo vệ, giữ vững và phát triển được những giá trị đạo đức của con người Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế. Đạo đức là cốt lõi của sự thành công lâu dài. Nếu kinh tế phát triển, có sự tiến bộ về đời sống vật chất tốt nhưng lại xuống cấp về mặt đạo đức con người thì đó là báo hiệu sự thất bại, suy vong. Có một tài liệu nói rằng, ở nước Nhật Bản những năm qua, nhiều chính khách, nhiều nhà hoạt động xã hội rất lo lắng về việc nước Nhật đang rơi vào tình trạng suy thoái đạo đức. Mặc dù Nhật Bản là nước có nền kinh tế phát triển rất nhanh, song Nhật Bản cũng đã và đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền văn hóa phương Tây. Thực tế cho thấy, trong giới trẻ Nhật Bản, tình trạng sa sút về đạo đức truyền thống, lối sống chạy theo lợi ích vật chất đang chiếm lĩnh một bộ phận lớp trẻ. Cho nên, từ sự xuống dốc về tinh thần, kinh tế nước Nhật những năm gần đây cũng tụt dốc theo, đến mức, Nhật Bản phải nhường lại vị trí siêu cường thứ hai về kinh tế cho Trung Quốc trong năm 2009 vừa qua. Đó là thực tế mà nước Nhật đang phải đối mặt.
Do vậy, để tránh mắc phải tình trạng như Nhật Bản đã trải qua, tôi tha thiết đề nghị phải tiếp tục quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề đạo đức - cái “gốc” của con người nói chung, người cán bộ, đảng viên nói riêng. Có con người với những giá trị đạo đức chuẩn mực, trong sáng, cơ hội thành công của đất nước, của thành phố sẽ rất lớn.
Bác Hồ đã dạy: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Cái gốc, cái nguồn, cái căn bản về đạo đức của cán bộ, đảng viên đó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm là không phải “từ trên trời sa xuống”, nó do phấn đấu, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà có, “như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Cán bộ, đảng viên, ngoài việc phải hoàn thành tốt công việc chung của Đảng đã được phân công, lại phải còn là một thành viên tốt của gia đình, là một công dân tốt, kiểu mẫu ở khu dân cư và ngoài xã hội, sống chan hoà, gần gũi với mọi người chung quanh trong cùng khu phố, thôn xóm, bản làng…
Từ những suy nghĩ, kiến giải sơ bộ trên, tôi đi đến kiến nghị: Các dự thảo văn kiện Đại hội 11 đã rất đầy đủ, sáng tạo và đúng với mong muốn nguyện vọng của toàn dân. Vấn đề quan trọng là Đảng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, triệt để trong toàn Đảng, toàn dân tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về con người nói riêng. Phải tập trung xây dựng con người Việt Nam , tạo điều kiện để con người được phát triển toàn diện. Điều quan trọng đặc biệt trong xây dựng con người Việt Nam là phải tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, để xây dựng, củng cố, giữ gìn bằng được nền đạo đức xã hội, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Thực tế qua 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, chúng ta thấy: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những có tác dụng quan trọng trong xây dựng văn hóa chính trị trong hệ thống chính trị ở nước ta, mà còn tác động tích cực làm lành mạnh đời sống văn hóa tinh thần của đất nước, làm cho dân tin vào Đảng, Đảng gần dân hơn, tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện đường lối đổi mới và các nhiệm vụ văn hóa của Đảng. Cuộc vận động lớn này khắc phục tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân; góp phần quan trọng vào việc giáo dục đạo đức con người-nhân tố sống còn trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là hoàn toàn đúng, song phải đi đôi, phải đồng thời giữ được những giá trị của đạo đức con người, nhất là tinh thần, bản sắc dân tộc. Nếu giữ được điều đó, nhất định chúng ta sẽ thực hiện được những nội dung, nhiệm vụ đề ra trong các dự thảo văn kiện Đại hội; nhất định chúng ta sẽ vượt qua được những thách thức, khó khăn trước yêu cầu mới, sẽ phát triển, sánh vai các nước trên thế giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong đợi./.
Vương Giao Tuyến
(Ban Tuyên giáo Thành uỷ)