Giải pháp nào để ngăn xe 'trốn' đăng kiểm?

(PLO) - Theo thống kê, hiện cả nước có hàng trăm ngàn ô tô đã quá hạn đăng kiểm. Đáng lo ngại, số phương tiện này có thể vẫn đang tham gia giao thông, đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gia tăng các vụ tai nạn. Thực trạng này đòi hỏi các đơn vị quản lý phải sớm có biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa để chấn chỉnh.
Xe quá hạn sử dụng, xe quá hạn đăng kiểm tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân trực tiếp gia tăng các vụ tai nạn giao thông (ảnh minh họa)
Xe quá hạn sử dụng, xe quá hạn đăng kiểm tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân trực tiếp gia tăng các vụ tai nạn giao thông (ảnh minh họa)

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo một báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 186.883 xe ô tô hết niên hạn sử dụng, trong đó có 138.510 xe chở hàng và 48.373 xe chở người. Theo ước tính, riêng năm 2017 có 24.264 xe hết niên hạn sử dụng, trong đó có 21.651 xe chở hàng và 2.613 xe chở người. Dẫn như vậy để thấy rằng, tình trạng phương tiện “trốn” đăng kiểm không phải đến bây giờ mới nhức nhối. 

Theo tìm hiểu, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 29 về xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm. Tuy nhiên, tình trạng ô tô quá hạn đăng kiểm định kỳ nhưng vẫn tham gia giao thông tương đối phổ biến ở nhiều địa phương, tăng nguy cơ gây tai nạn.

Cụ thể, theo ghi nhận, có những trường hợp quá hạn đăng kiểm do phương tiện tạm dừng sử dụng, song cũng không ít trường hợp vẫn tham gia giao thông công cộng, thậm chí gây tai nạn. Gần đây nhất, đêm 30/5, xe ôtô trộn bê tông 16K-2014 tham gia giao thông khi đã quá hạn đăng kiểm, gây tai nạn tại đảo Cát Bà (Hải Phòng) làm chết 2 người và toàn đảo Cát Bà mất điện.

Thời điểm gây ra tai nạn, chiếc xe trên đã quá hạn kiểm định gần 2 tháng. Ngoài trường hợp trên, thời điểm giữa tháng 6/2018, tại đảo Cát Bà còn có hàng chục trường hợp xe khác đã hết hạn đăng kiểm.

Cần phải khẳng định, theo các văn bản quy phạm pháp luật, các trường hợp xe quá hạn đăng kiểm hoặc hết niên hạn sử dụng đều bị cấm tham gia giao thông, bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Điều 16 Nghị định 46 ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt: người điều khiển xe ô tô quá hạn đăng kiểm dưới 1 tháng bị phạt 2-3 triệu đồng; quá hạn từ 1 tháng trở lên bị phạt 4-6 triệu và đều bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Trước tình trạng xe ô tô trốn đăng kiểm định kỳ đang ở mức báo động và có xu hướng gia tăng, ngành đăng kiểm cũng đã từng có những đề xuất kiểu như “xe quá hạn một tháng thì thời hạn kiểm định lần sau bị trừ đi một tháng”. Tuy nhiên, những đề xuất, giải pháp này chưa nhận được sự đồng tình của dư luận. Bởi xét cho cùng, cơ quan đăng kiểm cũng đơn thuần chỉ là bên cung cấp dịch vụ, không có chức năng xử phạt. 

Trên góc độ pháp lý, theo chuyên gia luật Nguyễn Ngọc Sinh, chuyên viên tư vấn luật Công ty Tư vấn Đoàn Luật sư Việt Nam, để ngăn tình trạng phương tiện “trốn” đăng kiểm, bên cạnh ý thức của chủ xe, rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền, đơn vị chức năng địa phương trong việc quản lý, giám sát phương tiện quá hạn đăng kiểm. Nói cách khác, nếu hệ thống quản lý từ cấp cơ sở làm tốt chức năng, nhiệm vụ thì sẽ trực tiếp hạn chế các nguy cơ gây mất an toàn giao thông từ những phương tiện không đảm bảo quy chuẩn kiểm định.

Ông Sinh cũng khẳng định, việc quên hay cố tình không đưa phương tiện đi đăng kiểm khi đã quá hạn là hành vi vi phạm pháp luật. “Theo Nghị định 46 của Chính phủ, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 4 - 6 triệu đồng với hành vi điều khiển các loại xe phải kiểm định nhưng không có giấy chứng nhận/tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, hoặc có giấy chứng nhận nhưng đã hết hạn kiểm định từ một tháng trở lên” – ông Nguyễn Ngọc Sinh chia sẻ.

Rõ ràng, việc để hàng trăm ngàn ô tô đã quá hạn đăng kiểm lưu thông đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn. Bởi, xét cho cùng, không ai dám chắc những chiếc xe quá hạn đăng kiểm kia có thực sự đảm bảo an toàn. Trong khi chờ cơ quan chức năng tìm lối ra cho giải pháp chống phương tiện “trốn” đăng kiểm, các chủ phương tiện cần tự nâng cao ý thức về vấn đề này.

Nói cách khác, đăng kiểm, xét cho cùng chỉ là hình thức do cơ quan chuyên ngành kiểm định về chất lượng xe có đảm bảo chất lượng hay không, là kiểm tra toàn bộ máy móc trong và ngoài của xe xem có đạt tiêu chuẩn như có chỗ nào chưa tốt, chưa ổn cần sửa chữa… để từ đó đảm bảo an toàn cho chính các chủ phương tiện khi tham gia giao thông. 

Luật Giao thông đường bộ Việt Nam 2008 quy định, các phương tiện tham gia giao thông phải đảm bảo yêu cầu về an toàn kỹ thuật của phương tiện. Khi lưu hành phương tiện trên đường phải có đủ các loại giấy tờ theo quy định. Còn theo Điều 16 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền tới 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô điều khiển xe không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe quá hạn đăng kiểm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Ngoài ra, theo Điều 204 Bộ luật Hình sự, người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Đọc thêm