Giáo sư Vũ Khiêu phản đối mỗi xã một tượng mẹ Việt Nam anh hùng

 Trước dư luận xung quanh tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam, Anh hùng lao động, GS.Vũ Khiêu dù ở tuổi 96 và đang trên giường bệnh đã có những chia sẻ quan điểm của mình với bạn đọc báo PLVN..

[links()]Trước dư luận xung quanh tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam, Anh hùng lao động, GS.Vũ Khiêu dù ở tuổi 96 và đang trên giường bệnh đã có những chia sẻ quan điểm của mình với bạn đọc báo PLVN...

Nhân dân nhớ nghĩa mẹ anh hùng

Qua nhiều năm nghiên cứu, GS nhận định gì về vai trò của tượng đài và các biểu tượng văn hóa trong đời sống văn hóa của người Việt Nam?

GS. Vũ Khiêu
GS. Vũ Khiêu

- Theo truyền thống, người dân Việt Nam rất yêu quý danh nhân, anh hùng dân tộc. Chính vì thế, rất nhiều nơi thờ cúng Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông... Bất cứ thời nào cũng có những biểu tượng, những tượng đài. Những danh nhân đó đã đi vào lòng người với tất cả sự biết ơn và kính trọng. Bởi võ công đem lại sự kính phục cho mọi người nhưng văn đức mới thực sự khắc vào tâm khảm của nhân dân như một ấn tượng không bao giờ phai nhạt. Ấn tượng này trở thành hình ảnh thiêng liêng gắn liền với tình cảm yêu thương của con người.

Chúng ta hiểu vì sao trong truyền thống của dân tộc ta, quý trọng anh hùng chưa đủ mà còn phải tạo tượng bằng gỗ, đúc tượng bằng đồng để thờ cúng trong hầu hết các đền miếu và trải khắp trên đất nước Việt Nam tử thủa xa xưa. Thông thường, vị danh nhân đó đi vào cuộc sống và sống mãi với thời gian. Điều đó thể hiện một nét về bản sắc văn hóa dân tộc, yêu quý những danh nhân, những người anh hùng cứu nước. Do đó, tượng được dựng ở trong chùa hay ở ngoài không gian đều thể hiện mong ước của tất cả mọi người.

Gần đây, không phải gia đình nào cũng có tượng trong nhà, nhưng ảnh Bác Hồ, ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp, hoặc những vị anh hùng xưa và nay được treo ở rất nhiều gia đình để cha mẹ, vợ chồng, con cháu ngày đêm chiêm ngưỡng. Đồng thời đó còn là tấm lòng kính trọng của nhân dân đối với Bác, mang tính chất thiêng liêng trong tâm hồn dân tộc.

Thưa GS, tạc tượng các mẹ Việt Nam anh hùng có phải là một cách để chúng ta ghi nhớ và biết ơn sự hy sinh cao cả của những người mẹ tiễn con ra mặt trận và không có ngày đón con trở về - họ đại diện cho sự giản dị nhưng lại là tư thế của một dân tộc anh hùng?

- Dân tộc ta là dân tộc anh hùng. Chính các anh hùng xuất hiện kế tiếp nhau từ thời này sang thời khác đã tạo nên sức mạnh tinh thần cho tất cả mọi người muốn sống một cuộc sống cao đẹp, dồn tất cả tâm sức vào việc giết giặc, cứu nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Điều quan trọng nhất là với các anh hùng liệt sỹ, dường như chủ nghĩa yêu nước của họ đã được nuôi dưỡng từ dòng sữa mẹ.

Ở Việt Nam có rất nhiều bà mẹ như mẹ Thứ tham gia chiến đấu kiên cường. Đó là những người phụ nữ từ thời Bà Trưng, Bà Triệu cho tới nữ tướng cuối cùng của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Định. Các bà mẹ Việt Nam, phụ nữ Việt Nam không chỉ tự mình chiến đấu mà quan trọng hơn, họ còn động viên con cái mình ra chiến trường cứu nước. Có những bà mẹ tiễn một con đi, hai con đi và thậm chí tới chín người con như mẹ Thứ rồi mãi mãi các con không trở về...

Không có gì đau xót hơn với người mẹ là những đứa con yêu quý của mình ngã xuống và ở lại chiến trường không bao giờ trở lại. Ban ngày các bà mẹ có thể bình tĩnh, khuây khỏa việc này việc khác nhưng ban đêm dưới ánh đèn khuya, hình ảnh người mẹ nhớ con thường khóc một mình. Có thể nói, cả mẹ và con trong những năm tháng đánh giặc cứu nước đều không ngại hy sinh, không sợ khổ để đất nước được tự do, hạnh phúc, để cả mẹ và con được sống với tư thế của một dân tộc anh hùng. Tôi đã từng có câu đối: “Tổ quốc ghi công con liệt sỹ/ Nhân dân nhớ nghĩa mẹ anh hùng” là như vậy. Vậy nên, tôi hoan nghênh có những tượng đài về phẩm chất anh hùng cứu nước của các thế hệ phụ nữ từ xưa cho tới hôm nay.

Nhìn tượng mẹ Thứ để nhớ tới bà mẹ anh hùng ở quanh mình

Trên khắp đất nước mình, nơi đâu cũng có các bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó Quảng Nam là địa phương có nhiều bà mẹ Việt Nam anh nhất và mẹ Thứ là một hình ảnh tiêu biểu trong số đó. Tuy nhiên, GS nghĩ sao về việc xây dựng tượng mẹ Thứ quá đồ sộ trên một quả núi?

- Bà mẹ Nguyễn Thị Thứ có thể là hình tượng tiêu biểu cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng nhưng chúng ta nên xây dựng tượng riêng hay nên xây dựng cụm tượng tập thể mẹ Việt Nam anh hùng? Nhân dân Việt Nam ở xã nào cũng có mẹ anh hùng. Không lẽ mỗi xã lại xây dựng một tượng đài? Điều tôi băn khoăn là xây dựng tượng mẹ Thứ thật to lớn thì giải thích thế nào với các bà mẹ anh hùng khác cũng đã hy sinh con cái của mình, đã động viên con cái mình ra mặt trận và không kém phần đau xót như mẹ Nguyễn Thị Thứ, không kém phần anh hùng quả cảm như mẹ Nguyễn Thị Thứ?

Hơn nữa, ý nghĩa cao cả của hình tượng mẹ Việt Nam anh hùng gắn với sự hy sinh của con nên tôi thiết nghĩ các bà mẹ anh hùng có con đứng bên cạnh thì hay hơn. Cùng với tượng đài này nên viết một cuốn sách về các bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có mẹ Nguyễn Thị Thứ. Hoặc đó là cụm tượng mẹ đang bịn rịn tiễn con ra trận rồi mong ngóng có ngày đứa con trở về. Làm thế nào để mỗi người đi qua nhìn tượng mẹ Nguyễn Thị Thứ, người ta nhớ tới bà mẹ anh hùng ở quanh mình thì ý nghĩa tuyên truyền sẽ lớn hơn.

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ ở Quảng Nam
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ ở Quảng Nam

Thưa GS, dư luận cho rằng tượng mẹ Thứ với kinh phí “đội giá” hiện nay là 410 tỷ đồng, cùng với “phong trào” làm tượng của từng tỉnh, bệnh thành tích đã lây lan vào cả tượng đài. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến trên thế giới, ngoài những tượng đài lịch sử thì những tượng đài dân sinh, tượng đài danh nhân đều chỉ được làm với kích thước nhỏ và gần gũi với hơi thở của đời sống xung quanh. Và dường như chúng ta đang làm ngược lại?

- Tôi cho rằng tượng mẹ Thứ không nhất thiết phải to lớn như thế. Bà chính là một người nhỏ nhắn, gầy yếu nhưng có tấm lòng cao cả dạy con cứu nước. Tôi nghĩ rằng, tượng đài nên đi vào chiều sâu tâm trạng người phụ nữ, người mẹ anh hùng sẽ hay hơn là khối lượng to lớn, đồ sộ của bà mẹ. Vì chỉ có đi vào chiều sâu tâm trạng, tâm hồn thì mới đi vào lòng người chứ không phải là sự hoành tráng mà người ta kì vọng là “lớn nhất Đông Nam Á”...

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Nguyệt Thương (thực hiện)  

Đọc thêm