Hải Phòng: Choáng váng cảnh những khu nhà tập thể xuống cấp

(PLO) - “Cũ nát, xập xệ lắm rồi cháu ơi”… là câu được lặp đi lặp lại nhiều lần khi phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đi thực tế tại những khu tập thể cũ ở Hải Phòng. 
Nhà U19 phường Lam Sơn
Nhà U19 phường Lam Sơn
Nỗi khổ nhà xuống cấp
Bà Nguyễn Thị Mùi , nguyên công nhân Cty Điện lực Hải Phòng, hiện đang sinh sống tại phòng số 5, tầng 2 nhà A42, lô 5, dãy tập thể ba tầng trên địa bàn phường Lam Sơn, quận Lê Chân (Hải Phòng) vừa dẫn nhóm PV đi “tham quan” khu nhà vừa than: “Tôi đã ở khu nhà này từ khi mới được xây, khu nhà được xây từ hơn 40 năm trước nhưng đến giờ vẫn chưa một lần được sửa chữa, cải tạo. Vào mùa mưa, cả khu nhà như ngoài sân, những nhà tầng ba bị nước mưa dột. Các nhà tầng 2, tầng 1 thì bị nước mưa ngấm từ tường, nước mưa theo ban công tràn vào trong nhà".
Chỉ vào tòa nhà 3 tầng không một mảng vữa trát, trơ gạch, ông Nguyễn Văn Quang, hiện đang sinh sống tại nhà số 4, tầng 3 của khu nhà phàn nàn, do gạch vữa đã hết thời gian sử dụng nên các hộ dân tự trát cũng chỉ được một thời gian, vôi vữa cũng bong, rơi ra hết. ông Quang phàn nàn, ngay đến bê tông cũng hết đát, chỉ lấy tay bóp mạnh là vỡ vụn, trơ ra sắt, đám nghiện quanh khu vực đã nhân cơ hội này lấy hết sắt lan can cầu thang, lan can mái tầng thượng bán sắt vụn lấy tiền mua ma túy khiến tầng thượng khu nhà bị đập phá loang lổ, người dân không dám lên tầng thượng để sửa chữa.
Ông Nguyễn Lê Tân, một trong số hơn bốn mươi hộ dân hiện đang sinh sống tại khu nhà U19, khu tập thể vốn của Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng, trên địa bàn phường Lam Sơn, dãy nhà ba tầng bị bom Mỹ đánh sập toàn bộ tầng ba, một phần tầng hai từ tháng 2/1972 than thở, chỉ cần cơn gió mạnh, vữa từ trần, từ tường nhà đã rơi lả tả; gạch đá nhét đầy hệ thống thoát nước mưa, nước thải khiến cả dãy nhà vẫn như những năm chiến tranh.
Chị Nguyễn Thị Mai hiện đang sinh sống tại dãy nhà A8, khu nhà 05 tầng bị nghiêng tại tập thể Thái Phiên, phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền buông tiếng thở dài: “Ngày thường ở đã sợ, chỉ cần bão gió cấp 10 là ngôi nhà đã có thể lăn đùng ra đổ. Do vậy, mỗi lần nghe thông tin dự báo thời tiết thông báo bão chuẩn bị đổ bộ vào Hải Phòng, người dân cả khu nhà chẳng ai bảo ai, chưa cần chính quyền đi vận động đã tự dắt nhau đi sơ tán. 
Nhà U19 phường Lam Sơn
Nhà U19 phường Lam Sơn 
Sợ hãi đến bao giờ?
Ông Lê Chí Nguyện – Phó Chủ tịch UBND phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền bộc bạch, chính quyền địa phương đều biết rõ những căn nhà tập thể 05 tầng được xây dựng từ những năm 60 – 70 thế kỷ trước trên địa bàn bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo ông Nguyện, các căn hộ xuống cấp nặng, được xác định một phần nguyên nhân do thiết kế nhỏ, phục vụ cho các hộ độc thân nên mỗi căn hộ chỉ từ 20 – 25m2, hệ thống công trình phụ như nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm được thiết kế dùng chung. 
Quá trình sử dụng, nhân khẩu tăng lên nên các hộ dân đã tự cơi nới, xây thêm chỗ sinh hoạt, thậm chí làm thành phòng ngủ cho cả gia đình ra ngoài khoảng không khu tập thể. Việc xây dựng, cơi nới không chỉ làm thay đổi thiết kế, còn gây ra nguy cơ nứt vỡ kết cấu khu nhà, gây đổ sập chính tại các “chuồng cọp”, kéo giảm tuổi thọ sử dụng công trình. Các công trình cơi nới còn khiến việc phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn mỗi khi xảy ra sự cố gặp rất nhiều khó khăn. 
Theo ông Nguyện, để bảo vệ, duy trì tuổi thọ ngôi nhà, bảo vệ sự an toàn cho chính các hộ dân, từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã cương quyết xử lý, cưỡng chế tháo dỡ những công trình được “cấy” vào những khu tập thể. Chỉ trong 07 tháng đầu năm, UBND phường Vạn Mỹ đã xử lý 03 trường hợp các hộ tự xây cơi nới tại các khu nhà cũ. 
Lãnh đạo các phường Lam Sơn (quận Lê Chân), phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) thì trăn trở, hầu hết các hộ ở tại các khu tập thể là người lao động, không có điều kiện thay đổi chỗ ở tốt hơn, các hộ cơi nới cũng là để cải thiện điều kiện chỗ ở. Tuy nhiên, việc này gây nguy hiểm cho chính các hộ dân, gây nguy hiểm cho cộng đồng nên từ 5 năm nay, trên địa bàn không xuất hiện tình trạng cơi nới, lấn chiếm khoảng không tại các khu nhà cũ.
Theo ghi nhận của Cty TNHH MTV Quản lý nhà Hải Phòng, Hải Phòng hiện có 220 nhà tập thể cao từ  2 - 5 tầng với hơn  4.700 hộ sinh sống, còn lại là nhà tập thể được các doanh nghiệp, cơ quan giao cho công nhân ở và tự quản lý. Tất cả những khu nhà trên đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1970 của thế kỷ trước. Dân đang kêu khổ, vậy cơ quan quản lý sẽ giải quyết những “ông lão” này thế nào?
(Còn tiếp)

Đọc thêm