Giật mình thực trạng lỗi chính tả tiếng Việt

Sáng 28/7,  Viện Công nghệ Thông tin (ĐHQGHN), Công ty cổ phần truyền thông và công nghệ VIEGRID đã tổ chức họp báo công bố “Báo cáo tình hình chính tả văn bản tiếng Việt”.

Sáng 28/7,  Viện Công nghệ Thông tin (ĐHQGHN), Công ty cổ phần truyền thông và công nghệ VIEGRID đã tổ chức họp báo công bố “Báo cáo tình hình chính tả văn bản tiếng Việt”.Sự lộn xộn của chính tả Việt Trong buổi công bố, GS.TS  Trần Trí Dõi - Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cũng đã nhận định rằng, sau hơn sáu mươi năm trở thành chữ viết chính thức, cho đến nay chữ Quốc ngữ vẫn còn chưa được sử dụng thật sự thống nhất trong cộng đồng sử dụng tiếng Việt. Cụ thể, chỉ tính từ năm 1984 cho đến 2006 đã có tới 6 qui định về chuẩn chính tả nhưng vẫn không khắc phục được các lỗi sai cơ bản. GS.TS Trần Trí Dõi dẫn ra một số vị dụ: Ở thành phố Nha Trang, có một trường trung học với bảng tên gọi ở cổng trường là “Lý Tự Trọng”. Nhưng sau Quyết định 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ Giáo dục về “chính tả” thì trong sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, giáo viên và học sinh lại có thể viết là “Lí Tự Trọng”… Chính những điều này sẽ tạo cho học sinh tư tưởng muốn viết như thế nào thì viết và không tin tưởng vào sự chuẩn xác của sách giáo khoa nữa.
GSTS-TranTriDoi.jpg
GS.TS Trần Trí Dõi ( Khoa Ngôn ngữ học, ĐH KHXH&NV) đặt ra các vấn đề của chính tả tiếng Việt hiện nay (Ảnh: Phạm Thịnh)
Vừa qua ở Lễ hội đền Hùng, nhiều người bất ngờ khi thấy các chữ “bánh trưng” và “bánh giày” có trên phông chữ chính thức của hội liên hoan nghệ thuật. GS.TS Trần Trí Dõi đã đặt ra câu hỏi: “Liệu người làm có nghĩ rằng đó là họ đã làm “sai chính tả” tiếng Việt hay không? Và điều quan trọng là có bao nhiêu người trong hàng vạn người đi hội đền Hùng “đọc” được những chữ này và nhận ra là sai chính tả?”. Theo GS.TS Trần Trí  Dõi, để có thống nhất trong chuẩn chính tả thì phải có quy định pháp lý rõ ràng (luật ngôn ngữ) về chính tả. Bên cạnh đó thì cần sản xuất các công cụ công nghệ thông tin, sách công cụ có khả năng chỉ và chỉnh sửa các lỗi sai hiệu quả. Và cuối cùng là giáo dục trong nhà trường phải có sự thống nhất trong chuẩn mựcBáo chí truyền thông mắc lỗi chính tả cao nhất Trước khi đánh giá chất lượng chính tả văn bản tiếng Việt, nhóm tác giả đã tiến hành một cuộc điều tra nhỏ trong hai nhóm chuyên gia ngôn ngữ và chuyên gia CNTT: Nhóm chuyên gia ngôn ngữ yêu cầu tỷ lệ lỗi chính tả trong văn bản Việt phải là dưới 1%. Nhóm chuyên gia CNTT chấp nhận tỷ lệ này trong khoảng 2,5-5%. Cả hai nhóm chuyên gia đều nhất trí cho rằng báo chí và truyền thông có trách nhiệm nhiều nhất đối với tình hình chính tả tiếng Việt. Tuyệt đại đa số các chuyên gia cũng cho rằng tỷ lệ 10% là ngưỡng báo động đối với các lỗi chính tả và 30% là ngưỡng mà một lỗi chính tả đã trở thành một cách viết có thể đồng thời được chấp nhận.
hopbao.jpg
Họp báo đã thu hút sự quan tâm của rất đông các nhà khoa học và báo giới
Đợt xếp hạng này đã đánh giá 177 đơn vị và xếp hạng 132 đơn vị (theo trang web xephangvanban.com) bao gồm 7 khu vực: 1) Bộ và Văn phòng Trung ương; 2) Ủy ban nhân dân Tỉnh và Thành phố trực thuộc Trung ương; 3) Cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc Bộ; 4) Đại học và Viện nghiên cứu; 5) Báo chí, nhà xuất bản và cơ quan truyền thông; 6) Doanh nghiệp Việt nam; 7) Tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Nhóm tác giả đã thống kê trên 67.000 mẫu với kết quả cho ra, tỷ lệ lỗi chính tả trung bình của văn bản tiếng Việt là 7.79%, cao hơn nhiều so với mức yêu cầu tối thiểu. Các kết quả đánh giá chi tiết được công bố trên trang Web www.xephangvanban.com cho thấy, tỷ lệ lỗi chính tả cao nhất như sau: “soi mói” 74,33%,“sáng lạn” 41,66%, “cọ sát” 28,38% và “thăm quan” 20,61%.
nhabao.jpg
Nhiều nhà báo tỏ ra khá bất ngờ với những kết quả mới được công bố
Khu vực báo chí và truyền thông có tỷ lệ lỗi chính tả cao nhất, gần mức báo động 10%. Đặc biệt, Đài tiếng nói Việt Nam là cơ quan truyền thông lớn của Chính phủ, có tỷ lệ lỗi hơn 30%, đứng đầu về tỷ lệ lỗi. Khu vực Đại học và Viện nghiên cứu có tỷ lệ lỗi xấp xỉ mức trung bình của xã hội, chưa phát huy được sự mẫu mực và tiên phong trong vấn đề dùng chữ nghĩa. Đặc biệt, cả hai khu vực này đều có các đại diện có tỷ lệ lỗi vượt mức 30%. Khu vực chính quyền địa phương, và các cơ quan thuộc Chính phủ, thuộc Bộ có tỷ lệ mắc lỗi chính tả khá cao. Đặc biệt, có đơn vị có tỷ lệ lỗi gần 40%. Ngay cả các khu vực khá nhất là doanh nghiệp và các Bộ vẫn còn phải tiếp tục cải thiện chất lượng để có thể đạt được mức 1%.
TSNgAiViet.jpg
TS. Nguyễn Ái Việt, Viện phó Viện CNTT (ĐH QGHN) trình bày các kết quả nghiên cứu (Ảnh: Phạm Thịnh)
Kết quả nói trên đã phản ánh tình hình báo động của chính tả tiếng Việt. Ông Nguyễn Ái Việt, Viện phó Viện CNTT (ĐHQGHN) chia sẻ: “Việc công bố xếp hạng này với mong muốn cố gắng giúp toàn thể xã hội và các đơn vị được xếp hạng bước đầu nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề chính tả tiếng Việt. Các đợt đánh giá tiếp sau sẽ được tiến hành 3 tháng một lần và sẽ liên tục được mở rộng về quy mô để hậu thuẫn cho một chiến dịch cộng đồng về quét lỗi chính tả”.
Theo VTC News

Đọc thêm