“Giàu tính nhân văn” - Đây là lần đầu tiên sau hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố (từ khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương), cụm từ này được đưa vào dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố. Đó là việc xác định cần “đặt nền tảng cho một thành phố văn minh, hiện đại, giàu tính nhân văn”.
|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ thăm các cháu thiếu nhi tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội thành phố. |
Sau khi nghe đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư kết luận về định hướng lãnh đạo phát triển Đà Nẵng trong buổi làm việc giữa Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Ban Thường vụ Thành ủy (ngày 19-8) nhằm chuẩn bị nội dung Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, trong phần tiếp thu ý kiến, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã nói đến những dự định phát triển một Đà Nẵng có bản sắc rõ ràng. Bên cạnh việc xây dựng một Đà Nẵng “văn minh, hiện đại”, thì vấn đề “giàu tính nhân văn” đã được đề cập.
Đồng chí Bí thư Thành ủy đã nêu lên một ý tưởng của mình: Trước khi đi dự buổi làm việc này, tôi đã đề nghị các ngành, đoàn thể liên quan tổ chức một buổi gặp gỡ những thanh-thiếu niên chậm tiến của thành phố, cho đi tham quan Trường Giáo dưỡng số 3 (V.26, Bộ Công an), sau đó sẽ cho đi một chuyến cáp treo đạt 2 kỷ lục thế giới tham quan Bà Nà, chiêu đãi một bữa trưa thật ngon lành trên đó. Buổi chiều, tôi sẽ trực tiếp nói chuyện với các em. Tôi nghĩ, có lẽ, không cần tôi nói chuyện nhiều, qua chuyến đi của mình, các em sẽ suy nghĩ để có sự chọn lựa đúng đắn của mình!
Những đồng chí có mặt tại buổi làm việc hôm ấy, trong đó có Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh đã không giấu được những cảm xúc của sự ủng hộ trước ý tưởng giáo dục đơn giản mà có vẻ rất tâm lý của lãnh đạo thành phố đối với những thanh-thiếu niên chậm tiến, vi phạm pháp luật.
Không đợi đến 20 ngày sau, với việc đồng chí Bí thư Thành ủy hiện thực hóa ý tưởng trực tiếp nói chuyện với những thanh-thiếu niên chậm tiến sau buổi tham quan đầy ý nghĩa của các em, mà những người thấu hiểu “cách làm Đà Nẵng” hiểu rằng, một bộ phận đối tượng yếm thế của thành phố đang tiếp tục nhận được những ứng xử mang đậm chất nhân văn.
Vấn đề còn lại là hiệu quả?
Hãy cứ nhìn lại việc giải quyết vấn đề sau những cuộc gặp gỡ, đối thoại của lãnh đạo từ thành phố đến các địa phương với những đối tượng yếm thế trong xã hội của thành phố hơn 10 năm qua như: Những người hành nghề xích lô, xe thồ; người mãn hạn tù; người trong gia đình thường xuyên có bạo hành; hộ đặc biệt nghèo; gia đình có học sinh bỏ học; phụ nữ đơn thân; những trường hợp khó khăn trong giải tỏa, đền bù, tái định cư…
Không phải dễ dàng thay đổi suy nghĩ, nhận thức một cách ngay lập tức hoặc toàn bộ, nhưng phần lớn trong số họ đã thấy được ý nghĩa về cuộc sống của mình trên mảnh đất này. Bởi họ đã thấy được vị trí của mình. Với những người bình thường, việc xác định vị trí trong cuộc sống đã khó khăn, thì với những người yếm thế trong xã hội lại càng khó khăn gấp bội lần, bởi cảm giác bị bỏ rơi, phân biệt đối xử… thậm chí là thái độ phản kháng. Nhận ra được vị trí, chính là họ đã tìm thấy mình trong cuộc sống còn nhiều bộn bề, còn nhiều khó khăn và sự chọn lựa này để vươn lên tìm được hướng đi cho mình.
Bên cạnh đó, hàng loạt các chính sách ra đời trên những lĩnh vực: Đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm… cũng được tập trung giải quyết một cách mạnh mẽ; theo đánh giá trong dự thảo Báo cáo chính trị là “Nhiều chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn được triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt”.
Tuy nhiên, điều quan trọng, thể hiện tính nhân văn không chỉ là việc thành phố đề ra những chủ trương, chính sách mới nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bức xúc đối với từng đối tượng, mà điều cốt lõi là bắt đầu khẳng định tập trung xây dựng một cách ứng xử theo đúng đạo lý con người trong xã hội. Từ đó, tạo lập những giá trị nhân văn bền vững để giải quyết những vấn đề trong sự phát triển chung của thành phố một cách lâu dài hơn.
Chính vì thế, sau những chủ trương, chính sách đạt kết quả bước đầu, lần đầu tiên, nội dung “giàu tính nhân văn” đã được đưa vào văn kiện Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố với mục tiêu “đặt nền tảng cho một thành phố văn minh, hiện đại, giàu tính nhân văn”.
Anh Quân