Giông bão bủa vây công ty công nghệ Trung Quốc

(PLVN) - Trong năm 2019, tin xấu liên tiếp đến với công ty công nghệ Trung Quốc, tiêu biểu là Huawei, khi bị hạn chế làm ăn với doanh nghiệp Mỹ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Gót chân Achilles”

Với nhiều công ty công nghệ Trung Quốc, 2019 là một năm khó khăn. Sau khi giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu bị bắt vào cuối 2018, Huawei hồi tháng 5/2019 bị Mỹ đưa vào danh sách đen, bị cấm làm ăn với các công ty Mỹ.

Vài tháng sau, một số công ty trí tuệ nhân tạo (AI) lớn nhất Trung Quốc như SenseTime, Megvii và Hikvision cũng bị thêm vào danh sách đen. Washington lo ngại công nghệ giám sát của họ được chính quyền sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm nhân quyền.

TikTok, ứng dụng video nổi tiếng của công ty Trung Quốc ByteDance, gần đây bị Mỹ xem xét về các vấn đề an ninh, quyền riêng tư và kiểm duyệt.

Tất cả diễn biến này xảy ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Washington ngày càng nghi ngại về tham vọng dẫn đầu thế giới trong công nghệ chiến lược như AI và 5G của Trung Quốc.

“Người Mỹ lo lắng Trung Quốc đang theo dõi họ. Nhiều người ở Washington DC tin rằng Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của phương Tây”, một chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng Mỹ đang cố gắng kìm chân sự trỗi dậy kinh tế của họ. Việc này thúc đẩy Trung Quốc cố gắng tự phát triển các công nghệ cốt lõi như chất bán dẫn và phần mềm.

“Gót chân Achilles” của các công ty Trung Quốc đã bị phơi bày: Phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Khi mất quyền truy cập vào hệ điều hành Android của Google, doanh số điện thoại di động của Huawei nguy cơ tụt dốc. Liệu có ai muốn một chiếc điện thoại Android không dùng ứng dụng Google? Kho dự trữ chip và các linh kiện khác sẽ chỉ giúp các công ty Trung Quốc duy trì trong ngắn hạn.

Trong lĩnh vực AI, các công ty nhỏ và vừa Trung Quốc hầu như sử dụng phần mềm từ các nền tảng nguồn mở có nguồn gốc từ Mỹ như Tensorflow của Google và Pytorch của Facebook.

Sau nhiều năm phụ thuộc vào phần mềm nước ngoài như hệ điều hành Windows của Microsoft và nhập chip từ Mỹ cùng Đài Loan, Bắc Kinh giờ đây muốn tự cung tự cấp. Họ đã bắt đầu nỗ lực bằng cách lập quỹ 29 tỷ USD do nhà nước hậu thuẫn với mục đích tạo ra chuỗi cung ứng chất bán dẫn của riêng mình, cũng như có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, khoa học và công nghệ.

Nguy cơ, hay cơ hội?

“Mỹ đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh cạnh tranh với Trung Quốc và họ làm đúng như vậy”, một chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Toàn cầu hóa Trung Quốc, nói. Tuy nhiên, chính sách này có thể phản tác dụng vì nó khiến Trung Quốc tăng tốc nỗ lực giảm phụ thuộc vào Mỹ, khiến doanh nghiệp Mỹ mất đi khách hàng.

Đầu tháng 12/2019, Financial Times đưa tin Bắc Kinh ra lệnh cho các văn phòng chính phủ và cơ quan công quyền sử dụng phần cứng và phần mềm nước ngoài trong vòng ba năm phải chuyển sang các nhà cung cấp trong nước. Các nhà phân tích ước tính 20 - 30 triệu phần cứng sẽ bị loại bỏ và thay thế.

Trong khi đó, tập đoàn thương mại điện tử và công nghệ Alibaba Group Holding đã bắt đầu thiết kế chip AI có thể được tối ưu hóa để chạy các tác vụ liên quan đến AI. Lợi thế của họ là sở hữu kho dữ liệu khổng lồ được thu thập từ hàng triệu người dùng có thể được sử dụng để đào tạo các hệ thống AI.

T-Head, công ty con của Alibaba, hồi tháng 9/2019 công bố chip AI đầu tiên được xây dựng từ nguồn mở, thay vì bản quyền từ công ty như ARM tại Anh. Công ty con HiSilicon của Huawei vào tháng 8 hé lộ Ascend 910, được gọi là “bộ vi xử lý AI mạnh nhất thế giới”, phục vụ việc đào tạo mô hình AI.

Các công ty như Huawei phụ thuộc nhiều vào linh kiện phần cứng như chip. Việc tự thiết kế và có nguồn cung chip độc quyền sẽ giúp họ đứng vững nếu nguồn cung từ Mỹ có biến động. Wall Street Journal hồi đầu tháng này đưa tin điện thoại Mate 30 mới nhất của Huawei không chứa linh kiện có nguồn gốc từ Mỹ, mặc dù một số công ty Mỹ vẫn được cho phép tiếp tục kinh doanh với Huawei.

Xu hướng này không thể tránh được trong năm 2020, khi có nhiều công ty Trung Quốc hiện nằm trong danh sách đen thương mại. Tuy nhiên, đây là điều tích cực đối với ngành công nghiệp phần mềm Trung Quốc. Các sản phẩm từ phương Tây có thể bị thay thế bằng hàng nội.

Một số công ty phần cứng Mỹ như Intel và Dell đã mất đi đơn hàng từ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Đối với nhiều công ty, Trung Quốc là thị trường rộng lớn, quan trọng mà họ không thể để mất. Dell hồi tháng 11/2019 cho biết hoạt động kinh doanh máy chủ tại Trung Quốc đã giảm và Intel đầu năm 2020 sửa đổi hướng dẫn lợi nhuận (dự báo được lãnh đạo công ty công bố về lãi lỗ trong tương lai gần) trong bối cảnh nhu cầu từ Trung Quốc đang giảm.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Trung Quốc có khả năng gặp khó khăn khi cố gắng thay thế sản phẩm Mỹ và phải đảm bảo chất lượng tương đương. Họ cũng phải thực hiện các hứa hẹn trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ.

Washington cáo buộc Bắc Kinh ép các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ để được cấp phép hoạt động tại Trung Quốc. Trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một, Trung Quốc không chỉ đồng ý tăng mua hàng hóa Mỹ mà còn cam kết bảo vệ tài sản trí tuệ tốt hơn và không ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ tại thị trường Trung Quốc.