Giáo sư Đức chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Trong chuyến thăm Việt Nam và gặp gỡ với đối tác Việt Nam, giáo sư - tiến sỹ Lothar Kolke và GS-TS Oliver Klaus của Trường ĐH Khoa học tự nhiên FH Mainz, Đức đã chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên của trường mình.

Trong chuyến thăm Việt Nam và gặp gỡ với đối tác Việt Nam, giáo sư - tiến sỹ Lothar Kolke và GS-TS Oliver Klaus của Trường ĐH Khoa học tự nhiên FH Mainz, Đức đã chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên của trường mình.

Chuyến thăm của đoàn giáo sư và sinh viên Trường đại học khoa học tự nhiên FH Mainz, Đức tại Việt Nam nhằm tìm hiểu về sự phát triển của thị trường Việt Nam so với các nước khác trong khu vực, vai trò của truyền thông, ảnh hưởng của quan hệ công chúng (PR), các vấn đề nhân sự, marketing và gặp gỡ với đối tác SAP Việt Nam.

Đoàn giáo sư và SV Trường ĐH khoa học tự nhiên FH Mainz, Đức.
Đoàn giáo sư và SV Trường ĐH khoa học tự nhiên FH Mainz, Đức.

Giữ mối quan hệ tốt với khoảng 500 doanh nghiệp

Chia sẻ về trường ĐH của mình, Giáo sư tiến sĩ Oliver Klaus cho biết: trường của chúng tôi từ 2008 đã tổ chức trao những chương trình trao đổi sinh viên (SV), những ngành thông tấn tham quan học tập ở nhiều quốc gia khác nhau.

Trường có hai đặc điểm lớn nhất: Thứ nhất, trong quá trình đào tạo, chúng tôi tập trung rất nhiều vào thực hành cho SV. Chúng tôi giữ mối quan hệ tốt với khoảng 500 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ để hợp tác với họ trong quá trình đào tạo cho SV.

Việc liên kết với các doanh nghiệp giúp trường chúng tôi có thể cử SV thực tập trong quá trình đào tạo hoặc SV nào muốn học thạc sĩ cũng sẽ có những chủ đề khóa luận tốt hơn. Và đây cũng là cơ hội cho những SV của chúng tôi sau khi ra trường dễ dàng kiếm viêc làm hơn.

Các doanh nghiệp khi liên kết với nhà trường sẽ được hưởng lợi là nguồn nhân lực là SV mà chúng tôi đào tạo. Quan trọng nhất là họ được tiếp cận với các giáo sư giảng dạy trong trường để từ đó có thể tìm kiếm, phát hiện nhân lực. Như vậy, có sự hỗ trợ hai chiều giữa trường và các doanh nghiệp.

Thứ hai, chúng tôi có định hướng quốc tế rất cao. Chúng tôi tập trung đào tạo rất nhiều để SV có những kiến thức, khái niệm về toàn cầu hóa - những kiến thức rất quan trọng cho những nhà lãnh đạo thế kỷ 21.

Trong quá trình đào tạo, để định hướng quốc tế cho SV, chúng tôi có những khóa đào tạo về quản lý quốc tế, quản lý toàn cầu hóa, quản lý đa văn hóa. Tuy nhiên, để hiểu đươc khái niệm toàn cầu hóa thì cần có những kinh nghiệm, hiểu biết thực tế. Chúng tôi tạo cơ hội cho SV đi rất nhiều nơi để họ có thể cảm nhận được toàn cầu hóa đang diễn ra như thế nào.

Chính vì vậy, cách đây 4 năm, hiệu trưởng và các giáo sư trong trường đã bắt đầu tổ chức những đoàn SV đi khắp nơi trên thế giới để có nhưng kinh nghiệm trực tiếp về toàn cầu hóa đang diễn ra. Năm 2006, chúng tôi đã tổ chức cho một đoàn SV sang Trung Quốc - một nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á. Những năm sau đó, chúng tôi tiếp tục tổ chức những đoàn SV sang nhiều nước.

Sinh viên vừa học vừa làm tại doanh nghiệp

Giáo sư - tiến sỹ Lothar Kolke cho biết: Để thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp là một quá trình rất dài. Chúng tôi có một giáo sư ở trường chuyên chịu trách nhiệm thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp trong suốt 20 năm qua. Ý tôi muốn nói là xây dựng mối quan hệ cá nhân với các doanh nghiệp trong trường đại học là vấn đề hết sức quan trọng.

Các doanh nghiệp có rất nhiều SV đến thực tập, tham gia vào một số dự án mang tính sáng tạo và đã mang lại lợi ích rất tốt vì đôi khi những người quá quen thuộc với công việc như thế sẽ không đưa ra được những ý tưởng mới nào.

Khi lãnh đạo của các doanh nghiệp đến tiếp xúc với SV tại các trường và nhận ra được những SV rất giỏi và khi ra trường có thể tuyển dụng luôn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc (lên đến vài chục ngàn EURO) nếu họ tuyển sai người.

Chúng tôi còn có một chương trình hợp tác gọi là Daily Help, trong đó các SV của chúng tôi được doanh nghiệp thuê làm 8 tiếng trong 2 ngày/tuần, thường là vào thứ 3 và thứ 7. Hiện nay chúng tôi có khoảng 800 SV đang làm việc theo hình thức như vậy. Tất nhiên là những SV được chọn vào làm cho doanh nghiệp 2 ngày/tuần đó vẫn phải theo học các chương trình bình thường vào các buổi khác với các giáo sư để hoàn thành chương trình cử nhân của mình. Về phía doanh nghiệp, họ được lợi khá nhiều từ chương trình như vậy. Họ không phải cử cán bộ của họ đi học 4 năm để có được bằng cấp. Họ chỉ tạo điều kiện cho SV vừa học vừa làm và cuối cùng họ có được những nhân viên đích thực với trình độ như họ mong muốn. Theo tôi thấy thì đây là một xu hướng của tương lai khi SV vừa học vừa làm.

Theo đó, chúng tôi vừa đi một vòng các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, có rất nhiều điểm thú vị và rất nhiều cơ hội để trở thành quốc gia phát triển. Chúng tôi cũng được biết tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam rất cao và cũng băn khoăn không biết tại sao lại như vậy. Khi sang thăm Việt Nam, chúng tôi được biết có được điều này là do con người Việt Nam.

Chúng tôi cũng đã gặp gỡ các SV Việt Nam. Khi trao đổi, chúng tôi nhận thấy bản chất của SV Việt Nam rất chăm chỉ, nhiệt tình, một số bạn phải đi rất xa đến trường, một số bạn lại nói là học vì bố mẹ, nhưng theo tôi đấy cũng là một lý do rất tốt. Tôi thấy rằng SV Việt Nam rất cần cù và các bạn có thể tự hào vì điều đó.

Công ty cung cấp giải pháp quản trị hàng đầu trên thế giới SAP bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 2007.

Chương trình Đối tác Đại học SAP (UAP) là một sáng kiến toàn cầu, cung cấp cho đội ngũ giảng viên đại học những công cụ và tài nguyên để giảng dạy cho SV công nghệ sẽ cho phép tích hợp hệ thống doanh nghiệp và quy trình ra quyết định như thế nào. Nó bổ sung cho SV những kỹ năng quý báu, giúp nâng cao giá trị của họ trên thị trường.

Bắt đầu năm 1988 tại Đức, chương trình đến nay đã mở rộng ra hơn 800 trường đại học tham gia tại 36 quốc gia. Chương trình đã thu hút hơn 2.200 thành viên giảng viên đại học kỳ cựu và 150.000 SV tham gia các khóa học được hỗ trợ bởi công ty giải pháp phần mềm SAP.

Theo Dân trí

Đọc thêm