Đầu tháng 7, không khí xuống đồng làm mùa ở xã Giao Yến (Giao Thuỷ) khá sôi động. Hơn 12ha lúa mùa sớm cấy xong cuối tháng 6 đã bén rễ hồi xanh. Những cánh đồng khác máy cày đang bừa ngả, nước lênh láng… Những thửa ruộng vuông vức đã bừa xong đang ngâm nước cho ngả ngấu. Trong xóm, những vuông mạ đã xanh, đang được tưới nước, phun thuốc trừ rầy. Đồng chí Đoàn Văn Đồng, chủ nhiệm HTXNN Giao Yến cho biết: Bị thiệt hại do bệnh lùn sọc đen (LSĐ) trên lúa nên nông dân chúng tôi rất cảnh giác và tổ chức phòng ngừa tích cực, theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh…
HTXNN thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) chuẩn bị hơn 30 tấn phân tổng hợp và thuốc phòng trừ sâu bệnh cung ứng cho xã viên sản xuất vụ mùa.
Ảnh: Dương Đức
|
Vụ mùa năm 2009, bệnh LSĐ đã xuất hiện trên lúa của xã Giao Yến. Diện tích lúa lụi không trỗ được, không cho thu hoạch lên tới 120ha, chiếm trên 33% diện tích lúa cấy, sản lượng giảm ước trên 660 tấn thóc. Xã đã được Nhà nước hỗ trợ trên 34 tấn gạo và trên 280 triệu đồng. Ban Nông nghiệp xã (BNNX), HTX chỉ đạo các biện pháp như tiêu huỷ nguồn bệnh, vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc trừ rầy… Vụ lúa xuân 2010, trong các ngày 18, 19-3-2010, xã Giao Yến lại phát hiện những khóm lúa bị bệnh LSĐ trên cánh đồng. Phát hiện buổi sáng, đến chiều 100% diện tích nhiễm bệnh đã được nông dân nhổ vùi cây bệnh xuống ruộng và toàn bộ diện tích được phun thuốc trừ rầy. Các hội nghị đầu bờ của huyện Giao Thuỷ, của tỉnh đã tổ chức ngay sau đó, bàn biện pháp phòng, chống bệnh LSĐ trên lúa. Do phát hiện sớm và có các biện pháp tiêu huỷ nguồn bệnh, diệt trừ rầy hữu hiệu nên năng suất lúa vụ xuân 2010 của xã vẫn đạt trên 70 tạ/ha.
Từ bài học trên, ngay từ khi thu hoạch lúa xuân UBND xã, trực tiếp là BNNX và HTX chỉ đạo nông dân thu hoạch nhanh lúa, làm vệ sinh đồng ruộng, thu gom triệt để rơm rạ và cày lật đất sớm… không để mầm bệnh lưu truyền cho vụ mùa. Về cơ cấu giống, UBND xã chỉ đạo 30% diện tích cấy giống lúa lai, chủ lực là Thiên ưu 1025 và một phần VQ14; 70% diện tích cấy lúa thuần; trong đó tập trung cho cấy các giống BC15, nếp N97 và Nàng Xuân. Hạn chế tối đa giống lúa BT7 (thuần) và không đưa vào cơ cấu cấy lúa lai TH3-3 do nhiễm rầy, nhiễm bệnh LSĐ nhiều. Vụ mùa năm 2009, toàn xã cấy tới 45% diện tích bằng lúa BT7, vụ mùa này BT7 chỉ còn khoảng 15%. Đây là thành công của Giao Yến trong bố trí cơ cấu giống để từng bước loại bỏ các giống lúa nhiễm rầy, mẫn cảm với bệnh LSĐ. Trước khi gieo mạ, BNNX đã cùng với lực lượng bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn cho nông dân cách phòng ngừa bệnh LSĐ, nhất là dùng thuốc Cruise Plus 312.5FS để xử lý hạt giống trước khi gieo; dùng thuốc diệt cỏ và các loại thuốc lưu dẫn phun các bờ ruộng để diệt mầm bệnh và diệt rầy di trú; cách che mạ không cho rầy di trú xâm nhập, phun "tiễn mạ" trước khi đưa đi cấy 2-3 ngày… 80% giống lúa của xã trước khi gieo mạ được xử lý bằng thuốc Cruise Plus 312.5FS, tất cả những vuông mạ nền chưa xử lý thuốc đều được phun thuốc Actara 25WG trừ và diệt rầy di trú và đã chuẩn bị đủ thuốc lưu dẫn Actara phun cho mạ trước khi đưa đi cấy. Do dùng 100% mạ nền để cấy nên tất cả diện tích mạ gieo, kể cả mạ dự phòng trong toàn xã đều được xử lý và quản lý tốt.
Hiện tại, UBND xã quy định chỉ có 3 quầy thuốc bảo vệ thực vật (1 quầy của HTXNN, 2 quầy của tư nhân đều có đủ điều kiện và nhiều năm nay cung ứng thuốc tốt, đúng chủng loại) phải bảo đảm đủ thuốc tốt cung cấp cho nông dân. Lực lượng chuyên môn của BNNX, cùng với HTXNN tổ chức cho nông dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh, đặc biệt là bệnh LSĐ bằng cách: kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, phát hiện sớm sâu bệnh; cùng với lực lượng bảo vệ thực vật của tỉnh, huyện dự báo chính xác các lứa sâu, rầy để phun trừ đúng thời điểm. Dùng đúng thuốc, phun đúng thời điểm và phun đồng loạt, không để sót, lọt, nhưng cũng không lạm dụng quá nhiều lần phun thuốc bảo vệ thực vật.
Khẳng định bệnh LSĐ vẫn tiềm ẩn và gây hại trên lúa mùa năm 2010, xã Giao Yến đang thực hiện mọi biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh và nhanh chóng xử lý triệt để khi bệnh xuất hiện nhằm giảm thấp nhất những thiệt hại, quyết tâm giành vụ lúa mùa thắng lợi./.
Tất Thắc