Giới thiệu sách: Một nét Thủy Anh

Tôi nhớ cách đây vài năm, chị đã tặng tôi tập thơ Suy tư trắng I, lúc đó, tôi cũng chưa biết nhiều về chị và cũng chưa hiểu để viết gì về tập thơ. Chỉ đọc và cảm nhận đôi lần hội ngộ trong những tứ thơ, những câu thơ viết khá mộc mạc và chân thành. Nhưng lần này, khi cầm trên tay tập thơ Suy tư trắng II với tựa Chiều xuống của chị, tôi mới vỡ lẽ một điều. Người đàn bà làm thơ này đã quá đa mang khi nén lại cảm xúc mình trên trang giấy trắng. Chị sẽ nhận được nhiều hơn thế, một lời tri ân và đồng cảm, sẻ chia từ bạn đọc?
(Đọc tập thơ Chiều xuống của Thủy Anh, NXB Văn học 2011)

Tôi nhớ cách đây vài năm, chị đã tặng tôi tập thơ Suy tư trắng I, lúc đó, tôi cũng chưa biết nhiều về chị và cũng chưa hiểu để viết gì về tập thơ. Chỉ đọc và cảm nhận đôi lần hội ngộ trong những tứ thơ, những câu thơ viết khá mộc mạc và chân thành. Nhưng lần này, khi cầm trên tay tập thơ Suy tư trắng II với tựa Chiều xuống của chị, tôi mới vỡ lẽ một điều. Người đàn bà làm thơ này đã quá đa mang khi nén lại cảm xúc mình trên trang giấy trắng. Chị sẽ nhận được nhiều hơn thế, một lời tri ân và đồng cảm, sẻ chia từ bạn đọc?

Chiều xuống với 62 bài thơ đầy cảm xúc của người thơ muốn nói hết lòng mình cùng những cung bậc tình cảm đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Có cả sự giằng xé đến ngột ngạt giữa những điều chưa thể chạm tới và cả sự nửa vời nào đó trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc bấp bênh của một người phụ nữ. Trong tập thơ, có nhiều bài đọc khá thấm, như: Tự cảm 1, Uống chiều vào xuân, Suy tư trắng, Cởi áo, Sẹo buồn, Không dưng, Phía xôn xao…

Sâu thẳm trong lời thơ, tôi đọc được một tiếng thở dài rất khẽ, để tìm thấy chân lý đôi khi chỉ với đôi lời thơ buồn rơi mãi: “Không dưng mà mắt em buồn - Không dưng - Mà nước đầu nguồn không trong - Không dưng phận gái long đong - Không dưng - Em chạy ngược dòng thời gian” (Không dưng). Nỗi cô đơn đôi khi làm người thơ mềm lòng thương nhớ,  và tự khóa mình vào trong nỗi cô độc để tự hát ru, tự an ủi mình: Ầu ơi! Cho giấc nồng sâu - Xua làn gió rét- Mưa ngâu đừng về - Lạnh lòng - Giữ lửa tình quê - Bờ tre còn đó - Bốn bề dậu nghiêng” (Ru mình). Trong thơ của Thủy Anh, tôi nhận ra nhiều hình ảnh gợi tình, nhiều câu thơ mang hơi thở cuộc sống và có cả âm nhạc đang cố ngân thành giai điệu. Hình ảnh thơ để lại dấu ấn trong tôi có lẽ là đôi câu thơ:

Cát vấp lăn tròn
Bóng chồng nhau
Năm tháng dọc dài kỷ niệm đau!

Đọc xong và ngẫm lại mới hiểu hết những nhọc nhằn đa mang của chị khi sáng tác và khi chiến thắng nỗi cô đơn phiền muộn trong lòng. Đó cũng là một thành công của chị, người làm thơ lặng lẽ soi mình trong bóng của ký ức, của những phôi phai và nhàn nhạt giữa cái có cái không, giữa cái cầm nắm được và cái không bao giờ chạm tới.

Tiếng khóc trong thơ đôi khi lại trở thành sức mạnh để người thơ đứng dậy và bước tiếp. Có chăng nỗi đợi chờ còn đâu đó, ám ảnh cả cuộc đời: “Trắng tay - Trở về bàn tay trắng - Trọn một kiếp người - Tay trắng tay - Bên gió bấc về-  Bên nắng ấm- Tình người hoang vắng- Trắng lòng nhau- Con trót một đời suy tư trắng- Xin mẹ ru hồn bằng nôi cát -Trắng phau” (Suy tư trắng).

Gập tập thơ Chiều xuống, tôi vẫn thấy ám ảnh bởi một nụ cười rất buồn. Có thể, đó là cái tôi của nhà thơ, của người thơ đã nhập vào trong từng câu thơ để khi đọc lên, người đọc bị ám ảnh và nhớ. Nhưng điều làm nên sự đầy đặn của tập thơ chính là sự thể hiện cảm xúc bằng cách riêng của Thủy Anh. Cách mà người đời vẫn hay gọi là tự sự, giãi bày. Làm thơ đã đa mang và phụ nữ đa mang luôn biết mình chọn lối đi nào. Tôi vẫn tin cảm nhận của mình đúng một góc nhìn rất nhỏ từ một người đọc yêu thơ. Chỉ là một nét phác họa Thủy Anh trong Chiều xuống để cùng buồn vui với số phận cuộc đời.

Nguyên Giao

Đọc thêm