Hai lần sa thải
Ngày 31/7, TAND TP Biên Hòa mở phiên tòa xét xử vụ việc thầy giáo kiện nhà trường vì cho thôi việc. Người thầy đi kiện tên Hồ Văn Lương (SN 1980, trú phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa).
Theo đơn kiện, ông Lương làm việc tại Trường công lập THPT Lê Hồng Phong (TP Biên Hoà) trong nhiều năm. Trong 12 năm giảng dạy tại trường, ông không hề vi phạm và luôn là một giáo viên giỏi. Thế nhưng, tháng 6/2016, ông Trương Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong đã ký quyết định kỷ luật buộc thôi việc ông Lương vì cho rằng giáo viên này vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Giáo dục, điều lệ của trường. Cụ thể, ông Lương không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong thực hiện hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Do không đồng tình với quyết định trên, ông Lương làm đơn khiếu nại quyết định buộc thôi việc lên Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai. Sau đó, Sở đã có câu trả lời “chưa đủ cơ sở kết luận ông Lương gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Vì vậy,quyết định trên không phù hợp, yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường hủy, đồng thời đề nghị xử lý ông Lương theo Nghị định 27/2012 của Chính phủ.
Tưởng chừng như vụ việc đã êm xuôi, ông Lương có thể đi dạy bình thường như cũ. Thế nhưng đến ngày 7/12/2016, Hiệu trưởng Sơn tiếp tục ra quyết định buộc thôi việc với ông Lương do “đã nhận nhiều hình thức kỷ luật” gồm: Khiển trách vì có hành vi vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo, cảnh cáo vì vi phạm quy định dạy thêm, học thêm, cảnh cáo do không chấp hành sự phân công của lãnh đạo gây ảnh hưởng đến công việc chung. Kể từ đó đến nay, ông Lương đã bị trường đuổi việc và rong ruổi trên khắp mọi phiên tòa để đi đòi lại việc làm cho mình.
Rối khi áp dụng luật
Sau 5 lần xét xử (3 lần mời bị đơn không lên, 1 lần đang xét hỏi tạm ngưng), TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) bác đơn của ông Hồ Văn Lương kiện quyết định buộc thôi việc của Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, xác định phía nhà trường có cơ sở khi ban hành quyết định này.
Tại phiên tòa, ông Lương phủ nhận những vi phạm nhà trường cáo buộc. Ông cho rằng quyết định kỷ luật buộc thôi việc là trái pháp luật. Theo ông Lương, nhà trường không có bằng chứng, có nhiều tình tiết vu khống ông vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo, việc dạy thêm chưa có biên bản ghi nhận xử lý của cấp có thẩm quyền là UBND TP Biên Hòa hoặc Sở GD&ĐT như quy định.
Trong khi đó, luật sư đại diện cho hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong khẳng định quyết định kỷ luật đối với ông Lương là đúng pháp luật. Dẫn Nghị định 27/2012 của Chính phủ, đại diện VKS TP Biên Hòa (VKS) cho rằng, thời điểm phát hiện sai phạm của ông Lương (ngày 29/2/2016) đến khi ra quyết định kỷ luật (ngày 7/12/2016) đã quá thời hạn xử lý 9 tháng 7 ngày. Tuy nhiên, nhà trường vẫn không có quyết định kéo dài việc xử lý kỷ luật.
Cũng theo VKS, quá trình Trường THPT Lê Hồng Phong xử lý kỷ luật ông Lương đã không tuân thủ quy định của pháp luật, VKS đề nghị tòa chấp thuận đơn kiện của thầy giáo và đề nghị Trường THPT Lê Hồng Phong nhận ông Lương làm việc trở lại. Tuy nhiên, quan điểm này của VKS đã không được toà chấp nhận.
Theo quan điểm HĐXX, ông Lương có hành vi dạy thêm, không chấp hành sự phân công của lãnh đạo nhà trường. Mặt khác, Điều 53 Luật Viên chức năm 2010 quy định, thời hạn xử lý kỷ luật từ khi phát hiện đến lúc ra quyết định là 24 tháng. Theo đó, Trường THPT Lê Hồng Phong có cơ sở khi ra quyết định buộc thôi việc ông Lương.
Điều trớ trêu trong vụ kiện trên là sự “vênh nhau” khi áp dụng pháp luật. Phía VKS viện dẫn Nghị định 27/2012 của Chính phủ quy định thời hạn kỷ luật viên chức là 2 tháng cùng với nhiều lập luận khác để yêu cầu toà chấp nhận đơn kiện của thầy giáo. HĐXX lại dẫn Luật Viên chức 2010 quy định thời hạn xử lý kỷ luật viên chức là 24 tháng cùng nhiều điều khoản khác để bác đơn kiện. Trong khi Sở GD&ĐT yêu cầu nhà trường xem xét kỷ luật theo Nghị định 27/2012.
Xáo trộn một gia đình
Cầm tập giấy đi kiện trên tay, ông Lương kể về những việc đầy gian truân mà ông phải trải qua kể từ khi bị cho nghỉ việc. 12 năm trước, sau khi tốt nghiệp ở một trường đại học, ông Lương về công tác tại Trường THPT Lê Hồng Phong, giảng dạy môn Hóa học. Ngày ngày, ông đi dạy sau đó cưới vợ công tác cùng trường. Đến năm 2014 thầy giáo Lương được vào biên chế, tưởng chừng như công việc đã ổn định nhưng 2 năm sau, một “tai họa” ập đến gia đình ông để rồi ông phải mất việc.
Người ký quyết định kỷ luật ông, Hiệu trưởng Trương Văn Sơn, mới về trường giữ chức hiệu trưởng từ năm 2015. “Người ta gán ghép cho tôi là vi phạm đạo đức vì chửi mắng học sinh, rồi dạy thêm, vi phạm hợp đồng,… nhưng tôi nào có làm những việc đó bao giờ”- ông Lương uất nghẹn.
Sau khi khiếu nại lên Sở GD&ĐT, được Sở yêu cầu trường hủy bỏ quyết định, ông thấy mừng, nhưng ai ngờ sau đó nhà trường vẫn ra quyết định mới, buộc ông phải nghỉ việc.
Sau khi HĐXX đọc kết luận vụ việc, ông Hồ Văn Lương ôm vợ tên Hoàng Hải Thùy bật khóc. Trong gần hai năm và 5 lần bước tới tòa án bên cạnh ông là người vợ luôn lặng lẽ theo phía sau người chồng yếu thế. Giấu nghẹn nỗi lo toan trên gương mặt, người đàn bà tuổi 35 luôn động viên chồng tiếp tục theo đuổi vụ việc.
Ông Lương kể: “12 năm làm nghề, tôi luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình, chưa hề gây tiếng xấu, phiền hà với ai trong trường. Thế mà nhà trường lại vu khống tôi vào những việc xấu trong nghề giáo mà sa thải tôi”.
Người vợ rơm rớm nước mắt nhìn chồng, nén tiếng thở dài. Năm con người bây giờ chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của bà, người mẹ già ốm đau quanh năm, đứa út lên 5 tuổi mà chưa đi học mẫu giáo vì không có tiền. Ông Lương lại thở dài, bất lực với hành trình 2 năm đi kiện, nhưng ông cho biết sẽ làm thủ tục kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.