Sau một loạt clip học sinh đánh nhau được tung lên mạng, nhiều ý kiến cho rằng việc giáo dục đạo đức cho học sinh đang bị buông lỏng.Nhiều người, kể cả giáo viên, đều ngậm ngùi khi nói về mức độ tận tâm của giáo viên chủ nhiệm thời nay...
|
Học sinh một trường THPT ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên |
May và rủi...
Anh Kh. là phụ huynh của cháu N.H, học sinh lớp 9A5 trường THCS Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội). Cách đây khoảng hai tháng, anh được cô D.H, giáo viên chủ nhiệm mời đến gặp để chia sẻ một số thông tin liên quan tới cháu N.H. Qua trò chuyện với một số bạn trong lớp, cô giáo D.H biết cháu N.H đã có một vài buổi không về nhà ngay sau khi tan học mà đi chơi điện tử.
Sau buổi gặp gỡ với cô giáo chủ nhiệm, anh Kh. bắt đầu sử dụng một số biện pháp nhằm quản lý con mình chặt chẽ hơn về thời gian và tiền bạc. Chẳng hạn, thay vì cho con tiền để ăn quà thì anh buộc cháu phải ăn sáng ở nhà trước khi đi học.
Để tránh việc cháu về nhà quá muộn hay ra khỏi nhà quá sớm, mỗi lần đi học về hoặc trước khi đi học thêm, cháu N.H đều phải gọi điện cho bố từ số cố định ở nhà.
Dịp Tết vừa rồi, khi cho cháu một số tiền để mừng tuổi các bạn trong lớp, anh Kh. cũng thông báo với cô giáo chủ nhiệm để nhờ cô để ý việc này... “Cô D.H là một giáo viên chủ nhiệm rất tận tâm và thấu hiểu học trò. Trong bốn năm qua, hầu như mọi biểu hiện sa đà của con tôi trong học tập cũng như trong các hoạt động vui chơi, cô đều phát hiện sớm và thông báo cho tôi rất kịp thời”, anh Kh. chia sẻ.
Tuy nhiên anh Tr., một người hàng xóm của anh Kh. thì không may mắn như vậy. Cách đây 5 năm, cháu Th. con trai anh Tr. (lúc đó là học sinh lớp 8 trường THCS Ngọc Lâm) bắt đầu có những bước trượt ngã đầu tiên. Suốt hai tháng liền, trong lúc các bạn ngồi trong lớp học thêm do nhà trường tổ chức thì cháu Th. ngồi chơi điện tử bằng tiền bố mẹ cho để đi học thêm.
Anh Tr. ngậm ngùi: “Suốt hai tháng liền tôi cứ đinh ninh cháu đi học thêm từ 1 giờ 30 đến 4 giờ chiều. Đến khi họp phụ huynh, cô giáo cho biết cháu không tham gia lớp học thêm thì tôi bàng hoàng”.
Tuy nhiên, anh Tr. cho rằng cũng không thể trách được giáo viên chủ nhiệm vì cháu bỏ học vào giờ cô giáo không có trách nhiệm quản lý. “Kể ra cô mà gần gũi với học trò thì sẽ nghe các bạn kháo nhau bạn Th. thế này, bạn Th. thế kia. Nhưng giáo viên chủ nhiệm thời buổi này mấy ai để ý tới từng học trò như thế!’, anh Tr. chép miệng.
Công việc của giáo viên chủ nhiệm là thu tiền?
Theo nhận xét của nhiều phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm thời nay không tận tâm với học trò như thời họ còn là học sinh. Những giáo viên chủ nhiệm tốt như trường hợp cô D.H mà chúng tôi nói ở phần trên cũng có nhưng không phải là đa số.
Thông thường mỗi khối học của một trường chỉ có một vài giáo viên chủ nhiệm có sự quan tâm sâu sắc tới sự tiến bộ của từng học trò. Đặc biệt, càng lên cấp học cao hơn, sự quan tâm của giáo viên chủ nhiệm đối với học trò càng có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên cũng như cán bộ quản lý giáo dục, để đánh giá hiệu quả công tác chủ nhiệm của một giáo viên là rất khó.
Chẳng hạn, về vụ nữ sinh trường THPT Trần Nhân Tông bị đánh, khi dư luận đặt vấn đề trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm thì hiệu trưởng nhà trường cho rằng giáo viên chủ nhiệm đã thực hiện đủ, khi phát hiện học sinh nghỉ không phép và đánh nhau thì đã báo cho gia đình.
Nhưng việc giáo viên chủ nhiệm chưa kịp nắm gia cảnh của từng em trong lớp (với lý do giáo viên đưa ra là mới tiếp quản lớp được 20 tuần!) thì không được nhắc tới! Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng cô giáo chỉ biết học sinh nghỉ học không phép vào cuối ngày hôm sau (và vì có vụ đánh nhau) là khá muộn.
Không dám đòi hỏi cao trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm cũng là thái độ chung của nhiều cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Theo họ, để buộc giáo viên chủ nhiệm hiểu sâu sát và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt như điều lệ trường trung học là rất khó trong hoàn cảnh giáo dục hiện nay.
“Cả tuần giáo viên chủ nhiệm chỉ có 4 tiết cho công tác này, trong đó mất hai tiết chào cờ và sinh hoạt lớp. Với hai tiết còn lại chỉ đủ để giáo viên chủ nhiệm giải quyết những sự vụ lặt vặt, thời gian đâu để họ quan tâm, tìm hiểu sâu sát từng học sinh. Do đó, chủ nhiệm là một công việc mà phần lớn giáo viên nếu được lựa chọn sẽ thoái thác”, một hiệu trưởng tâm sự.
Nhiều giáo viên cũng cho rằng chỉ trích giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh đánh nhau của trường Trần Nhân Tông là không công bằng bởi tình trạng giáo viên chủ nhiệm biết lơ mơ về học sinh của mình là điều khá phổ biến trong các trường THPT công lập.
Một phụ huynh có con học lớp 12 trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng kể: “Năm lớp 10 con tôi vốn học một trường công lập. Hàng ngày cháu đi chơi nhưng nói dối tôi là đi học. Một tháng sau giáo viên chủ nhiệm mới thông báo cho tôi tình trạng này”.
Mặt khác, hầu hết phụ huynh đều không dám đòi hỏi cao sự quan tâm một cách vô tư của giáo viên chủ nhiệm dành cho con mình. Việc giáo viên chủ nhiệm thỉnh thoảng đến thăm nhà học sinh như nhiều chục năm trước đây là điều gần như không bao giờ xảy ra.
Thậm chí, trong dư luận phụ huynh có rất nhiều ý kiến tiêu cực về vai trò của giáo viên chủ nhiệm, cho rằng giáo viên chủ nhiệm là chỉ để thu tiền hoặc thông báo kế hoạch dạy thêm của nhà trường.
Theo Tiền Phong