Tội ác trong cơn say
Mặc dù chưa phải là phạm nhân nhiều tuổi nhất tại trại giam Yên Hạ (Sơn La) thế nhưng Lù Văn Phúc (sinh năm 1968, người dân tộc Thái, trú tại bản Luồng, xã Chiềng San, huyện Mường La, Sơn La) chẳng khác nào một ông lão. Bước vào căn phòng gặp mặt phóng viên, khác với các phạm nhân khác, Phúc đi cà nhắc từng bước một chậm dãi, nét mặt đăm chiêu và luôn hướng nhìn xuống đất.
Lúc đầu gặp Phúc, khi được hỏi về tội danh phạm tội và quá trình phạm tội, Phúc đã rất rụt rè. Có lẽ, ký ức về quá khứ lầm lỗi mà hắn đã gây ra vẫn luôn thường trực trong tâm trí hắn.
Phúc cúi mặt, hai bàn tay đan vào nhau rồi nói: “Tôi không biết bắt đầu từ đâu, đau lòng lắm cán bộ ạ, trên đời này có tội nào lớn hơn việc sát hại chính bố đẻ của mình”.
Phúc bảo, hơn 11 năm qua, Phúc luôn cảm thấy tội lỗi và hối hận vì tội ác mà mình đã gây ra. Những điều Phúc đánh mất đó là tình mẹ con và tình anh em ruột thịt. Mỗi ngày qua đi với Phúc đều là một sự trả giá và kể cả sau này, nếu có cơ hội để sống mà trở về cũng không thể chuộc hết được lỗi lầm.
Lù Văn Phúc là con trưởng trong một gia đình có 10 anh em. Anh em Phúc lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ. Mặc dù nhà đông anh em nhưng Phúc vẫn được bố mẹ lo cho học hết lớp 9. Đi bộ đội về, năm 24 tuổi Phúc lập gia đình. Để con có một mái ấm riêng, bố mẹ đã cho Phúc một mảnh đất (nằm đối diện, cách nhà bố mẹ đẻ khoảng 10 mét) để dựng nhà và cho Phúc một mảnh đất vườn rộng 1,25ha, trồng cây ăn quả (nằm bên suối, cách nhà 1km).
Chuyện sẽ chẳng có gì, nếu như mọi thứ cứ thế êm đềm trôi qua. Thế nhưng, theo lời kể của Phúc, khi các con dần trưởng thành, mảnh đất vườn ngày xưa mà bố cho, bố muốn đòi lại đã khiến cho bố con Phúc nhiều lần cãi vã.
Khi đó, bố mẹ Phúc ở với người em trai thứ 5 trong nhà, là giáo viên, kinh tế có phần eo hẹp hơn anh trai. Trong suy nghĩ của bố Phúc lúc đó, muốn Phúc trả lại mảnh đất vườn để cho người em trai sử dụng. Phúc không đồng ý và đã đi làm sổ đỏ đứng tên trên mảnh đất đó.
Sau đó, ông Ắng (bố đẻ của Phúc) đã làm đơn lên Phòng tài nguyên môi trường và UBND huyện để thu hồi sổ đỏ mảnh đất đó.
Sau thời gian dài hai bên xảy ra tranh chấp, tới ngày 20/7/2012, khi Phúc đang ở nhà thì thấy bố đi uống rượu về. Lúc này nghe thấy bố ở trên nhà (nhà của Phúc và bố đẻ nằm ở hai bên đường trong bản, đối diện cách nhau khoảng 10 mét) chửi với xuống nhà.
Sau một hồi hai bên lời qua tiếng lại, Phúc đã nhặt 4-5 hòn đá ở đường ném lên nhà ông Ắng. Lúc này Lò Văn Giót (em trai của Phúc) đang ở cùng nhà với ông Ắng đi từ trong nhà ra ngoài hiên nói với Phúc “Sao anh ném đá như vậy”, Phúc nói “có phải nhà mày đâu, nhà kia là nhà ông Ắng thôi”, nghe thấy Phúc nói như vậy, ông Ắng cùng Giót mỗi người nhặt một hòn đá ném lại Phúc.
Kể đến đây, Phúc nghẹn lại một lúc rồi nói tiếp: “Khi đó, tôi cũng ngà ngà say rượu, nghe thấy bố chửi và bị ném đá trúng người nên tôi đã không giữ được bình tĩnh…”.
Do tức giận, Phúc đã chạy vào bếp lấy con dao quắm và đến chỗ ông Ắng chém 4 nhát vào đỉnh đầu ông Ắng...
Sau đó, ông Ắng được đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La, nhưng do chấn thương sọ não, vỡ hộp sọ, đến ngày 23/7/2012, ông Ắng đã chết.
Ngày 19/3/2013, Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã tuyên phạt Lù Văn Phúc mức án tù chung thân về tội “Giết người”.
“Sau khi tòa tuyên án, tôi đã suy sụp hoàn toàn. Nhiều đêm thức trắng trong trại, tôi vẫn không thể tưởng tượng ra rằng mình đã làm chuyện tày đình đó. Tôi là đứa con bất hiếu. Tôi có lỗi với bố, có lỗi với mẹ, có lỗi với các em trong gia đình và với vợ con tôi…” – Lù Văn Phúc nghẹn ngào nói.
Chỉ mong tới ngày trở về mẹ vẫn còn sống để trả chữ hiếu
|
"Khi gây ra cái tội "Trời không dung, đất không tha" này, tôi không mong cầu nhiều. Nếu có cơ hội được trở về, nếu vẫn được các con kính trọng, đối xử tốt thì cuộc đời tôi như vậy đã là mãn nguyện. Nếu các con tôi có khinh bỉ, đối xử tệ bạc tôi cũng không nửa lời oán trách" - Lù Văn Phúc nghèn ngào nói. |
“Nhập trại” đến nay đã hơn 11 năm thế nhưng, nỗi ám ảnh về tội lỗi mà mình gây ra vẫn chưa hết day dứt trong tâm trí của Phúc. Đêm nào cũng vậy, khi ánh đèn phòng giam tắt lịm, là lúc Phúc nghĩ về cái chết của người cha, về những nỗi đau mà mình đã gây ra cho người thân và gia đình. Giờ đây, “gã” mới hiểu thế nào là “sống không bằng chết”. Bản án lương tâm dày vò khiến hắn không thể nào tha thứ cho chính mình, không thể nào ngủ yên.
Phúc kể, ngày gây ra tội ác, mẹ và 9 người em còn lại đã quay lưng không nhìn mặt. Giận Phúc, gia đình giận cả vợ và các con hắn. Phải mất 7 năm sau khi Phúc vào tù, mẹ và các em mới tha thứ cho tội lỗi mà hắn đã gây ra. Trong suốt 7 năm đó, người vợ tần tảo, vừa bận bịu với công việc mưu sinh, vừa chăm lo con cái đã thay Phúc chuộc tội với mẹ và các em.
“Những năm tháng đầu tiên khi vào trại, do tội lỗi mà tôi gây ra quá lớn khiến gia đình không thể tha thứ. Mẹ đẻ từ mặt, các em cũng không ai đoái hoài. Vợ con tôi cũng phải chuyển nhà đi nơi khác. Trong suốt những năm đó, không giây phút nào tôi được yên lòng. Tôi đã nhiều lần viết thư về xin lỗi mẹ và các em nhưng đều không nhận được hồi âm của mọi người. Mãi 7 năm sau thì mẹ và các em mới vào thăm và tha thứ cho tôi” – Phúc nói, đôi mắt tỏ rõ nỗi buồn.
Hỏi Phúc ngày gặp mẹ và các em, Phúc đã nói với mẹ câu gì? Hắn chợt im lặng, cúi gằm mặt, hai bàn tay bấu chặt lấy nhau, có lẽ không thể nén được những cảm xúc đang dâng trào, nước mắt hắn cứ thế chảy ra.
Khi cảm xúc qua đi, Phúc tâm sự: “Thời gian qua, tôi đã vô cùng ân hận, tiếc nuối. Mỗi khi nằm mơ thấy bố, tôi đều mơ những giấc mơ được cùng bố ăn bữa cơm gia đình. Nếu như có thể quay trở lại, tôi sẽ trả lại mảnh vườn đó cho ông. Tôi không cần gì cả, tôi chỉ muốn được như trước kia, sống vui vầy bên cả gia đình. Tôi vẫn là đứa con ngoan của bố mẹ, là người anh trai cả của các em...”.
“Mảnh vườn mà ông Ắng và Phúc tranh chấp, sau khi Phúc vào tù chấp hành án, Phúc và vợ đã chuyển lại cho người em trai thứ 5 trong nhà sử dụng”.
Từ ngày về trại giam Yên Hạ cải tạo, do sức khỏe kém nên Phúc được phân công về lao động ở Đội 40, phân trại Số 1. Mỗi khi đau ốm, Phúc đều được cán bộ trại giam quan tâm, động viên. Nhận được sự động viên từ các cán bộ trại giam và vợ con, Phúc ngày ngày cố gắng cải tạo tốt để mong nhận được sự khoan hồng của Nhà nước.
“Nhớ lại những lúc đổ bệnh, huyết áp tăng cao, được các cán bộ quan tâm, chăm sóc, cho tôi xuống trạm xá tiêm thuốc, uống thuốc điều trị. Tới khi sức khỏe ổn định mới lại cho tôi trở về lao động… Tôi thật sự thấy “ấm lòng”. Chính nhờ những tình cảm, sự động viên của các cán bộ, tôi càng ý thức được việc phải sống khỏe mạnh, cải tạo tốt để có cơ hội được trở về thực hiện nốt những điều tôi còn “nợ” với gia đình với xã hội” – Phúc nói và không quên gửi lời cảm ơn tới các cán bộ trại giam Yên Hạ.
Phúc bảo, giờ đây khi đã được mẹ và người thân tha thứ, hắn như trút được gánh nặng nhưng điều khiến Phúc hối tiếc nhất chính là không làm tròn chữ hiếu với người mẹ năm nay đã gần 80 tuổi và đã không tự tay lo cho các con trưởng thành, xây dựng gia đình cho các con.
Theo lời Phúc thì 2 đứa con trai của hắn giờ đã đều có gia đình riêng, các cháu đều chăm ngoan, học giỏi và thi thoảng cũng vào thăm ông. Điều này càng khiến Phúc có thêm động lực để cải tạo tốt và mong sớm có ngày trở về. Song còn một ước nguyện, mà Phúc vẫn luôn đau đáu trong lòng đó là được tự tay thắp cho bố một nén hương tạ lỗi và chăm sóc mẹ già những ngày tháng về sau này.
“Tôi chỉ mong khỏe mạnh, sống đến ngày mãn hạn trở về, dù sức yếu cũng cố gắng thắp cho bố một nén nhang cho lương tâm thanh thản và mong khi đó mẹ già vẫn còn sức khỏe để kịp báo hiếu, không biết có kịp không…”, Phúc bỏ dở câu nói giữa chừng... đôi mắt nhìn vào hư không.
Sau cuộc trò chuyện với Phúc, nhìn dáng đi lủi thủi của hắn khuất dần về phía phòng giam. Có lẽ quãng thời gian 11 năm đã đủ để hắn học được bài học cho những gì mình đã gây ra. Những giọt nước mắt chỉ giúp hắn vơi bớt nỗi ân hận, giày vò chứ không thể xóa sạch được tội lỗi của hắn. Bi kịch ấy còn mãi như một vết thương chẳng bao giờ kín miệng và sẽ còn bám riết hắn cho đến hết cuộc đời.