Người phụ nữ mất tích ngày mùng 3 Tết
Sáng 25/02/2015, một người đi đánh cá tại khu vực rừng tràm (thuộc xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) phát hiện xác một phụ nữ nổi ở mương nước. Trên thi thể nạn nhân có một đoạn dây vải màu đỏ dài khoảng 10m, đoạn băng keo màu vàng dài khoảng 1,2m quấn trên cổ.
Tiến hành điều tra và giám định AND, cơ quan điều tra xác định nạn nhân là chị Nguyễn Thị Phương (SN 1984, ngụ huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh).
Kết quả giám định pháp y tử thi kết luận: Quanh cổ có vết hằn, vùng da của cánh tay trái bị ránh. Đặc biệt bàn tay trái có hai ngón bị cụt đốt. Kiểu vết thương được xác định không phải do động vật hoặc côn trùng cắn.
Người nhà cho biết nạn nhân đã có chồng và con 13 tuổi. Chiều 21/2 (mùng 3 tết) chị Phương điều khiển xe máy Nouvo ra khỏi nhà và mất tích đến khi được phát hiện. Cũng theo gia đình cung cấp, chị này thường đeo rất nhiều vòng, nhẫn, dây chuyền trên người nhưng khi phát hiện xác thì ngoài chiếc xe máy, số trang sức trên cũng đã không cánh mà bay.
Nhận định ban đầu, nhiều khả năng đây là một vụ án giết người cướp của. Tuy nhiên, vì sao giữa ngày mùng 3 tết, người phụ nữ này lại một thân một mình đi vào rừng tràm hẻo lánh như vậy?
Trong khi cơ quan điều tra đang ráo riết truy tìm hung thủ thì ngày 5/3, công an nhận được thông tin một người đàn ông ở xã Thái Mỹ bất ngờ uống thuốc sâu tự tử. Sự việc bất thường không qua được con mắt nghiệp vụ dày dặn kinh nghiệm của các trinh sát hình sự.
Bí mật xác minh, công an phát hiện tình tiết quan trọng: người tự tử tên Nguyễn Ái Tình (SN 1981, ngụ xã Thái Mỹ) có mối quan hệ tình cảm đối với nạn nhân Nguyễn Thị Phương. Vài ngày sau, Tình bị công an huyện Củ Chi bắt giữ.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận, tối 20/2 (mùng 2 tết nguyên đán năm 2015), Tình đến nhà một người cùng ấp đánh bài ăn tiền. Sau một đêm sát phạt, anh ta bị thua hết số tiền 29 triệu đồng.
Buổi trưa hôm sau, Tình điện thoại cho bạn gái cũ là chị Nguyễn Thị Phương để mượn tiền. Sau đó, chị Phương chạy xe máy đến đón và cả hai đến khu vực rừng tràm hoang vắng để tâm sự.
Tại đây, Tình hỏi mượn chị Phương 5 triệu đồng với hi vọng có thể để “gỡ gạc” phần nào số tiền mấy chục triệu thua bạc từ tối hôm trước. Chị Phương từ chối, đồng thời đòi lại 15,2 triệu đồng đã cho anh ta vay từ trước chưa trả. Hai bên cãi vã, dẫn đến xô xát.
Cặp tình nhân cũ xô đẩy, dẫn tới cả hai ngã xuống mương nước. Tình dùng băng keo quấn quanh miệng chị Phương để người phụ nữ không thể la hét. Đối tượng dùng dao Thái Lan vung liên tiếp vào tay trái của chị Phương, đồng thời dìm nạn nhân xuống nước.
Khi thấy nạn nhân không còn cử động, đối tượng leo lên bờ, lấy xe của nạn nhân về nhà tắm rửa, sau đó bán chiếc xe được 11,5 triệu, sang Campuchia đánh bài và bị thua hết.
Sự việc chưa dừng lại ở đó, khuya ngày hôm sau, Tình nằm ở nhà và chợt nhớ trước khi chết, bạn gái cũ đeo nhiều trang sức. Do đó, nửa đêm, đối tượng này cầm theo một chiếc kéo, chạy xe đến khu vực rừng tràm lôi xác chị Phương lên bờ dùng kéo cắt 20 chiếc vòng vàng (ximen) trên tay của nạn nhân rồi chạy xe về nhà. Sáng hôm sau, Tình bán số vàng này được 15 triệu đồng.
Theo gia đình chị Phương, ngoài chiếc xe máy Nouvo mang theo trước khi mất tích, nạn nhân thường đeo rất nhiều nữ trang: 21 chiếc vòng xi men, vòng trơn, nhẫn, dây truyền… Tuy nhiên, Tình chỉ thừa nhận chiếm đoạt chiếc xe máy và 20 chiếc vòng ximen.
Hình phạt nghiêm khắc
Bản án sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Ái Tình mức án tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Sau đó bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 9/11/2016, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Ái Tình.
Tại phiên tòa, Tình khai đã xuống tay sát hại nạn nhân do mâu thuẫn, mục đích ban đầu không có ý định giết người, cướp của. Các vật dụng như dao, dây vải là của bị hại, băng keo do nhặt được ở hiện trường.
Tuy nhiên HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, bị cáo đã giết người mà ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng (cướp tài sản), đây là tình tiết định khung tăng nặng. Bị cáo phạm tội do lỗi cố ý trực tiếp, quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, mất hết tính người nên không còn khả năng cải tạo từ đó, tuyên y án tử hình đối với Nguyễn Ái Tình.
Dường như đã đoán trước được bản án dành cho mình nên khi được dẫn giải ra xe, bị cáo này tỏ ra khá bĩnh tĩnh, chỉ ngoái lại dặn người mẹ “Mẹ xin giấy vào trại thăm con”, rồi leo lên xe đặc chủng.
Trong cái nóng ngay gắt giữa trưa, mẹ bị cáo lam lũ, phờ phạc ngồi dựa lưng vào chiếc ghế đá. Cũng như một số bà mẹ có con phải ra trước vành móng ngựa, bà mở đầu câu chuyện bằng một câu quen thuộc: “Nó ngoan lắm, từ nhỏ đến lớn chưa xích mích với ai bao giờ, không hiểu mà xui quỷ khiến thế nào mà nó lại gây tội ác đến như vậy”.
Bà kể vợ chồng đã li hôn từ lâu. Một mình bà nuôi 3 đứa con trưởng thành. Tình là con lớn, đã lấy vợ và có 2 con. Bà mẹ phân trần: “Phiên tòa sơ thẩm xử lưu động, người ta biết nó đã có vợ con, người phụ nữ kia cũng đã có chồng thì đều chê bai “mèo mả gà đồng”.
Nhưng vợ chồng nó không hạnh phúc, mặc dù chưa ly hôn nhưng vợ nó dẫn con về ngoại ở. Mấy năm nay nó ở một mình với tôi, chứ không phải hạnh phúc đầm ấm như người ta nói”.
Mẹ bị cáo kể: “Hồi tết tôi cứ thấy nó buồn buồn. Có lần nó bảo “Chắc con tự tử quá”, tôi cứ nghĩ nó thua bài bạc sinh ra chán nản nên động viên: “Đừng đánh bài nữa, chí thú làm ăn rồi cũng khá lên thôi, con đừng bi quan”. Tôi có ngờ đâu nó lại gây ra tội ác tày trời như vậy”.
Khi con trai xảy ra chuyện, cha của bị cáo cũng gác lại mọi chuyện cùng vợ cũ lo cho con. Ông trầm ngâm: “Trước khi tự tử mấy ngày, nó gọi điện thoại cho tôi kể: “Dạo này đêm con hay khó ngủ, mà khi ngủ thì lại mơ thấy công an rình rập quanh nhà”.
Tôi cũng hỏi: “Con có làm gì phạm pháp không”, thì nó trả lời con không làm gì cả. Tin tưởng con nên tôi chỉ trấn an: Nếu không làm gì sai thì không có gì phải lo lắng, công an người ta chỉ bắt tội phạm chứ không bắt oan người vô, ai ngờ đâu…”.
Ông chia sẻ: “Tòa nói nó đã mất hết tính người, không còn khả năng cải tạo nhưng tôi nghĩ bản thân nó gây ra tội ác nó cũng rất ân hận và dày vò. Bằng chứng là nó ăn không ngon ngủ không yên và cuối cùng tự tìm đến cái chết để trả giá cho tội ác của mình.
Tôi mong muốn con có một cơ hội sống, vì vậy “còn nước còn tát”, gia đình tôi sẽ làm đơn xin chủ tịch nước ân giảm, để nó có thể về nhìn mặt các con”.