Giới trẻ có lãng quên văn chương?

(PLVN) - Nhắc đến văn chương trẻ, giới chuyên môn và một bộ phận không nhỏ độc giả vẫn luôn hoài nghi. Trước sự lên ngôi của mạng xã hội, văn hóa nghe - nhìn, những hình thức giải trí mới mẻ và tiện nghi... liệu người trẻ có lãng quên văn chương khi đời sống quanh đây có vạn lời mời?
Từ trái qua: Nhà văn Đức Anh, tác giả Triều Dương và MC Minh Tâm. (ảnh Ban Tổ chức)
Từ trái qua: Nhà văn Đức Anh, tác giả Triều Dương và MC Minh Tâm. (ảnh Ban Tổ chức)

Tuy nhiên, với những ai tham dự buổi ra mắt sách "Không gì ngoài cơn mưa" của tác giả trẻ Triều Dương, chắc chắn câu trả lời sẽ là: Người trẻ không hề quên văn chương. Người trẻ chỉ tiếp cận văn chương theo một cách khác.

Buổi ra mắt tập truyện ngắn đầu tay "Không gì ngoài cơn mưa" của tác giả trẻ Triều Dương (SN 2001) với sự góp mặt của nhà văn Đức Anh, vừa diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do “Dòng - chữ”, một dự án văn chương trẻ hướng đến sự sáng tạo và thể nghiệm - tổ chức.

"Không có gì ngoài cơn mưa" hấp dẫn giới trẻ với những thông điệp tích cực. (ảnh BTC)

"Không có gì ngoài cơn mưa" hấp dẫn giới trẻ với những thông điệp tích cực. (ảnh BTC)

Các bạn trẻ đã thể hiện tình yêu văn chương với phần mở đầu chương trình, với phần đọc trích đoạn truyện “Tái sinh” theo lối biểu diễn sân khấu của hai diễn viên trẻ không chuyên. Dù dàn dựng còn đơn giản và đôi chỗ chưa trau chuốt, song màn trình diễn đã cho thấy một tư duy mới, một hướng đi mới trong cách Gen Z thưởng thức văn chương và đa dạng hóa những khả thể của sáng tạo.

Câu chuyện siêu thực của “Tái sinh” mang hơi hướng trinh thám, xoay quanh lời tường thuật của hai nhân vật: Một viên thanh tra luôn đau đáu với vụ án giết người hàng loạt cách đây 10 năm, cùng một nạn nhân năm xưa vừa… sống lại từ dưới mồ.

Màn trình diễn làm nổi bật những thủ pháp lấy cảm hứng từ điện ảnh và văn học trinh thám được tác giả áp dụng như: người kể chuyện không đáng tin hay kết thúc bỏ ngỏ, đem lại không khí điện ảnh cho câu chuyện và chạm đến cảm xúc của khán giả.

Với Triều Dương, trích đoạn này cũng là cơ hội để cô dẫn dắt người đọc vào thế giới văn chương của mình. Tự nhận là một người chịu ảnh hưởng lớn từ điện ảnh - đặc biệt là những tác phẩm khám phá bản chất của cái ác và góc khuất trong tâm hồn con người, Triều Dương đã viết những truyện ngắn với nỗ lực đào sâu vào đề tài này, để thấy được "con người bên trong con người".

Giới trẻ tiếp cận văn học theo cách mới. (ảnh BTC)

Giới trẻ tiếp cận văn học theo cách mới. (ảnh BTC)

Triều Dương chia sẻ: "Dù rất khó để đi đến tận cùng bản chất của cái ác hay tâm lý, hành vi của con người, song tôi mong muốn phần nào chạm đến những góc khuất, những "gương mặt" chúng ta không để lộ ra với thế giới".

Nhà văn Đức Anh, tác giả của Nhân sinh kép, Đảo bạo bệnh... cũng chia sẻ tại buổi tọa đàm ra mắt sách: "Tôi đã đọc một số truyện ngắn của Triều Dương từ khi cô mới bắt đầu viết. Sáng tác của Dương nhìn nhận con người như những âm bản của chính họ - không phải trong cuộc sống thường ngày, mà trong những tình thế đặc biệt buộc con người đó phải bộc lộ những cảm xúc, suy tư đè nén và đưa ra lựa chọn."

Khi được người đồng sáng lập “Dòng - chữ” - MC Minh Tâm - đặt câu hỏi: "Liệu văn chương của mình có quá tập trung vào sự đen tối, tiêu cực hay không?". Tác giả Triều Dương đã trả lời rằng, dù xây dựng câu chuyện xoay quanh cái ác, nhưng cô luôn hướng độc giả đến với "những điều đẹp đẽ" như khát vọng tự do, lựa chọn sống với con người thật của mình bất chấp những chấn thương tinh thần và sự bất hòa với thế giới, với bản thân.