Giọng hát bị “trừ đi”

Trước khi sang VN, nhóm nhạc Il Divo đã được háo hức chờ đợi. Thế nhưng có vẻ sự háo hức ấy cuối cùng đã không được các ca sĩ siêu sao “đáp ứng”.

Trước khi sang VN, nhóm nhạc Il Divo đã được háo hức chờ đợi. Thế nhưng có vẻ sự háo hức ấy cuối cùng đã không được các ca sĩ siêu sao “đáp ứng”. Nhiều khán giả xem và nghe nhóm Il Divo hát trong đêm chung kết Hoa hậu Thế giới người Việt qua truyền hình trực tiếp trên VTV3, VTV4, lại thấy “sao không hề khớp với những gì đã được nghe trước đó”… Chuyện gì đã xảy ra? Lẽ nào Il Divo đã “không đạt phong độ” khi trình diễn tại VN? Không đúng. 5.000 khán giả có mặt tại sân khấu nhạc nước Vinpearl - Nha Trang, nơi diễn ra đêm chung kết, cả ê-kíp thực hiện chương trình lẫn đội ngũ những người làm nghề đều thừa nhận rằng, các ca sĩ hát live quá tuyệt vời và âm thanh có chất lượng cực tốt.
Mô tả ảnh.
4 "quý ông" của IL DIVO giao lưu với hoa hậu Jennifer Phạm trên sân khấu chung kết HHTG người Việt
Còn việc chất lượng bị “trừ đi” quá nhiều qua sóng truyền hình, thì ca sĩ Hà Anh Tuấn đã nhận xét: “Trực tiếp làm việc cùng ê-kíp sản xuất, tôi biết rõ ê-kíp âm thanh của VN đã nỗ lực hết mức để đáp ứng những yêu cầu cực kỳ cao của Il Divo. Nghe nhóm hát tại sân khấu, chúng tôi đều nổi hết da gà… Nhưng sau đó, khi về khách sạn xem tiết mục sau trên truyền hình, thì đúng là chất lượng âm thanh…  một trời một vực!”. Hà Anh Tuấn nói rõ hơn: “Không cần đi sâu vào kỹ thuật, có thể nói nôm na rằng, hệ thống thu nhận âm thanh ở sân khấu có đến mấy chục đường, nhưng khi phát qua đài truyền hình thì chỉ còn một, vì âm thanh của các đài là dạng mono. Cho nên khán giả truyền hình sẽ được nghe một thứ âm thanh với chất lượng bị vỡ và dở đi rất nhiều”. Từng làm đạo diễn nhiều chương trình ca nhạc, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tỏ ra cảm thông với các nghệ sĩ hát live trong những chương trình trực tiếp truyền hình. Anh cho rằng ngoài vấn đề chất lượng cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có, “quan trọng hơn vẫn là ý thức, là cách làm của chúng ta”. Ở các nước, ngoài những chương trình do chính các đài truyền hình sản xuất, khi có những chương trình mang tầm quốc tế, các đài phải đấu thầu để được mua quyền phát sóng. Còn ở VN, các đơn vị tổ chức phải “xin”, và phải trả tiền cho đài để được lên sóng. Chính tâm lý “xin - cho” đã khiến cho dù chất lượng chương trình có khác nhau đến mấy, thì cũng chỉ có duy nhất một cách làm, một đội ngũ thực hiện. Đúng là khó lòng đòi hỏi chất lượng phát hình cao khi cho đến nay, thói quen của khán giả truyền hình VN vẫn là được xem miễn phí. Không dễ để nâng cấp, thay đổi toàn bộ hệ thống trong ngày một ngày hai, nhưng nếu được đầu tư và cải thiện, sự thay đổi về kỹ thuật sẽ tác động trở lại trên ý thức của người hoạt động nghệ thuật. Bởi không một nghệ sĩ thực thụ nào lại không muốn được hát live, để được biểu diễn với tất cả xúc cảm và năng lượng của mình.
Theo Nguyên Vân
Thanh Niên

Đọc thêm