Giao và cho thuê rừng, đất rừng: Được và chưa được

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tới cuối năm 2010 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có 469 doanh nghiệp đầu tư liên quan tới rừng và đất rừng- tăng 39%, trên diện tích 81.726 ha (số quy tròn) - tăng 46% so với cuối năm 2009.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tới cuối năm 2010 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có 469 doanh nghiệp đầu tư liên quan tới rừng và đất rừng- tăng 39%, trên diện tích 81.726 ha (số quy tròn) - tăng 46% so với cuối năm 2009.
Nhiều mô hình giao rừng làm du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: KD
Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư, giúp các nhà đầu tư khai thác có hiệu quả thế mạnh sẵn có của địa phương về rừng và đất rừng để sản xuất- kinh doanh, Sở NN-PTNT cùng với các ngành chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành cho các doanh nghiệp sử dụng rừng và đất rừng dưới các hình thức giao hoặc cho thuê. Việc giao và cho các doanh nghiệp thuê rừng, đất rừng được căn cứ vào cơ sở Quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2008-2020 của UBND tỉnh. Theo quy hoạch này, Lâm Đồng còn có tới 345.003 ha đất rừng sản xuất, trong đó có nhiều vùng là rừng nghèo và đất trống đồi núi trọc. Ngày 25/4/2008, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1036/QĐ-UBND về “Phát triển rừng sản xuất bền vững”; theo đó, toàn tỉnh sẽ trồng mới và chăm sóc 31.700 ha rừng tập trung, nuôi dưỡng 15.700 ha rừng và mỗi năm giao khoán bảo vệ 159 ngàn ha. Từ nội dung quy hoạch này, phần lớn các doanh nghiệp được UBND tỉnh giao và cho thuê đất đều được định hướng hoạt động sản xuất - kinh doanh bằng trồng rừng, sản xuất nông - lâm kết hợp và làm du lịch sinh thái dưới tán rừng. Sản xuất - kinh doanh có kết quả, các doanh nghiệp này sẽ góp phần quan trọng nâng cao độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân sinh sống trong các vùng dự án- nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 07/NQ-TU của Tỉnh ủy về “Đổi mới môi trường đầu tư và thu hút đầu tư giai đoạn 2006-2010”, tới thời điểm cuối năm 2010, trong 469 dự án đã thu hút có liên quan tới rừng và đất rừng, có 391 dự án đã được các ngành chức năng của tỉnh kiểm kê tài nguyên rừng và UBND tỉnh đã ban hành quyết định cho thuê rừng với tổng diện tích 64.908 ha, 79 dự án với diện tích 16.810 ha đang lập hồ sơ và chưa có quyết định cho thuê rừng và đất rừng, 259 dự án đã và đang triển khai sản xuất - kinh doanh trên diện tích 41.538 ha, 131 dự án với diện tích 23.368 ha nhà đầu tư chưa triển khai các thủ tục xin thuê đất và cũng đã có 40 dự án với diện tích 4.911,5 ha bị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi do vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng. Tới cuối năm 2010, thực tế Sở NN-PTNT cũng chỉ mới “tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định cho 58 doanh nghiệp thuê rừng với tổng số tiền 700 triệu đồng”. Sở NN-PTNT cho hay, với việc 259/469 doanh nghiệp đầu tư có liên quan tới rừng và đất rừng triển khai, tới cuối năm 2009, các nhà đầu tư đã cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng 4.657 ha rừng kinh tế (trong đó 1.624 ha ở huyện Cát Tiên giao cho các gia đình) với cơ cấu cây trồng chủ yếu là keo và cao su bằng vốn tự có; Công ty cổ phần Giấy Tân Mai cũng đầu tư gần 147 tỷ đồng vốn tín dụng để thực hiện các dự án trồng rừng nguyên liệu giấy với tổng diện tích gần 10.500 ha. Và năm 2010 vừa qua, các doanh nghiệp, các dự án với các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước đã trồng mới được 2.165 ha cao su tại địa bàn: Đạ Huoai 1.319 ha, Đạ Tẻh 324 ha, Bảo Lâm 360 ha, Đơn Dương 116 ha, Đam Rông 46 ha-nâng diện tích cây cao su của tỉnh lên 3.740 ha) và 1.044 ha rừng (321,13 ha trồng trên đất trống và 728 ha trồng trên đất rừng kinh tế nghèo kiệt) ở các địa bàn Bảo Lâm 92 ha, Di Linh 74 ha, Đà Lạt 156 ha (trên đất trống), Đạ Tẻh 628 ha, Đơn Dương 100 ha (trên diện tích rừng kinh tế nghèo kiệt). Đó là mặt được. Tuy nhiên con số chỉ mới có 259/496 doanh nghiệp đầu tư liên quan tới rừng và đất rừng triển khai hoạt động, 58 doanh nghiệp chi trả tiền thuê rừng và đất rừng với tổng số tiền 700 triệu đồng và 40 nhà đầu tư bị thu hồi dự án cho thấy một thực tế là có nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư và được UBND tỉnh quyết định cho thê rừng và đất rừng chưa có đủ năng lực tài chính, tiềm năng lao động… để triển khai dự án, từ đó dẫn tới tình trạng không quản lý và bảo vệ có kết quả rừng và đất rừng được giao hoặc được thuê… dẫn tới tài nguyên rừng bị xâm hại nặng, thậm chí mất rừng. Đây là những vấn đề nội cộm cần được thực sự quan tâm.
Đức Hưng

Đọc thêm