Giới sáng tác Việt Nam viết về đại dịch: Khốc liệt nhưng sáng ngời niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trải qua 2 năm với đại dịch COVID-19, nhiều tác giả Việt Nam vẫn tiếp tục dùng ngòi bút ghi lại giai đoạn lịch sử này với ký ức “không thể nào phai mờ”.

Đại dịch qua trang sách

Tại quầy sách của NXB Trẻ ở đường sách Nguyễn Văn Bình, ánh mắt Vũ Hương Thảo (21 tuổi, đến từ Hà Nội, sinh viên Trường Đại học KHXH&NV TP HCM) dừng lại ở cuốn sách “Sài Gòn chọn nhớ những điều thương”. Cuốn sách chép lại bằng lời và hình ảnh từ 25 nhà thơ, nhà văn, nhà báo, công chức, doanh nhân, nhà khoa học, vận động viên, y bác sĩ, tình nguyện viên, nhiếp ảnh gia... trong không gian "bàng hoàng và rợn ngợp" của đại dịch COVID-19, với thời gian "dường như cũng vuột khỏi tay người" và một ký ức "không thể nào phai mờ".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Đợt dịch vừa rồi, em ở Hà Nội cùng gia đình, thấy thương Sài Gòn quá. Mình ở ngoài này, chỉ theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng vẫn không thể cảm nhận được một cách thật sự những gì người dân tại TP HCM phải đối mặt. Khi em vào nhập học lại, cuộc sống đã trở lại bình thường rồi. Nhờ có cuốn sách này, em có thể hiểu hơn những gì đang diễn ra quanh mình mà chắc chắn sau này, con cháu em sẽ được học về nó trong sách lịch sử” - Vũ Hương Thảo cho biết.

Không khoanh tay đứng ngoài thời cuộc, thời gian qua, nhiều nhà xuất bản và các tác giả đã trở thành những “nhà viết sử”, ghi chép lại những tháng ngày không thể nào quên với Việt Nam cũng như cả thế giới. Họ đã chứng minh mình là những “thư ký trung thành của thời đại”, không dửng dưng hoặc bỏ qua một chủ đề mang tính đại sự như COVID-19. Những thông tin đến tay người đọc không phải thông tin vĩ mô mà từ câu chuyện rất đời thường, chân thực của những cá nhân trong xã hội.

Trong đó có thể kể đến cuốn “Viết từ thành phố lockdown” của nhà văn Trần Nhã Thụy và bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh là một sự kết hợp giữa cái nhìn hiện thực sắc sảo và những kinh nghiệm y học được đưa ra phân tích; cuốn bút ký-bình luận “Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua” của nhà văn Sương Nguyệt Minh với gần 30 bài viết xuyên suốt trong khoảng 20 tháng, viết với tâm thế tác giả như là một nhân vật, một nạn nhân của COVID-19; ấn phẩm “Cây kèn và chiếc khẩu trang” tập hợp 194 tác phẩm thuộc 5 loại hình: văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật và nhiếp ảnh của 138 tác giả là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, đạo diễn, nhạc công… tái hiện khung cảnh TP HCM trong những ngày chiến đấu với dịch bệnh vừa qua.

Còn mãi hi vọng và tình yêu

Qua những trang sách viết về đại dịch COVID-19, người đọc thấy được tiếng thở khó, tiếng xe cứu thương, khẩu trang thành vật liền thân, ngôi nhà sau sợi dây giăng, đường sá không còn bóng người, ánh nhìn kiệt sức trong bộ đồ bảo hộ... Và những câu chuyện đời trong nghịch cảnh - cảm giác bất lực trước tử sinh; ranh giới nghiệt ngã của sự kỳ thị; cuộc ra đi không kịp lời chia tay; cái khó, cái đau, cái dằn vặt của người báo tử; nỗi ân hận về những hàn gắn không còn cơ hội thực hiện…

Nhưng đại dịch COVID-19 không chỉ có tang thương. Những trang sách không chỉ dừng lại ở việc phản ánh hiện thực khốc liệt, những sự việc mang tính thời sự cao, mà vẫn luôn ngời sáng lên niềm hi vọng, tin tưởng mãnh liệt vào cuộc sống .

Trong cuốn “Cây kèn và chiếc khẩu trang”, nhiều trang viết đã thể hiện được tinh thần này như truyện ngắn “Và chiến thắng vì tình yêu cuộc sống” (Hoài Hương), ca khúc “Đứng dậy đi em” (Vũ Hải Long), kịch “Niềm tin chiến thắng” (Nguyễn Thanh Bình), tranh sơn dầu “Thắp tin yêu” (Trần Văn Mạnh),... Đặc biệt, hình ảnh người nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đem tiếng kèn đến bệnh viện dã chiến lúc nửa đêm, giữa khoảng sân lộng gió xen lẫn tiếng còi hụ xe cấp cứu cũng đã được khắc họa qua những vần thơ đầy tính nhân văn của nhà thơ Lê Tú Lệ: “Giữa cây kèn saxophone và chiếc khẩu trang/ Bầy virus đánh đu trên từng nốt nhạc… Sân bệnh viện dã chiến bỗng chốc hóa khán phòng/ Muôn ô cửa sáng đèn nghẹn ngào dự khán/ Tựa ngàn lá phổi thương đau/ Người nghệ sĩ rút hơi mình thổi vào hy vọng/ Thổi vào khát vọng sống/ Tiếng kèn vút lên kích hoạt tình người”.

Còn tại “Sài Gòn chọn nhớ những điều thương”, người đọc không khỏi ngạc nhiên và cảm phục trước một cách lựa chọn rất... Sài Gòn và cũng rất Việt Nam: "Không thể quên những điều buồn, nhưng mà tôi chọn nhớ những điều thương". Cả tập sách là góc nhìn lạc quan, buông bỏ sầu não, dưỡng nuôi hy vọng, đồng hành cùng nhau vượt qua tất cả. Niềm hạnh phúc không chỉ giới hạn ở một thành quả to lớn nào đó, mà con người nhận ra điều diệu kỳ trong những thứ bình thường, đơn sơ nhất: món trứng chiên có ít lá hành, được tặng một đòn bánh tét, được về quê cách chỗ trọ năm chục cây số, bữa cơm hàng xóm nấu treo trước cửa phòng trọ một F0; những dòng tin nhắn thay nhau báo tin, mách nước, nguyện cầu và động viên; những group Zalo, Facebook gia đình, nhóm bạn, cộng đồng nhanh chóng ra đời hỗ trợ nhau về thông tin và tinh thần…

Xem ra, chính "sự tử tế và tình yêu thương đã cứu lấy Sài Gòn" nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Đây có lẽ là bài học sâu sắc nhất chúng ta có thể nhận được qua những trang sách ghi dấu, đồng hành cùng thời khắc lịch sử đau thương nhưng đáng nhớ, đã qua nhưng không thể lãng quên.

Đọc thêm