Những bài ca sống mãi cùng lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngay sau thời điểm ngày 30/4/1975 lịch sử, có rất nhiều tác giả với cảm xúc mãnh liệt, dâng trào đã sáng tác các ca khúc để ghi dấu mốc son chói lọi của dân tộc.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và poster bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” một người bạn Mỹ tặng ông. (Ảnh: Lộc Văn).
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và poster bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” một người bạn Mỹ tặng ông. (Ảnh: Lộc Văn).

“Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”: Bức tranh hiện thực của một giai đoạn lịch sử rực rỡ

“Mùa xuân này về trên quê ta…”, những câu hát đầu tiên của bài hát được ra đời cùng với những bước chân thần tốc của đoàn quân giải phóng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975. Nhạc sĩ Xuân Hồng đã ấp ủ và viết bài hát ấy trên hành trình “tiến về Sài Gòn”. Bài hát được hoàn thiện sau khi nhạc sĩ cùng đồng đội về nhận công tác tại thành phố Sài Gòn và được sống trong niềm vui cả nước “rợp bóng cờ bay”, sống trong cảm giác hạnh phúc đến nghẹn ngào “vui sao nước mắt lại trào”!

Nhạc sĩ Dân Huyền kể về sự ra đời của bài hát như sau: “Cuốn nhật ký của tôi ghi 4 lần nhạc sĩ Xuân Hồng đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng tôi nhớ nhất là lần cuối năm 1974, khi chúng tôi mới đi “sơ tán” xa trở về Hà Nội. Hôm đó, Xuân Hồng cùng đi với nhà thơ Bảo Định Giang (người từng giữ chức Trưởng Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam từ thời 1956). Tôi không dự buổi tiếp, vì được Trưởng Ban Phạm Tuân giao nhiệm vụ đi đặt bữa “chả cá Lã Vọng” chiêu đãi các bạn miền Nam.

Bữa ăn đơn giản, nhưng là “đặc sản” Hà Nội, nên anh Xuân Hồng nói vui rằng: “Sang năm là năm Mẹo (Ất Mão - 1975), mà mèo lại thích ăn cá, chắc là báo hiệu cho năm Mão thắng to”. Anh Bảo Định Giang nói luôn: “Chắc là cá sắp hóa rồng rồi!”. Sau đó anh đọc bài thơ “Xuân Sài Gòn”, trong đó có câu “Xuân này em lại gặp anh - Bến Nghé sóng hát, Bến Thành chợ đông”. Anh Xuân Hồng buột miệng hát luôn “Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la…”.

Chúng tôi nghe mà cứ nghĩ đó là mở đầu cho một bài hát mùa xuân cho quê hương, đất nước nói chung. Ai ngờ, đó chính là tiền đề cho ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” sau ngày đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. Cái ý về địa danh Bến Nghé, Bến Thành ấy của nhà thơ cũng được nhạc sĩ đưa vào bài hát.

“Như có Bác trong ngày vui đại thắng”: Khúc hoan ca mừng chiến thắng

Nhạc sĩ Xuân Hồng. (Ảnh:TL Hội Nhạc sĩ Việt Nam)

Nhạc sĩ Xuân Hồng. (Ảnh:TL Hội Nhạc sĩ Việt Nam)

Đêm 28/4/1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của đài có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ từ 9 giờ 30 phút tối đến 11 giờ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết xong bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Nhưng mọi người Việt Nam vẫn quen gọi đó là bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, theo câu hát mở đầu trong bài.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại rằng, sáng hôm sau (ngày 29/4/1975), ông mang bản nhạc lên Đài Phát thanh để thu thì Giám đốc Đài lúc đó là nhà báo Trần Lâm nói: “Bài hay lắm nhưng nếu cho thu bây giờ thì sẽ mang tiếng là “lạc quan tếu”, vì đã thống nhất đâu. Để dành đến ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ rồi thu vậy”. “Đến ngày 30/4/1975 thì tin chiến thắng tràn đi khắp nơi. Giám đốc bảo tôi đưa bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” để tốp ca của đoàn ca nhạc thu gấp, phát trong bản tin đặc biệt”.

17h, Trung ương công bố tin đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam ra toàn thế giới. Đài Phát thanh phát tin xong là mở bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Bản thu đó, đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Cao Việt Bách.

Bài hát vỏn vẹn 60 ca từ đã có tới 20 từ là “Việt Nam Hồ Chí Minh”, giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích… thế nhưng ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” lại có một sức sống bền bỉ, mãnh liệt, thậm chí vượt quá cả sự mong đợi của chính tác giả bài hát - nhạc sĩ Phạm Tuyên.