Giới siêu giàu Trung Quốc "vơ vét" các lò rượu vang Pháp

Các công ty nhà nước Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân và nhất là những người siêu giàu ở quốc gia đông dân nhất thế giới đang thi nhau thu gom các lò sản xuất rượu nho ở châu Âu, nhằm kiếm lời từ cơn khát rượu vang ngoại ở trong nước.

Các công ty nhà nước Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân và nhất là những người siêu giàu ở quốc gia đông dân nhất thế giới đang thi nhau thu gom các lò sản xuất rượu nho ở châu Âu, nhằm kiếm lời từ cơn khát rượu vang ngoại ở trong nước.

Cơn sốt mang tên rượu vang

Chateau du Grand Moueys là một ví dụ điển hình cho thấy mối quan tâm của người Trung Quốc tới các loại rượu vang ở châu Âu. Biệt thự lâu đài này từng liên quan tới một huyền thoại về các hiệp sĩ Templar, có những xưởng rượu nho nằm trong trái tim vùng Bordeaux nổi tiếng và hiện mới đón một chủ nhân tới từ Trung Quốc.

Ông chủ mới của biệt thự lâu đài kể trên, Zhang Jin Shan, 48 tuổi, là sáng lập viên tập đoàn Ningxia Hong có trụ sở ở  Tây Bắc Trung Quốc. Ông này mua Chateau du Grand Moueys từ chủ sở hữu người Đức vào đầu tháng 2 năm nay. Grand Moueys nằm trên diện tích rộng 170ha gần làng Capian ở vùng Entre-Deux-Mers của Bordeaux. Cách đó không xa, Qu Nai Jie, chủ tịch Tập đoàn Haichang, cũng đã mua biệt thự lâu đài Chateau de Grand Branet và ba cái tương tự như thế ở trong vùng, gồm Chateau Branda, Chateau Laurette và Chateau Thebot. Ngoài ra Qu còn mua Chateau Chenu Lafitte hồi năm 2010, và theo quản lý của Grand Branet, ông này hiện đang tích cực theo đuổi các thương vụ tương tự khác.

Phòng Thương mại Bordeaux (CCIB) cho biết trong vùng Bordeaux và xung quanh đó, hơn 12 biệt thự lâu đài các loại đã bị nhiều đại gia Trung Quốc mua sạch. Nhân viên môi gới bất động sản Eric Groux nói rằng các khách hàng Trung Quốc thường thích những biệt thự lâu đài ít tiếng tăm, nhưng phải nằm trong vùng sản xuất rượu vang.

Zhang, Qui là một phần trong làn sóng những người Trung Quốc đang tỏa đi khắp châu Âu để săn lùng các mặt hàng xa xỉ như rượu vang Pháp, xe sang và quần áo thời trang. Riêng về rượu vang, Trung Quốc đã trở thành nơi nhập khẩu và tiêu thụ rượu Bordeaux lớn nhất, với doanh số tăng 110% trong năm 2011. Cuối năm 2011, nước này đã vượt qua Anh để trở thành quốc gia tiêu thụ rượu vang lớn thứ 5 thế giới.

Và trong khi giá rượu vang toàn cầu đã giảm nhẹ từ mức tăng kỷ lục cách nay 2 năm, nhà đấu giá Christie vẫn bán sạch lô hàng của họ hồi tháng 2 vừa qua, khi đấu giá ở Hong Kong. Doanh thu mang về đạt gấp 3 mức ước tính trước đấu giá. Theo tổ chức nghiên cứu International Wine & Spirit Research, dự kiến người Trung Quốc sẽ tiêu thụ 250 triệu thùng rượu vang vào năm 2016.

Mua cả gốc lẫn ngọn

Cơn sốt rượu vang đã lập tức được những con mắt nhanh nhạy để ý. Không chỉ nhập rượu vang về bán, người Trung Quốc còn mua luôn cả nơi sản xuất ra rượu vang. David Guillon, chuyên gia thuộc tập đoàn IFL chuyên buôn bán các xưởng rượu nho, biệt thự lâu đài và các bất động sản cao cấp khác, nói rằng công ty ông vừa hoàn tất 6 hợp đồng trị giá hàng triệu Euro, giúp bán các vườn nho nằm ở vùng Bordeaux của Pháp cho các nhà đầu tư Trung Quốc trong năm 2011.

Khách hàng của ông có cả Công ty thương mại nhà nước COFCO. Họ mới mua biệt thự lâu đài Chateau de Viaud rộng 52 mẫu với giá 10 triệu Euro, trong khi công ty kim hoàn Tesiro, công ty thương mại quốc tế Longhai và công ty đầu tư H.K. A+A International Holding đều mua các biệt thự lâu đài có giá từ 2-6 triệu Euro trong năm ngoái. "Nhu cầu mua sắm đã lên mức khổng lồ và nó đã tăng rất nhanh" - Guillon nói, cho biết thêm rằng 80% khách hàng của công ty ở châu Á đều là người Hong Kong hoặc Trung Quốc.

Trong số 11.000 biệt thự lâu đài nằm dọc theo sông Garonne ở Bordeaux, có từ 15-20 tư dinh đã được bán cho các nhà đầu tư Trung Quốc kể từ năm 2008 và 30 tư dinh khác cũng sẽ sớm đổi chủ. Dù con số này chưa lớn, các nhà phân tích tin rằng xu hướng sẽ còn tăng cao, khi giới đầu tư Trung Quốc đổ xô tới Pháp. "Họ sẽ tới và mua hàng về phục vụ nhu cầu nội địa, bởi thị trường trong nước bùng nổ rất mạnh" - Philippe Hermant, người phụ trách buôn bán rượu nho tại công ty Transcapital cho biết.

Theo Guillon, các nhà đầu tư Trung Quốc thường thích mua biệt thự lâu đài nằm giữa vườn nho chuyên cho ra đời loại vang có chất lượng tầm trung, với giá cả dễ chấp nhận. Các biệt thự lâu đài kiểu này thường có giá từ 5-10 triệu Euro. Nếu muốn sở hữu biệt thự cho ra loại "grand cru" đắt tiền hơn, họ phải bỏ ra số tiền gấp 20 lần như thế. "Tư dinh grand cru có giá tới 800.000 Euro/ha. Người Trung Quốc không thể hiểu nổi mức giá vì sao cao thế và với họ, điều này thật khó chấp nhận" - ông nói. Tuy nhiên ông tin người mua Trung Quốc sẽ sớm chiếm lĩnh thị phần hàng có giá từ 10-30 triệu Euro trong mấy năm tới.

Giới phân tích nói rằng người mua Trung Quốc đang ở vị trí hết sức thuận lợi, bởi nguồn hàng của họ dễ chuyển về nước để bán và nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng rất mạnh. Đây là lợi thế mà các hãng sản xuất rượu vang ngoại quốc không có. "Việc sở hữu một xưởng rượu nho ở Bordeaux không phải là đặc quyền mà ai cũng có, và điều này cũng có nghĩa anh có thể định ra mức giá mình muốn, dù chất lượng rượu vẫn là dấu hỏi lớn" - Aubrey Buckingham, giám đốc công ty bia rượu Hewitson của Australia cay đắng nhận xét.

Hy vọng "một vốn trả bốn lời"

Ngoài giới đại gia và doanh nghiệp, đã có cả những người nổi tiếng Trung Quốc tới mua biệt thự lâu đài ở Bordeaux. Đơn cử như cựu ngôi sao bóng rổ nhà nghề  Yao Ming vừa khai trương công ty rượu Yao Family Wines và phân phối loại rượu Cabernet Sauvignon của riêng mình về Trung Quốc. Cuối năm ngoái, diễn viên Triệu Vy đã bỏ ra 4 triệu Euro để mua một biệt thự lâu đài ở Bordeaux.

Người Pháp đã không ngần ngại hoanh nghênh làn sóng dân Trung Quốc tới đây mua vườn nho và biệt thự lâu đài. Hầu hết dân Bordeaux tỏ ra khá hài lòng với các nhà đầu tư mới, vì khoản tiền đầu tư họ mang tới và cảm giác được tôn trọng. "Họ bỏ tiền đầu tư để cho ra lò các loại vang ngon nhất, nhưng họ chưa từng đề nghị tôi thay đổi rượu để phù hợp hơn với khẩu vị Trung Quốc" - chuyên gia rượu vang Jean-Baptiste Soula ở biệt thự lâu đài Chateau Latour-lagens nói. Ông cho biết phương thức chế rượu và các lao động tại xưởng rượu đều không bị thay đổi.

Với những người Trung Quốc đã mua được biệt thự lâu đài, họ không chỉ coi đây là một thứ tài sản để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, khoe khoang, mà còn nóng lòng muốn thu lợi từ nó, trong bối cảnh cơn sốt rượu vang trong nước còn chưa hạ nhiệt. "Người Trung Quốc coi vùng Bordeaux là thiên đường rượu vang, không chỉ vì thứ đồ uống tuyệt vời này mà còn vì hình ảnh nước Pháp, bởi khung cảnh tuyệt vời và các biệt thự lâu đài tráng lệ ở nơi đây" - Li Lijuan, cô gái 28 tuổi đang quản lý tư dinh Grand Moueys cho biết.

Li hiện sống một mình trong tư dinh có kiến trúc Gothic, vốn nằm giữa một vườn nho rộng lớn. Nhưng tới năm 2013, nó sẽ biến thành một khách sạn cao cấp với vườn kiểu Pháp, sân tennis, sân golf và một nhà hàng Trung Quốc. Cá nhân ông chủ Zhang từng thổ lộ trên tạp chí Decanter hồi tháng trước rằng ông hy vọng sẽ đón khoảng 10.000 du khách Trung Quốc lắm tiền nhiều của tới nghỉ ở Grand Moueys từ năm 2013, bên cạnh một lượng lớn du khách tới từ những nơi khác.

Tường Linh

Đọc thêm