Giới chính trị Nga và Hoa Kỳ đều tán thành Hiệp ước mới về vũ khí tấn công chiến lược

Hiệp ước mới về vũ khí tấn công chiến lược, văn kiện vừa được chuẩn bị xong, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các chính khách Nga và Mỹ.

Hiệp ước mới về vũ khí tấn công chiến lược, văn kiện vừa được chuẩn bị xong, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các chính khách Nga và Mỹ.

battay413

Như dự định, ngày 8 tháng 4, ở Praha, ông Dmitri Medvedev và ông Barack Obama sẽ ký kết Hiệp ước mới START-2. Văn kiện này sẽ góp phần củng cố chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố như vậy khi phát biểu trực tuyến trên kênh truyền hình “Russia 24”. Ông Lavrov cho rằng, hai bên đã giải quyết được nhiệm vụ chính – đạt thỏa thuận về khối lượng cắt giảm vũ khí trên cơ sở có đi có lại đúng theo nguyên tắc an ninh bình đẳng.

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga, tướng Nikolai Makarov đánh giá cao Hiệp ước START-2, văn kiện quy định giảm hơn 30% khối lượng vũ khí tấn công chiến lược của Nga và Hoa Kỳ. Ông Makarov cho rằng, Hiệp ước mới xóa bỏ sự lo ngại của Nga và phục vụ lợi ích an ninh Nga.

Từ phía Chính quyền Hoa Kỳ cũng vang lên cách đánh giá khả quan. Ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ sự tin tưởng rằng, Hiệp ước START-2 sẽ củng cố vị thế dẫn đầu của Hoa Kỳ và Nga trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân và sẽ cho thấy rằng, “chiến tranh lạnh” trên thực tế đã đi vào dĩ vãng.

Phát biểu tại cuộc họp báo về kết quả cuộc điện đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc Robert Gates nhận định rằng, hiệp ước mới phục vụ mục đích củng cố sự ổn định hạt nhân. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã mấy lần nhắc lại rằng, Hiệp ước START-2 hoàn toàn “không kiềm chế” qúa trình thành lập và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, kể cả trên địa bàn châu Âu. Đó là theo đòi hỏi của các nghị sĩ đảng Cộng hoà, họ đã cảnh báo ông Barack Obama rằng, nếu không làm như vậy, thì qúa trình phê chuẩn Hiệp ước START-2 tại Thượng viện Quốc hội sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ sự tin tưởng rằng, văn kiện này sẽ được phê chuẩn tại Quốc hội Hoa Kỳ. Bà Clinton nhận định rằng, các nghị sĩ Mỹ sẽ tham gia cuộc thương lượng về nội dung này. Hillary Clinton nói, cuối cùng đại đa số Thượng nghị sĩ sẽ thấy được rằng, Hiệp ước START-2 phục vụ lợi ích của Mỹ và có nội dung rộng hơn nhiều so với “bếp núc chính trị”.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ John Kerry cũng nhấn mạnh rằng, cần phải sớm phê chuẩn Hiệp ước mới trong lĩnh vực vũ khí tấn công chiến lược. Ông Kerry bày tỏ sự tin tưởng rằng, các nghị sĩ của đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ sẽ thể hiện sự đoàn kết và sẽ tán thành văn kiện này ngay sau khi Hiệp ước đệ trình lên đồi Capitoli.

Một số chính khách Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Nga và Hoa Kỳ không hạn chế bởi việc cắt giảm vũ khí hạt nhân. Ngay hiện nay, chính phủ hai nước nên suy nghĩ về cắt giảm vũ khí tác chiến. Đó là nội dung bản tuyên bố chung của hai cựu Ngoại trưởng Mỹ Henri Kissinger và George Schults, cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry và cựu nghị sĩ Sam Nann. Các chính khách này đều hoan nghênh việc Mỹ và Nga đạt được thỏa thuận về Hiệp ước START-2 và hy vọng rằng, văn kiện này sẽ sớm được phê chuẩn.

Trong khi đó, không phải tất cả các quan chức Mỹ đều chia xẻ tinh thần lạc quan về Hiệp ước mới. Chẳng han, cựu đại sứ Mỹ tại LHQ John Bolton cảnh báo rằng, không nên phấn khởi qúa mức với Hiệp ước này. Bình luận thông tin của Nhà Trắng về việc Hoa Kỳ và Nga sắp ký kết Hiệp ước START, ông Bolton đã nói rằng, ông không có thái độ lạc quan về văn kiện này vì đối với Hoa Kỳ, Hiệp ước không có ý nghĩa gì. Theo quan điểm của John Bolton, mức cắt giảm đầu đạn và tên lửa mang quy định trong Hiệp ước không có lợi cho Mỹ. Đồng thời, ông Bolton nhận định rằng, quan điểm này dựa trên những số liệu từ bản thông báo của Nhà Trắng, và công chúng chưa có khả năng tiếp cận toàn văn Hiệp ước START.

Theo Đài TNNN/ Mekongnet

Đọc thêm