Giếng cổ, “báu vật” làng quê bị lãng quên?

(PLVN) - “Cây đa, giếng nước, sân đình”, từ ngàn xưa những chiếc giếng cổ đã trở thành “linh hồn” của làng quê Bắc Bộ. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm và sự thờ ơ của người đời, không ít “báu vật” của làng bị biến dạng, lãng quên.
Giếng nước hình bàn chân được mệnh danh là “Hà Thành đệ nhất giếng”.
  1. Kiến trúc độc đáo

Nằm trong không gian đồng bằng Bắc Bộ, xứ Ðoài nổi tiếng với nhiều giếng làng cổ kính và rất đẹp. Vùng Thạch Thất, Ba Vì, Ðan Phượng có nhiều giếng đá ong, có những giếng người dân xây cả miếu thờ. Thôn Mông Phụ - một trong tám thôn của làng cổ Ðường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội có giếng được tạc cả đôi rồng chầu.

Xã Ðan Phượng, Hà Nội nổi tiếng với đình Ðại Phùng, ngay cửa đình có một giếng lớn bên dưới xây bằng đá ong, thành giếng là cả một khối đá ong khoét rỗng lòng, nhìn từ xa gợi lên không gian cổ kính. Làng Hiệp Thuận (Phúc Thọ) có một cái giếng khá đặc biệt được khai dòng trong một cù lao nhỏ giữa hồ.

Giếng nước ở Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Nội nổi danh là “Hà thành đệ nhất giếng” bởi hình thù lạ kỳ. Không giống với hàng nghìn, hàng vạn chiếc giếng của các làng quê trên mảnh đất chữ S, “Hà thành đệ nhất giếng” có hình một bàn chân khổng lồ. Chiếc giếng có hình bàn chân trái dài hơn 6 mét, sâu hơn chục mét được “bao bọc” bởi các phiến đá ong. Có một điều đặc biệt là giếng này chưa bao giờ cạn.

Nhiều năm hạn hán lớn, giếng nước ở khắp các làng bên đều cạn trơ cả đáy, nhưng giếng bàn chân luôn đầy ắp nước trong vắt, ngọt lành đến kỳ lạ. Dưới đáy có một mạch nước lớn lúc nào cũng tuôn trào. Lạ lùng là nước dâng lên đến thành giếng thì mạch nước ngừng chảy, vì thế nước không bao giờ tràn được ra ngoài. Dân làng bên không ai bảo ai, đến xin dân làng cho xếp hàng múc nước gánh những dòng nước ngọt mát về dùng.

Giếng cổ xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc hơn 600 năm tuổi, có hình vuông, khác với những chiếc giếng cổ của làng quê Bắc Bộ xưa, thường có hình tròn. Tang giếng được ghép bởi bốn phiến đá sa thạch hình chữ nhật màu xanh dựng đứng xếp khít với nhau bằng cách cắt vát và tạo lỗ mộng liên kết, không cần đến vôi vữa.

Phần dưới tang giếng được thiết kế hình tròn, tạo bởi những viên đá cuội lớn xếp chồng khít với nhau từ đáy giếng lên. Trên đỉnh tang giếng hình thành những đường lượn sóng được cho là dấu tích của việc mài dao kiếm từ hàng trăm năm trước. Mặt trong của tang giếng có khắc chữ Hán.

Hành trình đi qua hơn 200 ngôi làng, với hơn 300 chiếc giếng cổ, sở hữu hàng ngàn bức ảnh, nhiếp ảnh gia Lê Bích chia sẻ: “Giếng cổ không chỉ thu hút tôi bởi cách xếp gạch, vết chạm khắc trên thành giếng, màu nước hay lớp rêu phong. Xa hơn thế, dù là giếng hình tròn, chữ nhật, bán nguyệt hay bát giác, dù là giếng có thành xây bằng gạch, bằng đá ong, xếp đá hay giếng đất đơn sơ, tất cả đều là chứng nhân của những câu chuyện đặc biệt về cách con người ứng xử với kiến trúc này.

Chúng ta thường nhìn giếng để nhớ về làng, về dòng họ hay những ký ức tuổi thơ. Nhưng với những người trung niên trở lên, giếng là một hệ giá trị tâm linh thật sự. Đó là nơi tụ thủy tích phúc, là nơi trời đất giao hòa, là nơi mà những giá trị về sự nhân ái và chan hòa của người Việt được đề cao, khi bất cứ ai trong cộng đồng đều có quyền tới đây lấy nước”.

Để “báu vật” trở thành linh hồn làng

Giếng làng đi vào tâm thức người Việt, không chỉ là nơi gắn với sinh hoạt hàng ngày, người xưa còn coi giếng là mắt đất, là long mạch của làng. Nhưng một số giếng cổ hiện nay đã bị hư hại, có nguy cơ sạt lở, bị cây cối che phủ...

Xứ Ðoài nổi tiếng nhiều giếng cổ, nhưng người ta không thể thống kê hết có bao nhiêu giếng cổ, cũng như không thể biết có bao nhiêu giếng đã bị lấp đi, hoặc bị dùng để nuôi cá, chăn vịt. Một số giếng cổ xuống cấp, bị làm biến dạng.

Không ít giếng làng đã bị ô nhiễm nguồn nước hoặc cạn kiệt. Giếng làng không còn giữ chức năng cung cấp nước cho dân làng bị che tạm bằng những tấm gỗ, tấm tôn để đề phòng rác rưởi hoặc trẻ nhỏ mải chơi ngã xuống. Nhìn những chiếc giếng bị cỏ mọc xanh rì nhiều người không khỏi chạnh lòng.

Còn nhớ, ngày 7/11/2021, người dân phát hiện giếng cổ ở đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) bị một đoàn làm phim hài Tết xâm phạm. Để xây dựng một bối cảnh cổ xưa trong phim, các thành viên trong đoàn phim đã dùng vôi ve màu đỏ phủ lên toàn bộ bề mặt giếng cả bên trong và bên ngoài; dùng bút vẽ màu đen phủ trát, tô vẽ bên ngoài bề mặt giếng tạo hình gạch đá ong khiến nhiều người bức xúc.

Mới đây, Trung tâm quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã “hồi sinh” những giếng cổ tại Gio An (huyện Gio Linh), nơi cổ nhân Chăm từng sắp những tảng đá mồ côi nặng hàng tấn thành hệ thống dẫn nước. Hệ thống giếng cổ ở Gio An gồm 14 giếng. Theo các nhà sử học, những giếng này có niên đại ngót 5.000 năm và đã được Bộ VHTT&DL công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 2001.

Mở tuyến du lịch giếng cổ là mong muốn của Trung tâm quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị. Ngành văn hóa Quảng Trị cũng đang hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ VHTT&DL, trình Thủ tướng phê duyệt đưa hệ thống giếng cổ độc đáo này vào danh mục di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh tin vui đó thì hiếm một giếng cổ nào ở Bắc Bộ được công nhận là di tích, ngoại trừ một số giếng nằm trong khuôn viên của đình, chùa. Vì vậy, không ít giếng cổ - linh hồn của làng quê Bắc Bộ, bị bỏ rơi trước sự hối hả, vội vã của cuộc sống hiện đại.

Cũng như nhiếp ảnh gia Lê Bích, nhiều nhà văn hóa, nhiều người yêu giá trị Việt mong rằng các cơ quan chức năng, các địa phương đưa ra những giải pháp giữ gìn, nâng niu những “báu vật” của làng quê Bắc Bộ, đưa những giếng cổ thành điểm tham quan văn hóa - du lịch của những miền quê Việt.