Giới đầu cơ đất Đông Anh ém hàng chờ đội giá

Hàng chục văn phòng tư vấn, môi giới nhà đất tại các thôn Ngọc Chi, Ngọc Giang và Phương Trạch thuộc xã Vĩnh Ngọc – trung tâm của đầu cầu Nhật Tân đang được thi công thuộc địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội hiện trong cảnh hoạt động cầm chừng bởi nguồn cung gần như không có.

Hàng chục văn phòng tư vấn, môi giới nhà đất tại các thôn Ngọc Chi, Ngọc Giang và Phương Trạch thuộc xã Vĩnh Ngọc – trung tâm của đầu cầu Nhật Tân đang được thi công thuộc địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội hiện trong cảnh hoạt động cầm chừng bởi nguồn cung gần như không có. Đây tưởng chừng như một nghịch lý nhưng lại hoàn toàn có lý khi giá đất khu vực này bị đẩy lên quá cao trong thời gian ngắn khiến người dân cảnh giác cao độ, còn nhà đầu tư lớn quyết tâm giữ đất chờ đợt sóng tiếp theo.   Một người bán, vạn người mua “Mua đất nhà quê mà khó nhỉ!” là lời an ủi đầy cảm thông và ngụ ý của anh Phung – chủ văn phòng tư vấn Hồng Phung tại thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh sau khi đưa ra giới thiệu cho chúng tôi khoảng 3 lô đất trong thôn mà không thành. Trước đó, vào vai người có nhu cầu mua mảnh đất “cắm dùi” tại “điểm nóng” Ngọc Chi mà đi lùng từ trưa đến chiều không được, thoáng thấy vẻ nhăn nhó của chúng tôi, anh Phung đã mời vào nhà rót nước và niềm nở: “Yên tâm, không có gì là không giải quyết được”.
Giá lên cao chót vót và nguồn cung  không có khiến nhiều văn phòng môi  giới tại xã Vĩnh Ngọc phải hoạt động  cầm chừng - (Ảnh: N.N)
Giá lên cao chót vót và nguồn cung không có khiến nhiều văn phòng môi giới tại xã Vĩnh Ngọc phải hoạt động cầm chừng - (Ảnh: N.N)
Vậy mà sau khi biết tầm tiền chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng, anh lắc đầu tuyên bố: “như vậy là khó mua rồi. Mảnh nhỏ khoảng hơn 50m2 trong làng hiện giá tối thiểu cũng 1,6-1,7 tỷ trở lên. Còn với 1 tỷ, các em chỉ có thể mua ở các vùng xung quanh”. Cũng chỉ vì mức giá “căng đét” kể trên và nguồn cung khan hiếm nên theo anh Phung, từ đầu năm đến nay, khách nhỏ lẻ 100 người hỏi thì 99 người không mua được. Giao dịch thành công nhóm này ở văn phòng anh chưa được cái nào.   Đến văn phòng Tuấn Định thuộc thôn Phương Trạch, trong lúc anh Tuấn bận đi dẫn khách ở xa thì vợ anh, chị Định tư vấn ngay, với tầm tiền như vậy, chúng tôi nên mua đất ở các khu lân cận, cách trung tâm đất Ngọc Chi bán kính 3 km là Vân Nội, Tiên Dương, Nghĩa Lại... Bởi chị khẳng định, nguồn cung tại khu chân cầu Nhật Tân hiện hầu như không còn. Nhà đầu tư từ các nơi đã mua ngay khi có thông tin xây cầu. Dân có đất toàn bán hết đợt trong Tết. Nay tất cả đều không muốn bán ra nên giao dịch rất trầm lắng. Trong khi giá đất ở các xã lân cận vẫn chấp nhận được (dao động từ 10-15 triệu đồng/m2) nên hầu như cứ có khách mua, anh chị toàn chỉ lên các khu phía trên. Tại thôn Ngọc Giang, anh Toản, một “cò” đất lâu năm cũng phản ánh, hiện nay hầu như ngày nào anh cũng tiếp vài lượt nhà đầu tư lên hỏi mua, tuy nhiên từ khi cơn sốt đất bùng lên từ cuối năm 2009 thì tính ra chỉ có khoảng hơn chục hộ dân trong thôn hô bán đất. Bất đắc dĩ phải rao bán lúc này là một vài nhà đầu tư nhỏ lẻ, vay tiền ngân hàng mua đất, không chịu nổi tiền lãi mới đành phải đẩy ra. Theo dân môi giới, giá đất tại các thôn xung quanh chân cầu Nhật Tân tăng mạnh trong 2-3 tháng trở lại đây. Có nơi giá đã tăng gấp 200-300% so với năm ngoái. Hiện được chia làm nhiều mức: Đắt nhất phải kể đến dải đất ven đường dẫn vào cầu, giá giao dịch đạt kỷ lục là 58 triệu đồng/m2. Đất thuộc đường trục chính của thôn Ngọc Chi, mặt ngõ rộng từ 3-4m2 thì giá phổ biến tầm 35-40 triệu đồng; đất trong ngõ ngách dao động trên 20 triệu đồng. Đất khu đê thôn Ngọc Giang giá cũng dao động từ 18-28 triệu đồng/m2.Dân không chịu bán đất vì đã... “thừa” tiền? Đường vào thôn Ngọc Chi và Ngọc Giang, nhà cao tầng, biệt thự, villa đang dần thay thế những căn nhà lợp ngói, nhà cấp 4 cũ nát. Theo các nhà môi giới, những căn nhà bạc tỷ đó chủ yếu của những người đầu tư bất động sản và của các hộ dân đã bán bớt đất xây nhà. Cho đến bây giờ, khi diện tích đất sở hữu ngày càng hạn hẹp, đồng thời người dân giờ đã “thừa tiền” cho nên mua được đất từ họ gần như khó ngang với lên trời.
Nhà cao tầng đang thay thế dần nhà  ngói trong làng Ngọc Chi - trung tâm  đầu cầu Nhật Tân, điểm nóng của  đất Đông Anh - (Ảnh: N.N)
Nhà cao tầng đang thay thế dần nhà ngói trong làng Ngọc Chi - trung tâm đầu cầu Nhật Tân, điểm nóng của đất Đông Anh - (Ảnh: N.N)
Thêm nữa, do bị “mất” quá nhiều vì giá tăng vùn vụt sau mỗi lần cắt bán nên tâm lý người dân là giữ đất, nhất là khi họ vẫn rất kỳ vọng sau khi thông cầu giá đất sẽ còn tiếp tục tăng cao. Cũng chính vì những thông tin đầy hứa hẹn về cây cầu du lịch dây văng 8 làn xe chạy Nhật Tân, rồi các đồn thổi địa bàn sắp lên thành quận sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư tầm cỡ..., chính anh Toản, vừa làm môi giới, vừa sở hữu 2 mảnh đất, diện tích 600m2 tại Ngọc Giang cũng khẳng định: “Tôi sẽ giữ đất, kể cả đắt rẻ như thế nào tôi cũng vẫn giữ”. Sự hờ hững của người dân còn được anh Toản minh hoạ ở câu chuyện người bán cố tình “vờn” người mua mà đến giờ nhớ lại anh vẫn ấm ức. Chẳng là cách đây đã lâu, anh tìm được một người dân rao bán mảnh đất hai mặt ngõ, chiều dài khổ đất xấp xỉ 15m. Trong một tháng, anh dẫn vào 5 lượt khách, mỗi lượt trả một giá. Đầu tiên là 10 triệu, đến 16 triệu và có người trả 18 triệu, nhưng cuối cùng chủ đất vẫn kết thúc một câu gọn lỏn: “thôi, không bán”. Trong khi đó, không đặt nặng vấn đề tiền bạc lên đầu, nhiều hộ dân khác quyết tâm giữ đất vì mục tiêu lâu dài. Trường hợp của bà Bình, bán ngô bên quốc lộ 3 là một ví dụ. Nhà có 250m2 đất mặt đường làng Ngọc Chi, bà Bình cho biết, rất nhiều người vào gạ bà bán đất để xây nhà to nhưng bà từ chối thẳng thừng: “Kể bán đất bây giờ thì mình sướng, có tiền tỷ trong tay nhưng mai kia con cháu không có tiền mua đất. Tôi quan niệm sống bình thường, đi làm đủ ăn để đất cho con cháu sau này ở rộng”.  Đã có rất nhiều bài học cay đắng từ việc ăn vào tiền bán đất dẫn đến tan nát gia đình được rút ra. Có nhà khi có tiền, cha lao vào cờ bạc, con thì nghiện ngập, đồ đạc sắm ra được cũng đội nón đi hết; nhà khác thì vợ chồng lười lao động, sống hưởng thụ, phung phí, không biết tính toán... Cô Lành, nhà trong làng Ngọc Chi đúc rút: “Bán là mất, chỉ những người giữ lại được đất là còn. Những nhà bán đất lấy tiền thì con cái đều hư hỏng, chỉ quen ăn chơi mà lười lao động. Mình ở nông thôn, có sức khoẻ thì vẫn làm được, chứ không trông chờ vào những khoản tiền “trên trời” như vậy”.
Theo Nguyễn Nga
VietNamNet

Đọc thêm