Giới thiệu chữ ký của tân Phó Thủ tướng Lê Thành Long

(PLVN) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản giới thiệu chữ ký của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long, SN 1963, quê quán: TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Tiến sĩ Luật. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.

Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật tại Đại học tổng hợp Adecbaijan (Liên Xô cũ), Phó Thủ tướng Lê Thành Long bắt đầu sự nghiệp ở vị trí chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp. Ông sau đó trải qua nhiều cương vị khác nhau ở Bộ Tư pháp như Thư ký Bộ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Giới thiệu chữ ký của tân Phó Thủ tướng Lê Thành Long.

Giới thiệu chữ ký của tân Phó Thủ tướng Lê Thành Long.

Từ tháng 3/2014 đến 10/2015, ông làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Từ tháng 4/2016 đến nay, ông là Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Tư pháp.

Ngày 6/6/2024, tại Kỳ họp thứ, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm ông Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Phó Thủ tướng. Cùng ngày, Chủ tịch nước đã ký và trao Quyết định 496/QĐ-CTN bổ nhiệm ông Lê Thành Long giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 506/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Theo quyết định này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long được phân công các nhiệm vụ sau:

a) Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:

- Công tác xây dựng thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cải cách tư pháp.

- Xử lý tranh chấp, khiếu kiện quốc tế.

- Đặc xá.

- Phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

- Lao động, việc làm và các vấn đề xã hội.

- Văn hóa; du lịch; thể dục, thể thao.

- Y tế, dân số, gia đình và trẻ em.

- Chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.

b) Theo dõi và chỉ đạo: Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế.

c) Kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp đến khi cấp có thẩm quyền kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định.

d) Làm nhiệm vụ: Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh Trung ương; Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch; Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan.

đ) Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm