Giới thiệu “Vụ việc của năm” năm 2010: Chung tay xóa nạn “hình sự hóa” tranh chấp dân sự !

Danh hiệu “ Vụ việc tiêu biểu” là cơ hội danh cho mọi tổ chức hành nghề luật sư và luật sư.

Danh hiệu “ Vụ việc tiêu biểu” là cơ hội dành cho mọi tổ chức hành nghề luật sư và luật sư. Năm 2010, trong lần tổ chức bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư của năm, Ban Tổ chức đã trao tặng danh hiệu “Vụ việc của năm” cho 5 vụ việc của các luật sư tham gia chương trình. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trao danh hiệu Luật sư của năm cho 5 luật sư   trong Chương trình bình chọn năm 2010
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trao danh hiệu Luật sư của năm cho 5 luật sư trong Chương trình bình chọn năm 2010

Đó là các vụ việc “Hình sự hóa tranh chấp dân sự giữa Cty Tân Á và Cty Thành Luân” (Luật sư Trần Việt Hùng, Văn phòng Luật sư Trí Việt), vụ việc “Nữ doanh nhân bị tù oan phải đi rửa bát để nuôi con bệnh tật đòi bồi thường oan sai” (Luật sư Đặng Văn Luân – Văn phòng Luật sư Miền Bắc), vụ việc tranh tụng tại Trọng tài quốc tế ICC, Văn phòng Châu Á – Thái Bình Dương (Cty luật Bizlink), vụ nông dân huyện Nhà Bè đòi Công ty Vedan bồi thương do xả thải gây ô nhiễm sông Thị Vải (Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) và vụ việc khiếu nại quyết định truy thu thuế đối với Cty cổ phần tập đoàn Phú Thái (Cty Luật Invest Consult).

Đây là vụ việc tiêu biểu, điển hình cho những vụ việc mà các luật sư đã trực tiếp tham gia cùng khách hàng đấu tranh và bảo vệ thành công quyền lợi của mình. Sở dĩ Ban Tổ chức tôn vinh những vụ việc này bởi đó cũng là những vụ việc điển hình cho những vấn đề pháp luật nhức nhối, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Vụ việc “Hình sự hóa tranh chấp dân sự giữa Cty Tân Á và Cty Thành Luân” được đánh giá là vụ việc tiêu biểu của năm 2010 bởi đây là vụ việc phản ánh một vấn đề pháp luật được coi là vấn nạn trong hệ thống tư pháp; điển hình cho tình trạng lạm quyền trong tố tụng hình sự để biến các tranh chấp dân sự thành “tội phạm”, thực trạng tồi tệ đã từng làm oan sai hàng trăm công dân trong cả nước ở thập niên 90 thế kỷ trước, trước khi Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực.

Trở lại vụ việc, Cty Tân Á và Cty TNHH Thành Luân ký hợp đồng đại lý thương mại, theo đó, Công ty Thành Luân là đại lý bán bồn chứa nước inox do Cty Tân Á sản xuất. Cty Tân Á giao cho Cty Thành Luân lô hàng trị giá khoảng 200 triệu đồng. Cty Thành Luân đã trả trước 100 triệu đồng.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, một nhân viên chi nhánh của Cty Tân Á đã thu tiền hàng của đại lý và chiếm đoạt. Tranh chấp phát sinh khi Cty Tân Á đòi tiền còn thiếu trong khi Cty Thành Luân khẳng định đã trả thông qua chi nhánh của Cty Tân Á. Thay vì đề nghị Tòa án giải quyết, Cty Tân Á đã gửi đơn đến…Bộ Công an.

Vụ việc tranh chấp khoảng 100 triệu đồng thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện, nếu có dấu hiệu tội phạm thì cũng chỉ thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp huyện (cụ thể là Cơ quan điều tra Công an TP Nam Định, nơi Cty Thành Luân có trụ sở), nhưng không hiểu sao Cơ quan điều tra Bộ Công an đã can thiệp vào vụ việc. Điều tra viên của cơ quan này đã đứng ra nhận tiền của Cty Thành Luân để “trả” cho Cty Tân Á, một hành động bị tố cáo là… đòi nợ thuê.

Cuối cùng, Cty Tân Á và Cty Thành Luân cũng có văn bản thống nhất giải quyết vụ việc và cam kết không con vướng mắc, nợ nần gì nhau. Hợp đồng giữa hai cty cũng chấm dứt. Nhưng lúc này, ông Nguyễn Văn Lượng, giám đốc Cty Thành Luân lại bị Cơ quan điều tra, Bộ Công an khởi tố về tội “lạm dung tín chiếm chiếm đoạt tài sản”.

Đặc biệt, số tiền mà ông Lượng bị quy kết là “chiếm đoạt” lại được chính điều tra viên “cầm hộ” và trả cho Cty Tân Á khi hai bên còn đang tranh chấp về nghĩa vụ trả nợ. Văn bản mà hai bên “chốt nợ” cũng thể hiện, Cty Thành Luân không còn nợ nần gì Cty Tân Á. Vụ việc trở nên vô cùng kỳ lạ khi VKSNDTC phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can rồi chính cơ quan này phải ra quyết định đình chỉ vụ án bằng một lý do kỳ lạ là “miễn trách nhiệm hình sự”, giống như một cách giải quyết hậu quả.

Vụ việc được bình chọn là “Vụ việc của năm” vì đã thỏa mãn các tiêu chí mà Ban Tổ chức đưa ra.

Thứ nhất, đây là vụ việc điển hình của vấn nạn “hình sự hóa tranh chấp dân sự”, một vấn đề nhức nhối và là nguyên nhân chính của tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự gây ra. Hầu hết các vụ án oan mà các cơ quan tố tụng gây oan sai cho công dân đều do hình sự hóa tranh chấp dân sự và các tội danh gây oan sai đều liên quan đến việc biến một vụ nợ nần thành tội phạm.

Thứ hai, việc đấu tranh để các cơ quan tố tụng phải đình chỉ vụ án oan này đã góp phần tích cực trong việc chống oan sai trong tố tụng hình sự. Trong việc áp dụng pháp luật, vụ việc khiến các cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét lại quyết định không đúng pháp luật của mình, góp phần ngăn chặn nạn lạm quyền trong tố tụng hình sự để can thiệp trái pháp luật vào tranh chấp dân sự. Nói cách khác, vụ việc đã ngăn chặn tình trạng điều tra viên muốn khoác áo… thẩm phán.

Thứ ba, vụ việc thể hiện kỹ năng của luật sư trong việc áp dụng pháp luật, đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; thể hiện tinh thần trách nhiệm của luật sư trong việc đấu tranh không khoan nhượng với những quyết định không đúng pháp luật, có thể gây oan sai cho công dân. Qua vụ việc này, luật sư đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa.  

* Danh hiệu “Vụ việc tiêu biểu” là cơ hội của mọi luật sư

Năm 2012, Ban Tổ chức bình chọn danh hiệu “Hãng luật và Luật sư tiêu biểu” tiếp tục vinh danh luật sư và tổ chức hành nghề luật sư bằng danh hiệu “Vụ việc tiêu biểu”. Theo TS. Đào Văn Hội, Trưởng Ban tổ chức thì công việc của luật sư gắn với các vụ việc. Theo đó, trong mỗi vụ việc, Ban Tổ chức có thể đánh giá được kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm, tâm huyết nghề nghiệp của luật sư. Vì thế, vinh danh mỗi vụ việc chính là vinh danh các luật sư và vinh danh luật sư thì không có gì chính xác bằng đánh giá công việc của họ, thể hiện qua các vụ việc mà họ đã thực hiện.

Danh hiệu “Vụ việc tiêu biểu” là cơ hội danh cho các luật sư. Khác với các danh hiệu khác, đặc biệt là danh hiệu “Hãng luật tiêu biểu” hay danh hiệu “Luật sư tiêu biểu” phải cần đến những thành tích hoạt động và kết quả hoạt động nổi trội mới có thể “cạnh tranh” được danh hiệu, danh hiệu “Vụ việc tiêu biểu” là cơ hội danh cho mọi luật sư, kể cả những luật sư mới vào nghề, luật sư hoạt động cá nhân hay luật sư làm việc tại các tổ chức hành nghề nhỏ, không quy mô.

Để vụ việc mà luật sư đã thực hiện được bình chọn, các luật sư phải làm báo cáo gửi Ban Tổ chức. Ngoài các hướng dẫn mà Ban Tổ chức đã gửi đến các tổ chức hành nghề luật sư, xin lưu ý một số nội dung sau:

1. Ban Tổ chức sẽ bình chọn danh hiệu “Vụ việc tiêu biểu” trên cơ sở hồ sơ, báo cáo vụ việc tiêu biểu mà các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư gửi khi đăng ký các danh hiệu của Ban Tổ chức. Trường hợp này, tổ chức hành nghề luật sư và luật sư không cần đăng ký danh hiệu “Vụ việc tiêu biểu” nhưng vẫn có thể được công nhận danh hiệu này.

2. Trường hợp luật sư, tổ chức hành nghề luật sư không đăng ký các danh hiệu mà Ban Tổ chức công bố mà muốn đăng ký danh hiệu “Vụ việc tiêu biểu” thì vẫn có thể làm báo cáo theo mẫu và gửi về Ban Tổ chức. Trường hợp này, luật sư và tổ chức hành nghề luật sư nêu rõ việc  đăng ký danh hiệu “Vụ việc tiêu biểu” trong hồ sơ gửi về Ban Tổ chức.

Ban Tổ chức khuyến khích các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đăng ký các danh hiệu của Ban Tổ chức và gửi kèm báo cáo “Vụ việc tiêu biểu” để Ban Tổ chức xem xét, bình chọn.

* Số lượng danh hiệu dự kiến sẽ trao

- Danh hiệu “Hãng luật tiêu biểu”: Không quá 10 tổ chức hành nghề luật sư;

- Danh hiệu “Luật sư tiêu biểu”: Không quá 10 luật sư;

- Danh hiệu “Cống hiến cho nghề luật sư”: Không quá 5 luật sư;

- Danh hiệu “Luật sư vì cộng đồng”: Không quá 10 luật sư

- Danh hiệu “Luật sư triển vọng”: Không quá 10 luật sư

- Danh hiệu “Vụ việc tiêu biểu”: Không quá 10 vụ việc

Bình Minh

Đọc thêm