Là ngôi chùa duy nhất, cũng là nơi người dân thể hiện tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa tâm linh của cả thị trấn Thọ Xuân (Thanh Hóa), Tuy nhiên, do nhiều năm không được tôn tạo, sửa chữa, chùa Đông Nam đã xuống cấp nghiêm trọng và rất cần được sửa chữa.
Trong những tài liệu của chùa còn lưu giữ, chùa Đông Nam nằm ở phía Đông Nam thị trấn Thọ Xuân và được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20.
Chùa Đông Nam đã xuống cấp nghiêm trọng |
Trước kia, đây là miếu thờ Công chúa Liễu Hạnh và Thành Hoàng làng với 1 ngôi nhà có kiến trúc đơn sơ, được xây dựng bằng tranh, tre, nứa.
Đến năm 1937, với sự đóng góp của nhân dân trong và ngoài huyện Thọ Xuân, miếu được nâng cấp thành chùa và thờ thêm Đức Thánh Trần cùng Tam Bảo Phật. Năm 1992, chùa Đông Nam được tỉnh Thanh Hòa công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Chùa tiếp tục được tôn tạo vào năm 2002, nâng cấp lập thêm Ban thờ Phật và được Đại đức Thích Nguyên Quang trụ trì từ năm 2010.
Là nơi đông đảo Phật tử huyện Thọ Xuân thể hiện tín ngưỡng, vì thế theo đông đảo người dân, việc tu bổ, xây dựng lại chùa Đông Nam là việc rất cần thiết |
Phật tử Trịnh Thị Khánh (Thị trấn Thọ Xuân) cho biết: “Chùa được người dân chúng tôi áp dụng hình thức “tiền Phật, hậu Thần” nên mang đậm sắc thái văn hóa của người dân Việt Nam. Không mang nhiều dấu ấn về kiến trúc và niên đại nhưng từ khi được xây dựng, chùa Đông Nam đã khẳng định được vai trò, vị thế tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống nhân dân”.
Cũng theo nhiều Phật tử, không chỉ có người dân Thọ Xuân, nhiều Phật tử trong cả nước cũng đến đây bày tỏ lòng thành kính, đặc biệt là những ngày lễ, Tết.
Tuy nhiên, do thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay, chùa Đông Nam đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hai công trình thuộc quần thể chùa là nhà Tam Bảo và nhà Tổ đã bị mối mọt nghiêm trọng. Khung chịu lực và nhiều cấu kiện bằng gỗ đã hư hại nghiêm trọng.
Đại đức Thích Thanh Quang (Trụ trì chùa Đông Nam) tâm sự: “Qua mỗi mùa mưa bão, chùa lại càng xuống cấp trầm trọng hơn và có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Phần mái của các công trịnh ngói bị vỡ nhiều. Rui mè, đòn tay cũng bị hư hỏng. Cứ trời mưa là chùa lại thấm dột. Điều này không chỉ làm hư hại cảnh quan của chùa mà còn gây nguy hiểm cho du khách và Phật tử”.
Cũng theo Đại đức Thích Thanh Quang, nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong và ngoài huyện Thọ Xuân là rất lớn, tuy nhiên không gian chùa Đông Nam còn rất chật chội. Các công trình phục vụ vệ sinh, sinh hoạt không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của Nhà chùa và Phật tử. Việc tu sửa chùa đã được rất đông Phật tử trong và ngoài huyện Thọ Xuân đồng ý và đóng góp và chỉ đợi được cấp phép là sẽ tiến hành xây dựng lại.
Theo Phật tử Nguyễn Thị Bích( Thị trấn Thọ Xuân): “Chúng tôi phường đến chùa thắp hương, niệm Phật để cầu sức khỏe cho bản thân, gia đình. Không những thế, người xưa thường nói: “Trẻ vui nhà, già vui chùa” nên chúng tôi lấy việc vãn chùa cũng là niềm vui hiếm hoi của tuổi xưa nay hiếm. Vì thế, khi chùa xuống cấp, chúng tôi hết sức xót xa và muốn Chùa được tu bổ và xây dựng thêm khu thờ tự cũng như các công trình khác trong chùa.”.
Hoàng Phan