Giật mình giá vé ca nhạc

Bên cạnh những chương trình ở các tụ điểm bình dân, giá vé xem ca nhạc đang leo thang đến chóng mặt.
Bên cạnh những chương trình ở các tụ điểm bình dân, giá vé xem ca nhạc đang leo thang đến chóng mặt.
Chương trình với giá vé 2,5 triệu đồng
 của Lưu Bích chưa làm thỏa mãn người xem 
về chất lượng - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Cao ngất ngưởng

Mức 2,5 triệu đồng/vé là giá đội trần (giá gốc) xem ca nhạc hiện giờ - trong buổi diễn của Lưu Bích mới đây tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM. Ấy vậy mà, nhà hát không còn một chỗ trống. Trước giờ mở màn, một chiếc vé hạng 3 với giá gốc 2 triệu đồng, phe vé “hét” thành 3,5 triệu đồng và nhiều người rút ví mua không cần nghĩ ngợi.

Phải khẳng định giá vé này thuộc hàng cao nhất vì chưa từng có ca sĩ nào làm chương trình ở Việt Nam dám đưa ra mức vé cao như thế. Hai năm trước, live show của nhạc sĩ Phú Quang, Hồng Nhung - Quang Dũng, hay Tuấn Ngọc, giá vé 1 triệu đồng đã được xem là “cắt cổ”. Nhưng hiện nay, giá ấy được xem là đã “cùn” và giờ đây tiếp tục tăng như vũ bão. Bởi ngay sau đó, giá vé đã tăng lên 1,2 triệu đồng cho live show Nối vòng Việt Nam của ca sĩ hải ngoại Khánh Hà, 1,4 triệu đồng cho Minh Tuyet in Viet Nam của Minh Tuyết, 1,5 triệu đồng với chương trình của Phú Quang Cho một tình yêu, 1,6 triệu - 2 triệu đồng ở chuyến biểu diễn xuyên Việt Người tình của Đàm Vĩnh Hưng.

Phải biết sợ khán giả để không bao giờ phải nghe phàn nàn rằng: tôi đã ân hận vì mua vé xem đêm nhạc của ông! - Nhạc sĩ Phú Quang

Sắp tới, live show Yêu của Tùng Dương và Thanh Lam diễn ra tối 27 - 28.11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với giá vé cao nhất là 1,5 triệu đồng. Hỏi về khả năng khán giả có bỏ tiền ra để đến xem, ca sĩ Tùng Dương cho biết: “Nếu so sánh với một số đêm nhạc khác như Phú Quang hay Lê Minh Sơn thì giá vé 1,5 triệu chưa phải là cao. Tôi nghĩ một khi khán giả đã thực sự yêu mến Thanh Lam và Tùng Dương, họ sẽ không ngại bỏ tiền ra mua vé để được hòa mình vào không gian âm nhạc của chúng tôi". Còn nhạc sĩ Phú Quang tin tưởng: “Khán giả đủ thông minh để không bị "lừa" bởi những chiêu thức này nọ. Nguyên tắc của tôi đó là, phải biết sợ khán giả để không bao giờ phải nghe phàn nàn rằng: tôi đã ân hận vì mua vé xem đêm nhạc của ông!”.

Đẳng cấp thể hiện qua giá vé?

Từ vé bán thành... vé mời

Không phải chương trình nào cũng gặp may kín khán giả như buổi diễn của Lưu Bích. Nhiều chương trình khác, như của Tuấn Ngọc, Khánh Hà ở Hà Nội… đều không thành công về khán giả như dự kiến. Có buổi diễn còn thảm bại chỉ tại giá vé, khán giả dù yêu thích cũng chùn tay trước giá vé ngất ngưởng, để rồi cuối cùng, người ta phải “quy đổi” thành vé mời cho đầy khán phòng.

Giá vé cao thể hiện chương trình ấy có sự đầu tư lớn. Không ít nhà tổ chức vẫn than vãn về chi phí làm chương trình hiện nay, và họ phải tốn kém nhiều với những khoản đầu tư cho âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu, các màn hình LED hiện đại hay giá thuê khán phòng, giá của một đạo diễn tên tuổi và ê-kíp...

Chuyện thuận mua vừa bán là bình thường, và khán giả mua vé rõ ràng có quyền đòi hỏi chương trình ấy phải đạt giá trị tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra. Thế nhưng, vẫn có trường hợp giá vé cao không đồng nghĩa với việc chất lượng chương trình “đặc biệt” như giá. Chương trình nào cũng hứa hẹn “đảm bảo mang đến cho khán giả một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn”, nhưng đôi khi lại diễn ra hết sức tẻ nhạt, sơ sài; hoặc những đầu tư tốn kém ấy không mang lại hiệu quả nghệ thuật chất lượng như mong muốn. Từ buổi diễn của Minh Tuyết cho đến Lưu Bích mới đây, khán giả xem xong thấy chưng hửng, hụt hẫng. Chương trình Lưu Bích với thiết kế sân khấu đơn giản, một kiểu không biến ảo suốt hơn 20 tiết mục và sân khấu liên tục bị “chết” bởi phải chờ ca sĩ chính thay đồ.

Nhiều người trong giới nghệ sĩ cho rằng ca sĩ đôi khi muốn thể hiện đẳng cấp của mình qua giá vé và việc bán vé giá "cắt cổ" được coi như thành tích trong lý lịch ca hát của họ.

Theo Thanh Nien Online

Đọc thêm