"Giật mình" khi triển khai phạt vi phạm hành chính đường bộ

Sau hơn 3 tháng thực hiện, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải gấp rút xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 34/2010/NĐ-CP vì những bất cập trong quá trình thực thi…

Bắt đầu triển khai từ ngày 20/5/2007, mặc dù được đánh giá khá tích cực, nhưng chỉ sau hơn 3 tháng thực hiện, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải gấp rút xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 34/2010/NĐ-CP vì những bất cập trong quá trình thực thi…

“Giật mình” vì tiếng còi hơi

Đó là tâm trạng của các nhà làm luật của Nghị định 34. Sự “giật mình” này đến từ cái chết thảm của bé gái 2 tuổi dưới bánh xe bồn trên đường Kha Vạn Cân (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM) ngày 14/6/2010. Mẹ cháu - chị Lê Thị Loan (31 tuổi) chỉ vì giật mình bởi  tiếng còi hơi của chiếc xe bồn chạy phía sau mà đã thắng gấp và đổ xe. Người mẹ ngã vào lề nên thoát nạn, còn bé gái 2 tuổi con chị rơi ra phía ngoài và tử vong dưới bánh xe bồn.

gdfh
Bé gái 2 tuổi chết thảm vì tiếng còi hơi ở đường Kha Vạn Cân. Ảnh minh họa.

Một sự việc nữa cũng khiến các nhà làm luật của Nghị định 34 “giật mình”, đó là những cái chết trong sợ hãi và bất lực cùng cực của những hành khách chuyến xe khách định mệnh trong đợt mưa lũ tại Hà Tĩnh cách đây không lâu.

Họ chết vì sự liều lĩnh, vô trách nhiệm của lái xe trong đêm mưa lũ đã đành, nhưng cũng chết vì sự vắng mặt của các thiết bị giúp thoát hiểm trên xe như búa, bình cứu hỏa là những vật dụng có thể khả dĩ giúp họ đập vỡ kính cửa xe hòng thoát ra ngoài.

Nghĩ cho nhẹ lòng

Ngày 1/12 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức họp cho ý kiến về tờ trình và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Một số nội dung dự kiến bổ sung, sửa đổi trong NĐ 34
- Điều khiển ôtô không có dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy: mức phạt 300.000-500.000 đồng.
- Điều khiển ôtô lắp còi có âm lượng vượt quá âm lượng theo quy định: mức phạt 2-3 triệu đồng.
- Người điều khiển ôtô đầu kéo sơmi rơmoóc không có giấy phép lái xe hạng FC bị xử phạt kể từ ngày 1-7-2011. Mức phạt 2-3 triệu đồng.
- Người điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình hoặc thiết bị không hoạt động theo quy định bị xử phạt kể từ ngày 1/7/2012. Mức phạt 2-3 triệu đồng…

Theo đó, bên cạnh những hạn chế bộc lộ trong quá trình thực hiện, thời gian qua đã xuất hiện một số hành vi vi phạm mới gây bức xúc cho dư luận nhưng chưa có chế tài xử phạt, điển hình như việc lắp còi hơi vượt quá âm lượng cho phép, ôtô thiếu dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy…

Khi biết được chuyện Nghị định 34 - “áo” mặc chưa đầy năm đã sửa này, nhiều người dân đã bày tỏ ý kiến thắc mắc rằng tại sao phần lớn những nguyên nhân khiến các nhà làm luật “giật mình” phải sửa luật đâu phải là chuyện hiếm hay hy hữu gì. Ngược lại, nó xảy ra tương đối nhiều trong thực tiễn giao thông đường bộ.

Thế nhưng, Nghị định 34 không hề đề cập đến chuyện còi hơi vượt quá âm lượng cho phép mà mới chỉ dừng lại ở quy định “phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư”.

Còn với việc ôtô thiếu dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy thì chính ông Nguyễn Văn Công, người phát ngôn kiêm Chánh Văn phòng Bộ GTVT, khi trả lời báo giới về những nội dung sửa đổi bổ sung cho NĐ 34 cũng đã thừa nhận “Đa phần xe khách hiện nay không trang bị hoặc trang bị đối phó các thiết bị thoát hiểm”.

Quay lại với câu hỏi thắc mắc của người dân, quả là khó trả lời ngay cả với chính những nhà làm luật. Vậy, thì cứ nghĩ rằng “muộn còn hơn không” cho nhẹ lòng.

Hồng Minh  

Đọc thêm