|
Doanh nghiệp Thành Đạt, xã Hải Lý (Hải Hậu) chuyên thu mua, chế biến cá biển, hàng năm xuất hơn 120 tấn sản phẩm, tạo việc làm cho 90 lao động.
Ảnh: Dương Đức
|
Trên địa bàn xã Giao Hải (Giao Thuỷ) có 1,8 km bờ biển, nằm trong vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thuỷ với vùng bãi triều rộng gần 600 ha trong đó có 220 ha bãi nổi thuận lợi cho việc khai thác, nuôi trồng các loại thuỷ hải sản như: ngao, vạng, tôm cá, sứa… Với những lợi thế tự nhiên, ngoài nghề trồng lúa, khai thác - đánh bắt thuỷ hải sản đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Từ khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, phong trào nuôi trồng thuỷ hải sản như: tôm, cua, các loại cá nước ngọt truyền thống… phát triển mạnh. Toàn xã hiện có 275 tàu thuyền các loại công suất từ 6-40 CV liên tục bám biển đánh bắt tôm cá và gần chục cơ sở chế biến thuỷ hải sản. Những ngày thời tiết thuận lợi có trên một trăm phương tiện và hàng trăm ngư dân thường xuyên bám biển đánh bắt hải sản. Nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản phát triển nên xã Giao Hải đã hình thành gần chục cơ sở chế biến thuỷ hải sản, trong đó có 7 cơ sở chuyên chế biến sứa. Mỗi năm, các cơ sở chế biến thuỷ hải sản tiêu thụ trên 3500 tấn sứa nguyên liệu và hàng trăm tấn tôm, cá các loại để cung cấp cho thị trường nội địa và một phần xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc. Tiêu biểu là cơ sở chế biến của các ông: Nguyễn Hùng Vương, Đặng Danh Luỹ, Trần Trung Trực… ở xóm 8. Trao đổi với chúng tôi, ông Vương cho biết: Năm 2004, được UBND xã ủng hộ, ông đã đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở chế biến thuỷ hải sản với tổng diện tích trên 2000 m2, trong đó có trên 1000 m2 nhà xưởng gồm: 2 kho lạnh, công suất 20 tấn; khu sơ chế sứa nguyên liệu với hơn 30 bể sục; khu sấy cá, vệ sinh, làm đá… Bình quân mỗi năm, cơ sở của ông tiêu thụ gần 2000 tấn nguyên liệu, trong đó có gần 1000 tấn sứa và trên 150 tấn cá mai. Cá mai là loài cá biển sống gần bờ, nhiều vẩy, to chỉ bằng ngón tay và dài khoảng 4-5 cm. Sau khi khai thác về phải sơ chế ngay bằng cách đánh vẩy, cắt đầu, bỏ ruột… rồi tuỳ theo thời tiết mà "nắng phơi, mưa sấy" đến khi nào cá khô kiệt thì đem bảo quản trong kho lạnh. Các phế phẩm như đầu, ruột, vẩy… được tận dụng để làm thức ăn chăn nuôi. Mùa khai thác cá mai bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm, trung bình cứ 100 kg cá tươi chế biến được 10 kg cá khô, sản phẩm cá mai chủ yếu được xuất khẩu qua ký gửi sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Vào mùa cá mai, bình quân mỗi tháng cơ sở của ông Vương xuất xưởng trên 4 tấn cá mai thành phẩm. Năm 2010, cơ sở của ông Vương đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 100 lao động địa phương.
Để nghề cá phát triển bền vững, ngoài việc tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến và các chủ phương tiện duy trì, khai thác, xã Giao Hải còn phát triển các mô hình nuôi trồng thuỷ sản. Xã khuyến khích nông dân dồn điền đổi thửa, quy hoạch các vùng trũng thành khu nuôi thủy sản, mời các chuyên gia tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi thủy hải sản cho nông dân đồng thời đứng ra tín chấp để các hộ vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất. Toàn xã đã có trên 100 hộ tham gia nuôi thủy sản tập trung ở vùng ruộng trũng, và toàn bộ diện tích ao, đầm. Năm 2009, tổng diện tích nuôi thuỷ sản của xã đã mở rộng lên 74 ha, tổng sản lượng cá nước ngọt đạt trên 111 tấn, thu nhập thực tế từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Bên cạnh đó, Giao Hải còn có gần 30 hộ tham gia nuôi thả ngao, vạng tại vùng bãi nổi với tổng diện tích trên 50 ha, thu nhập thực tế đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Một số hộ có diện tích lớn, đầu tư tốt đã giàu lên nhanh chóng trở thành triệu phú, tỷ phú từ nuôi ngao, vạng. Nhiều gia đình có điều kiện xây nhà mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, tiêu biểu là hộ các ông: Nguyễn Đại Phong (xóm 14), Nguyễn Văn Thưởng (xóm 12), Lê Văn Bồi (xóm 6), Đặng Văn Quang (xóm 5)…
Phong trào nuôi trồng, khai thác, chế biến thuỷ hải sản ở Giao Hải đã và đang tạo ra giá trị kinh tế lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển./.
Thành Trung