Giấu lòng vào tiếng nhạc

Phạm Văn Phúc là một nghệ sĩ guitar có tiếng, là một trong những người xây dựng thương hiệu nhóm “Thất cầm” đã trở thành nhóm nhạc huyền thoại của người dân Thủ đô. Cuộc đời ông có nhiều biến cố, như bản nhạc nhiều nốt trầm. Nhưng ông đã dùng tiếng đàn để làm cho mình sống lạc quan hơn.
Phạm Văn Phúc là một nghệ sĩ guitar có tiếng, là một trong những người xây dựng thương hiệu nhóm “Thất cầm” đã trở thành nhóm nhạc huyền thoại của người dân Thủ đô. Cuộc đời ông có nhiều biến cố, như bản nhạc nhiều nốt trầm. Nhưng ông đã dùng tiếng đàn để làm cho mình sống lạc quan hơn.
“Thất cầm” một thuở
Phạm Văn Phúc là con cụ Phạm Văn Hiển, một nhà tư sản có tiếng ở Hà Nội từ hơn 60 năm trước. Tuổi thơ ông êm đềm trôi trong những ký ức đẹp của một công tử Hà thành. 14 tuổi Phạm Văn Phúc bắt nhịp với những thanh âm đầu tiên dưới sự dìu dắt của nghệ sĩ Tạ Tấn. Lúc đầu ông cảm giác học đàn còn là sự bắt buộc nhưng càng về sau ông càng mê và suốt 3 năm bên thầy Tạ Tấn, ông đã học được rất nhiều điều tuyệt diệu trên phím đàn. Từ năm 1956, nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm và Đỗ Trường Giang đã đi “kết nạp” các nghệ sĩ guitar tài tử và làm nên nhóm “Thất cầm”. Nhóm gồm Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Đặng Quang Khôi, Đỗ Trường Giang, Quang Tôn, Nguyễn Tỵ, Phạm Văn Phúc, là những người đã thắp lên phong trào học guitar cho giới trẻ Hà thành vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX.

Nghệ sĩ Phạm Văn Phúc thời trẻ. (ảnh trái)

Thỉnh thoảng những nghệ sĩ của nhóm “Thất cầm” còn sống  ở Hà Nội lại gặp gỡ, chơi guitar và nhớ về một thời. (Nghệ sĩ Phạm Văn Phúc, người ngoài cùng bên trái)

Suốt từ năm 1956 đến năm 1972, họ đã cùng nhau luyện tập và say sưa chơi ở những công trường lao động, thậm chí là ở một góc phố. Từ năm 1973, “Thất cầm” chính thức ra mắt khán giả trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và có nhiều đêm diễn ở rạp. Phạm Văn Phúc luôn cảm thấy mình may mắn trong những năm tháng được tham gia nhóm “Thất cầm”. Nhóm đi biểu diễn khắp nơi, có ngày diễn đến 3 lần. Có lần diễn ở rạp Công nhân, khán giả từ Hải Phòng thuê hẳn một chuyến xe lên tận Hà Nội chỉ để nghe guitar và hôm đó đông quá nên phải đấu loa ra ngoài rạp. Thế rồi nhóm được mời xuống Hải Phòng biểu diễn và có những ngày phải diễn... 3 ca để phục vụ người hâm mộ.

Khi đó, tiếng đàn của họ làm say lòng hàng vạn khán, thính giả Thủ đô, nhiều lớp học đàn được lập nên để đáp ứng nhu cầu của tuổi trẻ. Guitar trở thành loại nhạc cụ phổ biến đối với nhiều người và chơi guitar trở thành thú chơi nghệ thuật giàu bản sắc.

Đến năm 1985, nhóm đi vào thoái trào với nhiều nguyên nhân khác nhau. Nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm trong nhóm lúc này lập ra CLB Guitar cổ điển Hà Nội, ông mời Phạm Văn Phúc cùng tham gia và hoạt động một thời gian dài rất sôi nổi. CLB đáp ứng nhu cầu chơi guitar của đông đảo lớp trẻ Hà thành, đây là nơi sinh hoạt, biểu diễn với sự góp mặt của rất nhiều bạn trẻ nhiệt huyết.

Đam mê một nỗi

Từ năm 1956, Phạm Văn Phúc đã là một thầy đồ guitar. Niềm đam mê chơi, truyền dạy cho các học trò ngấm vào máu ông. Mỗi ngày ông vẫn dành hơn 10 tiếng đồng hồ cho việc chơi và dạy, dường như ngày nào không được ôm đàn thì ông không thể chịu được.

Nhiều lần nghe tiếng đàn của ông, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát viết một lá thư tay giới thiệu ông vào Nhạc viện Hà Nội làm công tác giảng dạy. Nhưng khi ông vào trường thử tay nghề lại không bằng lá thư đó mà từ một giới thiệu khác và khả năng của ông được ghi nhận ngay lần thử thách đầu tiên. 47 tuổi, ông bước vào giảng đường của Nhạc viện quốc gia Hà Nội. Nhưng suốt 15 năm ở đây, ông chỉ là một người dạy theo mùa vụ, không được biên chế, không hợp đồng.

Các nghệ sĩ của nhóm “Thất cầm” dù chơi khá đồng đều, do đã học hỏi lẫn nhau nhưng mỗi người vẫn có một phong cách riêng. Nghệ sĩ Hải Thoại chơi mượt mà, trữ tình, trầm ấm và rất digan; Quang Tôn lại chơi bài bản, lạ lùng, say sưa; Nguyễn Tỵ chơi rất phóng khoáng, thể hiện tính cách thoải mái; Bảo Lâm có kiểu chơi cổ điển, bác học; Trường Giang có tiếng đàn gợi mở, ngọt ngào, ướt át; Quang Khôi chơi quyến rũ và bài bản; Phạm Văn Phúc hơi e dè, nên chơi nhiều bài trầm buồn, có âm điệu day dứt. Mê đàn và yêu đàn như máu thịt, vì thế mà nay đã nghỉ hưu, là một ông già hơn 70 tuổi, có những khi ông vẫn ôm guitar chơi suốt đêm. Hằng tháng, ông và những nghệ sĩ của nhóm “Thất cầm” còn ở Hà Nội lại tụ tập, trò chuyện, chia sẻ những kinh nghiệm và có khi, chỉ để chơi guitar và nhớ về một thời.

Trong nhóm “Thất cầm”, Phạm Văn Phúc là người có cuộc sống vất vả nhất. Vào năm ông vào dạy ở Nhạc viện quốc gia cũng là năm vợ ông, người phụ nữ bao năm chung sống và có với ông 5 mặt con, mắc bệnh và bỏ ra đi không lời từ biệt. Một mình ông gà trống nuôi con. Bao năm, ông một mình lặng lẽ trên căn gác nhỏ tìm tiếng đàn làm bạn. Để có thêm thu nhập, ông đi đánh đàn thuê nếu như có lời mời, thời gian còn lại ông dành để giảng dạy tại nhà.

Nhiều người bạn của ông đã từng khóc khi nghe ông chơi Người ở đừng về, Lagrima hay Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó… Trước cuộc đời, đàn ông ngân lên những tiếng xót xa. Suốt những năm ròng, ông ôm guitar, giấu lòng vào tiếng nhạc, làm bạn với nó và được nó tiếp thêm nghị lực. Hơn 50 năm nay, cây đàn đã đi cùng Phạm Văn Phúc với bao khổ buồn, hạnh phúc. Dù ở đâu, ông cũng chơi guitar nhiệt tình, nhưng trong lòng lúc nào cũng tiếc nhớ nhóm “Thất cầm”.

Nguyễn Văn Học

Đọc thêm