Thiếu kỹ năng sống
Mới đây, tại ấp Suối Rút, xã Phú Túc, huyện Định Quán (Đồng Nai) xảy ra vụ tự sát đau lòng. Em Nguyễn Thị Tố Uyên (13 tuổi), học sinh lớp 7 Trường THCS Phú Túc đã lén lấy thuốc diệt cỏ uống, gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu nhưng không kịp. Nguyên do, Uyên lỡ tiêu hết số tiền được lớp giao giữ 160.000 đồng tiền quỹ. Đây là vụ việc đau lòng có nguyên nhân sâu xa từ việc học sinh thiếu kỹ năng ứng phó với những tình huống trong cuộc sống.
Theo một nghiên cứu mới được ngành giáo dục công bố, có 37% số sinh viên ra trường không tìm được việc làm do yếu, thiếu yếu tố kỹ năng thực hành xã hội (làm việc theo nhóm, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, giao tiếp...); 83% số sinh viên ra trường bị các nhà tuyển dụng đánh giá là thiếu kỹ năng sống. |
Chị Đào Thị Ngân, Phó trưởng phòng giáo dục huyện Thủy Nguyên cho rằng: “Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là việc quan trọng, tác động lớn đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách các em từ lúc còn trẻ đến tuổi trưởng thành. Được giáo dục kỹ năng sống đầy đủ sẽ giúp các em tự tin, chủ động và biết cách xử lý linh hoạt mọi tình huống trong cuộc sống, khơi gợi, phát huy khả năng tư duy sáng tạo, các thế mạnh của bản thân...Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sống, nhất là trong các nhà trường, nhằm giáo dục toàn diện học sinh hiện còn hạn chế và chưa được quan tâm. Môn học này vẫn được dạy, lồng ghép vào môn giáo dục công dân. Hiện các trường học dường như chỉ quan niệm dạy học là dạy kiến thức, chưa dạy các em kỹ năng sống, hành vi, thái độ ứng xử trong cuộc sống. Có nhiều em học giỏi, đạt điểm cao, nhưng chỉ biết ăn, ngủ, học và vui chơi, còn khả năng tư vấn, tự chủ và các kỹ năng giao tiếp, làm việc tập thể, làm việc theo nhóm, thuyết trình… hạn chế. Các em chưa được dạy cách đương đầu với những khó khăn của cuộc sống như cha mẹ ly hôn, gia đình phá sản, kết quả học tập yếu kém, bạn bè xấu lôi kéo… Các em cũng không được dạy để hiểu thế nào là giá trị của cuộc sống nên sẵn sàng đánh nhau, chửi bậy, sa đà vào các tệ nạn xã hội... Kiến thức phòng, chống thiên tai trong học sinh cũng hạn chế. Vì vậy, trong các diễn đàn giáo dục gần đây, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi triết lý giáo dục đó là: “học để biết những kiến thức thiết thực trong cuộc sống”.
Trang bị kiến thức phòng ngừa thảm họa
Từ những nguyên nhân trên, Hội Chữ thập đỏ thành phố triển khai dự án “Trồng rừng ngập mặn-phòng ngừa thảm họa” từ năm 1997 đến nay tại 6 quận, huyện và 14 phường, xã.
Thông qua các lớp tập huấn, học sinh được trang bị kiến thức nhận biết về thảm họa và hiểm họa, bảo vệ môi trường, cách phòng tránh những thiên tai thường xảy ra tại nơi mình sinh sống; bảo vệ sức khỏe trong sinh hoạt thường ngày…Tuy nhiên, phạm vi tập huấn còn hẹp, chưa có nhiều học sinh được tiếp cận nên việc giáo dục kỹ năng sống, phòng ngừa thảm họa cần được “phủ sóng” sâu rộng hơn.
Năm học 2009-2010, một nội dung được nhắc đến nhiều là việc đưa giáo dục kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, đây không phải là việc muốn là làm được và làm cũng không hẳn có kết quả ngay, phải có sự kết hợp cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Ban điều hành dự án phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo tập huấn phòng ngừa thảm họa 104 giáo viên tiểu học, 1845 học sinh khối lớp 4,5 thuộc 9 trường tiểu học của huyện Thủy Nguyên. |
Theo chị Đào Thị Ngân, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nên bắt đầu từ việc định hướng và định hình các em những hành vi tốt đẹp. Có thể giáo dục kỹ năng sống cho các em từ bậc học mầm non, bởi các em đang hình thành hành vi cá nhân và tính cách. Nhưng ở lứa tuổi này chỉ nên dạy trẻ những điều dễ nhớ, dễ học, dễ hiểu như biết giới thiệu về bản thân và gia đình mình trước mọi người, biết bảo vệ mình trước người lạ để không bị xâm hại, lạm dụng... Việc giáo dục kỹ năng sống cũng cần phải khơi gợi và phát huy sự tham gia của học sinh, không nên áp đặt. Giáo viên giảng dạy phải là người có kiến thức tâm lý, chuyên về giáo dục tâm lý, kỹ năng sống, không nên kiêm nhiệm hay dạy theo ngẫu hứng. Quan trọng hơn là cần có sự phối hợp gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội. Học kỹ năng sống cũng giống như học bơi, muốn biết bơi thì phải xuống nước tập, không thể đứng trên bờ nhìn mà biết được.
Để rèn luyện kỹ năng sống, cùng với những bài giảng trên lớp cần kết hợp cho các em chơi những trò chơi tương tác, những trò chơi dân gian để rèn luyện tính tập thể, khả năng làm việc nhóm; hoặc tổ chức tham quan các di tích lịch sử, thắng cảnh; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, từ đó xây dựng tinh thần chia sẻ, ý thức trách nhiệm.
Thanh Thủy