TAND tỉnh Đồng Nai vừa xét xử lưu động vụ giết người do mâu thuẫn giữa hai nhóm thanh niên. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành tố tụng, giữa Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm Sát và cả Luật Sư đã có những quan điểm trái ngược nhau về tội “Giết người” hay tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Các bị cáo tại phiên tòa |
Theo hồ sơ vụ án, ngày 3/4/2011 Lê Đình Lữ, Nguyễn Thái Hiệp, Dương Văn Phụng, Nguyễn Trung Thái tổ chức ăn nhậu tại phòng của Lữ ở (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Đến 18 giờ 30 cùng ngày, Lữ thấy Phụng say rượu nên nói Hiệp lấy xe máy chở Phụng về. Khi cả hai đi ngang một nhóm thanh niên đang ngồi chơi bên lề đường, Hiệp nẹt pô và bị nhóm thanh niên này phản ứng. Phụng chửi lại và bị nhóm này đánh.
Thấy vậy, Hiệp trở về phòng trọ báo với Lữ là Phụng bị đánh ngất xỉu. Lữ lấy dao rồi cùng Hiệp và Thái đến “giải vây” cho bạn. Đến nơi, thấy Phụng nằm giữa đường, Lữ đỡ Phụng dậy. Sau đó Phụng, Thái, Hiệp mỗi người lăm lăm cầm dao, gậy đuổi nhóm đối thủ. Nhóm này chạy vào nhà đóng chặt cửa cố thủ. Hiệp cầm dao chém vào cửa phòng một nhát. Lữ ở bên ngoài một mình thấy anh Đặng Ngà (ở cùng dãy trọ với nhóm thanh niên đang cố thủ trong nhà) đến “giải cứu” nhóm bạn. Anh Ngà nhặt một khúc cây đánh Lữ. Bị kẻ lạ mặt đánh bất ngờ, Lữ nghĩ đây là đồng bọn của nhóm gây sự với mình nên đã đâm anh Ngà một nhát làm nạn nhân ngã gục.
Thái, Phụng, Hiệp từ trong nhà trọ chạy ra thấy một thanh niên nằm sấp, Thái và Phụng tiếp tục đá vào người nạn nhân thì Hiệp can ngăn. Thấy người thanh niên bị đánh vẫn nằm im, ba đối tượng bèn lật người này lên thì phát hiện anh này đã bị một vết đâm ở nách. Theo kết luận, vết đâm trúng tim. Nạn nhân chết do sốc mất máu, vết thương ngực trái thủng phổi, rách cơ tim. Lữ bị truy tố tội giết người. Hiệp, Thái và Phụng cũng bị truy tố cùng tội danh này với vai trò đồng phạm.
Quá trình điều tra, Cơ quan Điều tra đề nghị Viện kiểm sát thay đổi tội danh đối với Hiệp. Lý do: Hiệp dù là người chạy về báo cho đồng bọn đến nhưng có mục đích đưa Phụng về. Tuy Hiệp có hành vi dùng dao đuổi chém nhóm của nạn nhân nhưng không trúng và không gây thương tích cho ai; Hiệp không chuẩn bị hung khí, thấy Thái và Phụng đánh nạn nhân, Hiệp còn can ngăn không cho đánh tiếp. Như vậy hành vi của Hiệp chỉ cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Từ đó, Cơ quan Điều tra đề nghị Viện kiểm sát thay đổi tội danh của Hiệp từ tội “Giết người” sang “Gây rối trật tự công cộng”. Viện không đồng ý khi cho rằng, tuy Hiệp không trực tiếp đâm nạn nhân nhưng chạy đi thông báo việc Phụng bị đánh. Sau đó Hiệp cầm dao cùng với nhóm Phụng, Thái, Lữ đánh nhóm thanh niên, thể hiện cùng ý chí tấn công nhóm bị hại, gây ra cái chết cho nạn nhân. Hành vi của Hiệp đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” với vai trò đồng phạm.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát cho rằng Phụng là người gây sự đầu tiên dẫn đến vụ đánh nhau, hậu quả chết người. Tuy Phụng, Thái và Hiệp không trực tiếp đâm nhưng có tác động đến nạn nhân để lại thương tích (tại các biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa, các bị cáo đều không thừa nhận gây ra các vết thương trên người nạn nhân - PV). Như vậy, ý thức chủ quan của các bị cáo là mong muốn nạn nhân chết, hơn nữa hậu quả đã xảy ra thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Luật sư bào chữa cho Phụng, Thái, Hiệp cho rằng việc đánh nhau giữa nhóm Lữ và nhóm thanh niên và vụ đánh nhau giữa riêng Lữ và nạn nhân là hai vụ khác nhau. Hai sự việc độc lập với nhau về mặt thời gian, nguyên nhân và các đối tượng tham gia. Phụng, Hiệp, Thái không biết nạn nhân là ai, quan hệ với nhóm thanh niên kia thế nào và cũng không bàn bạc trước hay tham gia hỗ trợ Lữ. Như vậy, Lữ đã thực hiện đầy đủ hành vi khách quan của tội giết người và tội phạm đã hoàn thành khi nạn nhân gục xuống đất, sau đó chết tại bệnh viện. Theo Luật sư, vụ án có nhiều hành vi khách quan cấu thành nhiều tội khác nhau. Từ đó, Luật sư kiến nghị tòa xem xét lại tội danh đối với Phụng, Hiệp, Thái theo hướng ba bị cáo này phạm tội gây rối trật tự công cộng.
Cùng chung quan điểm với Viện kiểm sát, Tòa nhận định: Các bị cáo đã vô cớ đánh người, hành vi mang tính côn đồ. Phụng và Hiệp là nguyên nhân gây sự dẫn đến việc Lữ đâm chết nạn nhân. Khi đến phòng trọ, Phụng cầm cây, Thái cầm dao tham gia tích cực, rượt nhóm bị hại bỏ chạy vào phòng. Hiệp chém vào cửa. Khi nạn nhân đã bất tỉnh, các bị cáo vẫn không buông tha. Do đó cần xem xét Phụng, Thái, Hiệp phạm tội với vai trò đồng phạm với Lữ. Từ đó tòa không chấp nhận quan điểm bào chữa của các Luật sư. Tòa tuyên phạt Lê Đình Lữ 18 năm tù về tội “Giết người”. Cũng bị phạt về tội danh này, Dương Văn Phụng nhận mức án 9 năm tù, Nguyễn Thái Hiệp, Nguyễn Trung Thái 7 năm tù với vai trò đồng phạm.
Không đồng tình trước phán quyết của Tòa, Phụng, Thái, Hiệp đã làm đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không phạm tội giết người. Riêng Lữ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Nói về vụ án này, Luật sư Nguyễn Quốc Phong, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, Trong trường hợp này, hành vi dùng chân đá vào nạn nhân của Phụng cũng không đủ yếu tố cấu thành tội giết người, hành vi này độc lập với hành vi giết người mà Lữ đã thực hiện trước đó. Cụ thể, Lữ đã thực hiện đầy đủ hành vi khách quan của tội giết người và tội phạm đã hoàn thành khi bị hại gục xuống đất.
• Hoàng Giang