Xử nghiêm vi phạm luật giao thông, bất kể "biển xanh, biển đỏ"

(PLO) - Là một đô thị đặc biệt với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, TP HCM tiếp nhận lượng lớn dân nhập cư từ các tỉnh, thành cùng lượng xe cá nhân không ngừng tăng nhanh qua các năm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo số liệu của ngành Giao thông vận tải TP HCM, tốc độ gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân nhảy vọt lên 11% mỗi năm, gây nên tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng giao thông đô thị và nhiều hệ luỵ phải xử lý, nhất là tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Tăng cường năng lực giao thông để giảm áp lực ùn tắc

Mặc dù TP HCM đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển hạ tầng giao thông song “tình hình có thể xấu hơn nếu không có phương án cải thiện mạnh mẽ những giải pháp công nghệ giảm kẹt xe tại TP HCM” — PGS.TS Hồ Thanh Phong và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM cảnh báo.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa cho rằng, ngành Giao thông vận tải TP cần có nhiều ý kiến để xây dựng các chương trình hành động hiệu quả, triển khai toàn diện các giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn.

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông của TP HCM ngày càng nghiêm trọng được các chuyên gia chỉ ra là do việc mở đường, xây cầu chưa tính đến yếu tố động của giao thông, việc thiết kế giao thông còn nhiều bất hợp lý, qui hoạch giao thông chưa tính đến lâu dài, chưa quan tâm đúng mức việc kết hợp biện pháp quản lý và biện pháp công trình, công tác quản lý và điều phối giao thông còn hạn chế.

Thêm vào đó, các hình thức và biện pháp duy trì trật tự giao thông chưa đầy đủ, chưa mạnh mẽ và đều khắp, ý thức của người đi đường khi tham gia giao thông còn chưa được nâng cao.

Do đó, để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, PGS.TS Hồ Thanh Phong gợi ý rằng TP HCM cần phải nhanh chóng tăng cường năng lực giao thông bằng cách: xây thêm tuyến metro, tổ chức lại đường sắt đô thị, tổ chức lại xe bus, qui hoạch lại giao thông bằng các phương pháp vận trù học hiện đại, thiết kế lại hệ thống điều khiển đèn tín hiệu, thiết kế hệ thống cảnh báo giao thông qua hệ thống SMS, bảng thông báo LED, trang web, ứng dụng trên di động; đồng thời nhanh chóng phê duyệt để triển khai xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên diện rộng.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Bùi Xuân Cường — Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016 - 2020 nếu thực hiện đồng bộ 7 nhóm vấn đề được đặt ra sẽ cải thiện tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông của TP.

Theo đó, trước mắt, một trong những giải pháp ưu tiên là tập trung khai thác tốt nhất cơ sở hạ tầng hiện nay vì đây là nhóm giải pháp tốn ít chi phí nhất và có thể triển khai làm được ngay, hiệu quả thấy rõ. Đồng thời tiếp tục tập trung dồn sức để phát triển, đổi mới và cải tổ lại hệ thống vận tải công cộng, trong đó chú trọng phát triển hệ thống vận tải giao thông đường thủy nội địa để góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông đường bộ.

Ngoài ra, theo ông Cường, một ưu tiên quan trọng trong quá trình triển khai là xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện, bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm .

Không hạ tầng nào phát triển kịp nhu cầu giao thông

TS Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức cho rằng, không một nước nào trên thế giới có thể mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông để bắt kịp với sự tăng trưởng nhu cầu giao thông vận tải nên “đã đến lúc phải có quan niệm mới, đó là lựa chọn và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thích hợp”. Muốn vậy, cần phải quản lý giao thông toàn diện thay vì chỉ hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân.

Cùng với đó, TS Đinh Phương Duy, Học viện Cán bộ TP HCM nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông. Bởi, giao thông chỉ an toàn khi người tham gia giao thông thay đổi thói quen, thay đổi hành vi giao thông để hình thành được một thói quen văn minh trong cộng đồng xã hội, góp phần làm thay đổi nhận thức và thái độ của người điều khiển phương tiện giao thông.

Song song với tuyên truyền thì “cần nghiêm khắc trong việc xử phạt các hành vi vi phạm, để bảo đảm dù có là ai thì vẫn xử phạt, bất kể người đi bộ, người đi xe hay xe biển xanh, biển đỏ” - TS Đinh Phương Duy lưu ý.

Các chuyên gia tại Hội thảo “Bàn về các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 — 2020 trên địa bàn TP HCM do Sở Giao thông Vận tải TP HCM phối hợp với Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia tổ chức sáng qua (29/3) còn đề nghị đưa khoa học công nghệ mới vào ứng dụng trong xây dựng cầu đường, cảng làm sao để xây dựng những tuyến giao thông có sức chở lớn, những trục đường xuyên tâm nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ngập nước…

Đọc thêm