Giật mình khi “soi” gameshow

(PLO) - Hiện trên truyền hình có đến hơn 40 gameshow đang phát sóng, một con số làm chúng ta giật mình. Liệu truyền hình đang có quá nhiều món ăn giải trí khi mà mỗi chương trình xong rồi thôi, không tìm kiếm được chút giá trị nhân văn.
Đã qua rồi cái thời 2006, 2007 truyền hình có rất ít những gameshow, cuộc thi tìm kiếm tài năng, nhưng đã lên sóng là thu hút được đông đảo người xem và giành được nhiều phản hồi tốt đẹp. Bây giờ khán giả gần như “bội thực” vì có hơn 40 gameshow lớn, nhỏ nằm rải rác tất cả các kênh từ quốc gia đến địa phương. 
Mặc dù cung đã có được một lượng khán giả riêng cho mình nhưng “mô típ” lặp đi lặp lại cùng những chiêu trò đã khiến các gameshow ngày càng mất điểm trong mắt công chúng. 
Bên cạnh đó, nhiều gameshow  lôi kéo khán giả bằng những nhân vật kỳ dị như trong tập 4 của “Thách thức danh hài” mùa thứ 2, Kenny Sang đã khiến mọi người choáng váng khi bước lên sân khấu trong trang phục hết sức rườm rà và sặc sỡ kéo theo cả một đoàn người “nâng khăn sửa áo” cho mình lên sân khấu. Trước đó, chương trình cũng đã có sự xuất hiện của Lệ Rơi… 
Một chương trình truyền hình có sự xuất hiện của những kẻ “gây cười bằng những chiêu trò lố bịch” thì liệu nhà đài có quá dễ dãi trong việc sàng lọc tài năng để đưa lên truyền hình không? Vô tình cổ súy cho những con người không có năng lực sẽ tạo cho giới trẻ lối suy nghĩ: “Cứ nổi tiếng bằng chiêu trò như Kenny Sang, Lệ Rơi… rồi cũng có ngày được lên sóng truyền hình”…
Nếu như 10 năm trước, thời kì cực thịnh của “Sao Mai điểm hẹn”, “Ngôi sao Tiếng hát truyền hình”, “Sao Mai” đã đưa đến cho nền âm nhạc nước nhà những giọng ca vàng như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Hà Anh Tuấn… để sau bao nhiêu năm, họ vẫn làm nên những điều mới mẻ bằng những cống hiến chuyên môn của mình thì bây giờ, các cuộc thi như “Giọng hát Việt” hay “Vietnam Idol” dẫu là cuộc thi thu hút được đông đảo công chúng nhưng chất lượng thí sinh thì nhạt dần theo thời gian. 
“Bữa tiệc” truyền hình với quá nhiều “món ăn” gameshow đang làm loãng đi tính giải trí vốn có của truyền hình. Thiết nghĩ, những giải thưởng tiền triệu, trăm triệu ấy nếu đem đầu tư vào các chương trình kiến thức, tìm kiếm tài năng tri thức, nhân tài thật sự có thể phát triển trong tương lai sẽ mang lại ý nghĩa cho công chúng hơn là dành tiền thưởng đấy cho vài ba kẻ “nhố nhăng”. Những chương trình ấy kết thúc, chẳng đọng lại gì cho khán giả cũng không có giá trị nhân văn, giáo dục, chắp cánh tài năng. 
Và cũng đến lúc, truyền hình nên chọn lọc hơn những chương trình có tính nhân văn để phát trên sóng quốc gia ở những khung giờ có nhiều thế hệ trẻ xem. 

Đọc thêm