[links()] Trả lời việc UBND TP Bắc Giang có nhiều khuất tất trong thu hồi đất xây chợ Song Mai (xã Song Mai, TP Bắc Giang) mà PLVN đã có bài phản ánh, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết:
Việc Chủ tịch UBND TP Bắc Giang giao UBND xã Song Mai lập tổ công tác đền bù, bồi thường và giải phóng mặt bằng mà không thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hay giao việc này cho tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện là trái các quy định của Nghị định 69.
|
Ông đánh giá gì khi cùng một dự án, một địa điểm, chỉ khác về tổng vốn và diện tích đất phải thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng UBND tỉnh Bắc Giang lại cấp giấy chứng nhận đầu tư cho hai chủ đầu tư khác nhau đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác chợ Hải An?.
Theo tôi, việc cấp GCNĐT cho hai chủ đầu tư khác nhau nhưng cùng một người lãnh đạo trên cùng một địa điểm đầu tư trong cùng một khoảng thời gian cách nhau 3 tháng (sau đó gần một năm mới có quyết định chuyển đổi chủ đầu tư dự án) thể hiện sự thiếu minh bạch và chưa phù hợp với quy định về chấp thuận dự án đầu tư, lựa chọn tổ chức đầu tư và giới thiệu địa điểm đầu tư.
UBND TP Bắc Giang ra quyết định thu hồi đất nhưng không ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) của người dân có đất nằm trong phần diện tích cần thu hồi để thực hiện dự án dẫn tới việc cùng một thửa đất nhưng có hai GCN là đúng hay sai, thưa Giáo sư?
Việc phải thu hồi GCN sau khi ban hành quyết định thu hồi đất đã được quy định tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai. Không thực hiện đúng quy định này có thể gây nên tranh chấp về phần đất đai còn lại (nếu có) của những người bị thu hồi đất với chủ đầu tư và có thể với cả chính quyền.
Người bị thu hồi đất mà chưa bị thu hồi GCN có thể sử dụng GCN đó để thực hiện các quyền thế chấp, cầm cố, chuyển nhượng đối với phần đất đã thu hồi gây nên tranh chấp rất phức tạp. Chưa có quyết định thu hồi GCN và thực hiện thu hồi thì đương nhiên GCN của những người bị thu hồi đất vẫn còn giá trị pháp lý, ngang với GCN mới cấp cho chủ đầu tư dự án.
Việc UBND TP Bắc Giang ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất của hộ ông Nguyễn Văn Khuê nhưng lại giao cho UBND xã Song Mai xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, liệu có phớt lờ quy định của pháp luật?
Cưỡng chế thu hồi đất là một việc hệ trọng, cần thực hiện nghiêm theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có đủ điều kiện và đúng trình tự quy định tại Khoản 1 Điều 32 của NĐ 69, không thực hiện đúng quy định này đều là vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, Khoản 2 Điều 32 của NĐ 69 quy định: "Sau 15 ngày kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc ngày niêm yết công khai quyết định cưỡng chế mà người bị cưỡng chế không bàn giao đất thì UBND cấp huyện chỉ đạo, tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật". Như vậy, việc giao cho UBND xã lập kế hoạch và tổ chức thực hiện cưỡng chế là không đúng, thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong quản lý.
Theo phương án đã được UBND TP Bắc Giang phê duyệt thì những người bị thu hồi đất nông nghiệp đều được hưởng một khoản tiền hỗ trợ để họ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm mới. Nhưng thực tế, chỉ một số rất ít được hưởng số tiền đó. Ý kiến của ông về việc này thế nào?
Nếu đây là dự án thuộc diện nhà nước thu hồi đất thì UBND TP Bắc Giang phải căn cứ các Điều từ 18 tới 23 của NĐ 69 để làm căn cứ lập Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì các khoản hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng đối với người bị thu hồi đất, từng bước giúp họ ổn định cuộc sống, tìm việc làm mới, bảo đảm sinh kế.
Theo những thông tin người dân phản ảnh tới tôi, tại dự án này chủ đầu tư cùng với Chủ tịch UBND và cán bộ địa chính xã Song Mai chủ động đi tới từng hộ gia đình có đất bị thu hồi để thỏa thuận về hỗ trợ và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ. Đây là cách làm không đúng với quy định hiện hành về thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Giáo sư nghĩ sao về hành vi “tạm giam” quyết định “hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” của TAND TP Bắc Giang và chờ cho hết thời hạn khiếu nại mới giao cho công dân, tạo điều kiện cho UBND xã Song Mai phối hợp với UBND TP Bắc Giang cưỡng chế thu hồi đất của dân?.
Tôi cho rằng, thẩm phán thụ lý vụ khởi kiện hành chính của hộ gia đình ông Khuê với UBND TP Bắc Giang không làm tròn trách nhiệm của mình, có thể đổ lỗi cho cấp dưới hay viện dẫn lí do nào đó nhưng rõ ràng việc ra quyết định hủy bỏ quyết định đã ban hành trước đó (18/11/2011) về việc “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không cưỡng chế đất của hộ gia đình ông Khuê” vào ngày 22/11/2011 nhưng tới 17h, thứ 6, ngày 25/11/2011 (hết thời hạn khiếu nại) mới bàn giao cho hộ gia đình ông Khuê là vô trách nhiệm, vô cảm đối với ý kiến không đồng thuận của dân.
Hệ quả của việc chậm trễ này là sáng hôm sau, lực lượng cưỡng chế đã san phẳng diện tích ao, vườn của hộ ông Khuê. Chúng ta cũng có thể đặt ra giả thiết rằng liệu Tòa án giao Quyết định chậm có phải là một "tính toán" trong một mối "liên kết" nào đó để thực hiện nhanh cưỡng chế.
Cưỡng chế thu hồi đất là một việc hệ trọng, cực chẳng đã mới phải làm, nhất là đối với những gia đình đã có cống hiến cho cách mạng, những gia đình nghèo. Việc này phải thật minh bạch và thỏa đáng. Lòng tin của dân vào Nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào cách thức thu hồi đất và thực hiện cưỡng chế thu hồi đất của chính quyền địa phương.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
PV